Hoạt động điện lực là một ngành dịch vụ có điều kiện, bởi không phải đối tượng nào cũng được tự ý thực hiện hoạt động kinh doanh này. Pháp luật hiện hành quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực với các nội dung gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực:
- 2 2. Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực:
- 3 3. Trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực:
- 3.1 3.1. Quy định chung về thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực:
- 3.2 3.2. Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực trực tuyến (Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương):
- 3.3 3.3. Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực không qua trực tuyến được thực hiện như sau:
1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực:
Hiện nay, các hoạt động của điện lực đang giữ một vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người, bởi nó góp phần đẩy mạnh quá trình sản xuất kinh doanh của con người, cũng như phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Theo ghi nhận tại khoản 1 Điều 3 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2022 Luật Điện lực thì hoạt động điện lực được hiểu là hoạt động của tổ chức, cá nhân thực hiện trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
Tổ chức, cá nhân muốn được hoạt động một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực thì phải đảm báo những yếu tố, điều kiện nhất định được ghi nhận trong Điều 32 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2022 Luật Điện lực, cụ thể:
– Cá nhân, tổ chức chứng minh được khả năng của mình có thể thực hiện tốt hoạt động điện lực trên thực tế ví dụ đề ra các dự án hoặc phương án hoạt động điện lực khả thi;
– Chuẩn bị hồ sơ hợp lệ thể hiện rõ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực;
– Để được cấp phép hoạt động ngành nghề này thì yếu tố nhân lực cũng đặt lên hàng đầu. Theo đó, người quản trị, người điều hành phải đáp ứng điều kiện về năng lực quản lý, là cá nhân được đào tạo chính quy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực hoạt động điện lực;
– Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước về khoản lệ phí khi có đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
Theo pháp luật hiện hành, vẫn tồn tại các trường hợp sau đây được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, cụ thể:
– Xuất phát từ việc sản xuất đầu tư xây dựng cơ sở phát điện nhưng vì mục đích là tự cung tự cấp không có nhu cầu kinh doanh thì không phải thực hiện xin giấy phép hoạt động;
– Công suất phát điện nếu được tổ chức, cá nhân lắp đặt dưới mức công suất theo quy định của Bộ Công nghiệp thì cũng không bắt buộc thực hiện thủ tục này;
– Tổ chức, cá nhân thực hiện việc kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện mà công suất điện ở đây được đánh giá là thấp, với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo;
– Ngoài ra, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực cũng nằm trong trường hợp miễn giấy phép hoạt động điện lực;
Đáng lưu ý:
– Tổ chức, cá nhân được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực được trình bày phía trên cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn của Luật này.
– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phải thực quản lý, kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực theo quy định của Luật Điện lực.
2. Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực:
Theo Điều 33 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2022 Luật Điện lực, cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ sau đây để đề nghị cấp phép hoạt động điện lực:
– Cá nhân, tổ chức chuẩn bị 01 đơn đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực. Đơn đề nghị này cần được trình bày đầy đủ, ngắn gọn, chính xác thông tin liên quan, nội dung liên quan đến yêu cầu của mình cũng nên trình bày và cam kết thực hiện,..
– Nếu ra được dự án hoặc phương án hoạt động điện lực để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá tính khả thi khi thực hiện trên thực tế;
– Hoạt động điện lực cũng cần phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường nên cần có thêm bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hoạt động điện lực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Cuối cùng, trong bất kỳ bộ hồ sơ xin phép hoạt động điện lực cũng phải có danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành đơn vị điện lực.
3. Trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực:
3.1. Quy định chung về thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực:
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 21/2020/TT-BCT được sửa đổi bởi Thông tư 10/2023/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực sẽ có một số thông tin cần được lưu ý dưới đây:
– Thời gian để nộp hồ sơ xin giấy phép:
+ Tổ chức tham gia hoạt động phát điện phải nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại;
+ Số hồ sơ để tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực gửi cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực là 01 bộ hồ sơ. Cá nhân, tổ chức một khi đã chọn thực hiện hồ sơ này có trách nhiệm trong việc xác định thông tin khai báo, tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và bộ hồ sơ này cũng phải đảm bảo các yếu tố được hướng dẫn tại Chương II Thông tư này;
– Hình thức nộp hồ sơ được quy định như sau:
Tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì cá nhân, tổ chức sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan có thể thực hiện đề nghị của mình. Có hai hình thức nộp hồ sơ dưới đây:
+ Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực thì tiến hành thực hiện trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.
Đối với trường hợp hồ sơ điện tử mà cá nhân, tổ chức nộp chứa dung lượng lớn hoặc các tài liệu theo quy định của pháp luật không thể nào thực hiện qua mạng thông tin điện tử thì có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính;
+ Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: thì tiến hành nộp trực tiếp, qua đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực (nếu có).
3.2. Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực trực tuyến (Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương):
Bước 1: Đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thực hiện đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Sau khi đã tạo được tài khoản thì sử dụng tài khoản đã đăng ký để khai báo và gửi hồ sơ trực tuyến;
Bước 2: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận đơn yêu cầu cấp phép hoạt động thì xem xét hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì gửi
Tổ chức, cá nhân khi nhận yêu cầu sửa đổi số liệu, tài liệu nếu có thiếu sót, đặc biệt những thông tin liên quan của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thì nhanh chóng bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu, các thông tin liên quan trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Thời gian để thực hiện công đoạn này trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổ;
Nếu hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
Bước 3: Cấp giấy phép hoạt động điện lực
– Giai đoạn này được thực hiện trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Trong thời hạn này cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực thực hiện thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực;
– Đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 10 Thông tư này, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Lưu ý: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền theo hình thức trực tuyến (nếu có) phù hợp với quy định tại Thông tư này.
3.3. Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực không qua trực tuyến được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền:
Bước 2: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ
Kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép thực hiện xem xét, thẩm định hồ sơ. Thời gian thực hiện công việc này là trong vòng 03 ngày làm việc.
Trong quá trình xem xét nếu thấy hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép để bổ sung, sửa đổi. Trong văn bản thông báo, phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan để hoàn thiện hồ sơ;
Bước 3: Bổ sung, sửa đổi hồ sơ chưa hợp lệ
Cá nhân, tổ chức khi nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực thì Trong thời hạn 60 ngày làm việc thì phải bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu, các thông tin liên quan và trả lời bằng văn bản.
Nếu để hết thời hạn trên, tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
Bước 4: Thẩm định hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực, trừ trường hợp quy định tại điểm d Khoản này;
Trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2022 Luật Điện lực;
– Thông tư 10/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 21/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.