Ông cha ta từ xưa đã có câu “ rừng vàng biển bạc”. Câu nói này cho thấy rừng và biển là những tài nguyên quý giá và đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Hiện nay, rừng được chia thành nhiều loại với nhiều công dụng và đóng những vai trò khác nhau. Chính vì vậy, nhà nước đã ban hành những quy định pháp luật cụ thể về việc khai thác lâm sản. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về quy định khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên?
Căn cứ pháp luật:
– Luật Lâm nghiệp năm 2017;
– Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật lâm nghiệp.
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
1. Khái quát quy định về rừng và rừng sản xuất
Luật Lâm nghiệp nước ta định nghĩa về rừng như sau:
“Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.”
Hiện nay để người ta căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu để phân loại rừng thành 03 loại là: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Trong đó rừng sản xuất là loại rừng được sử dụng chủ yếu vào mục đích cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Căn cứ điều 5, điều 6 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật lâm nghiệp và các tiêu chí về độ tàn che, diện tích liền vùng, chiều cao trung bình của cây rừng mà rừng sản xuất tiếp tục được chia thành hai loại, cụ thể như sau:
Thứ nhất, rừng sản xuất là rừng tự nhiên:
Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung. Để xác định một cánh rừng là rừng tự nhiên thì cần đạt những tiêu chí như sau:
– Độ tàn che của các loài cây rừng là thành phần chính của rừng tự nhiên từ 0,1 trở lên.
– Rừng có diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên.
– Chiều cao trung bình của cây rừng là thành phần chính của rừng tự nhiên được phân chia theo các điều kiện lập địa như sau:
• Rừng tự nhiên trên đồi, núi đất và đồng bằng từ 5,0 m trở lên
• Rừng tự nhiên trên đất ngập nước ngọt từ 2,0 m trở lên
• Rừng tự nhiên trên đất ngập phèn từ 1,5 m trở lên
• Rừng tự nhiên trên núi đá, đất cát, đất ngập mặn và các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác từ 1,0 m trở lên.
Thứ hai, rừng sản xuất là rừng trồng:
Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng. Khi đạt các tiêu chí dưới đây thì sẽ trở thành rừng trồng:
– Độ tàn che của cây rừng trồng từ 0,1 trở lên.
– Diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên.
– Chiều cao trung bình của cây rừng được phân chia theo các điều kiện lập địa như sau:
• Rừng trồng trên đồi, núi đất và đồng bằng, trên đất ngập phèn từ 5,0 m trở lên.
• Rừng trồng trên núi đá có đất xen kẽ, trên đất ngập nước ngọt từ 2,0 m trở lên.
• Rừng trồng trên đất cát, đất ngập mặn từ 1,0 m trở lên.
2. Quy định về bảo vệ và phát triển rừng sản xuất:
2.1. Bảo vệ rừng sản xuất
Việc bảo vệ rừng sản xuất được tập trung vào 3 mảng nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, bảo vệ hệ sinh thái rừng:
– Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật rừng phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Khi tiến hành các hoạt động làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và chỉ được thực hiện các hoạt động đó sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Thứ hai, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng:
– Tất cả các loài động vật rừng trong khu rừng sản xuất phải được bảo vệ, bảo đảm sinh cảnh sống tự nhiên và nguồn thức ăn của động vật rừng.
– Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ. Tuân thủ quy định của chính phủ về chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp
– Việc khai thác lâm sản và động vật rừng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.
– Đảm bảo thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định. Đồng thời tuân thủ các quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại rừng sản xuất, thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y.
2.2. Phát triển rừng sản xuất:
Việc phát triển rừng sản xuất cần đáp ứng những nội dung như sau:
– Duy trì diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có; phục hồi rừng tự nhiên ở những diện tích trước đây đã khai thác mà chưa đạt tiêu chí thành rừng; chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi.
– Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.
– Khuyến khích trồng rừng hỗn loài, lâm sản ngoài gỗ; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.
– Chủ rừng thực hiện phát triển rừng sản xuất theo phương án quản lý rừng bền vững;
– Chủ rừng tự đầu tư hoặc liên doanh, liên kết để thực hiện các dự án phát triển rừng và tổ chức sản xuất trên diện tích rừng, đất trồng rừng sản xuất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
– Các biện pháp lâm sinh áp dụng để phát triển rừng được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
3. Quy định về việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên
3.1. Về quy định đối với chủ rừng:
– Thứ nhất, chủ rừng là tổ chức phải có phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Thứ hai, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.
3.2. Về hình thức khai thác:
Thứ nhất, khai thác chính gỗ rừng tự nhiên
Đối tượng: là cây gỗ trên diện tích rừng giàu, rừng trung bình.
Điều kiện khai thác:
– Không trong thời gian đóng cửa rừng
– Chủ rừng phải lập phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khai thác gỗ có đề nghị và được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.
Phương thức:
– Khai thác chọn với cường độ khai thác tối đa là 35% trữ lượng gỗ của lô rừng.
Thứ hai, khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên
Đối tượng:
– Cây gỗ trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
– Cây gỗ khi thực hiện các biện pháp lâm sinh.
– Cây gỗ phục vụ công tác đào tạo và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Điều kiện: phải có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; dự án lâm sinh; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, khai thác tận thu gỗ rừng tự nhiên
Đối tượng: cây gỗ, cành, gốc bị khô mục, đổ gãy, bị cháy, chết do thiên tai nằm trong rừng;
Điều kiện: chủ rừng phải lập phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ tư, khai thác thực vật rừng thông thường ngoài gỗ, dẫn xuất từ thực vật rừng thông thường
Đối tượng: loài thực vật rừng thông thường ngoài gỗ, dẫn xuất từ thực vật rừng thông thường.
Điều kiện: phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, sản lượng loài khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của loài đó.
Phương thức khai thác: do chủ rừng tự quyết định.
Thứ năm, khai thác động vật rừng thông thường
Đối tượng: các loài động vật rừng thông thường.
Điều kiện: chủ rừng phải có phương án khai thác động vật rừng thông thường.
Thứ sáu, khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm:
Phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Đối với việc hưởng lợi từ khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên thì chủ rừng được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khai thác, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước.
Như vậy, ta có thể thấy việc khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên không phải là việc dễ dàng. Chủ rừng khi khai thác cần đảm bảo nguyên tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện, khai thác đúng đối tượng theo quy định đã nêu trên. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về khai thác lâm sản đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.