Hiện nay, không khó để thấy nhiều những công trình xây dựng được thi công cả vào ban đêm. Trong một số trường hợp việc thi công công trình ban đêm gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của cư dân xung quanh. Vậy pháp luật hiện hành quy định về các điều kiện thi công, xây dựng ban đêm như thế nào?
Mục lục bài viết
1.Quy định điều kiện thi công, xây dựng ban đêm là gì?
Điều 111 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Xây dựng quy định về những yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình, Điều này quy định thi công xây dựng công trình phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng những vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và các điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và những công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây ra mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc mà có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ.
- Sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của thiết kế xây dựng, bảo đảm được tiết kiệm trong quá trình thi công xây dựng.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng khi có cần thiết, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.
- Nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có đủ những điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng.
Đồng thời, tại Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng, Điều này quy định khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo đúng pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng đã quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Ngoài ra, khi thực hiện xây dựng thì phải đảm bảo về vấn đề bảo vệ môi trường đã được quy định tại khoản 5 Điều 64 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2022 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
- Có những biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
- Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm vấn đề không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
- Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường;
- Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo đúng quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
- Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc là các khu vực đất phù hợp;
- Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu sẽ phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
- Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo đúng quy định về quản lý chất thải.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên có thể thấy, pháp luật không quy định cụ thể điều kiện thi công, xây dựng vào ban đêm mà việc thi công công trình xây dựng trong mọi trường hợp phải đảm bảo được các quy định về yêu cầu khi xây dựng, quy tắc xây dựng, bảo vệ môi trường khi xây dựng như đã nêu ở trên.
2. Quy định về tiếng ồn và độ rung khi thi công, xây dựng ban đêm:
Quy định về tiếng ồn khi thi công, xây dựng ban đêm: Căn cứ Điều 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT được ban hành kèm theo Thông tư
- Khu vực đặc biệt:
+ Từ 6 giờ đến 21 giờ: 55 dBA
+ Từ 21 giờ đến 6 giờ: 45 dBA
- Khu vực thông thường:
+ Từ 6 giờ đến 21 giờ: 70 dBA
+ Từ 21 giờ đến 6 giờ: 55 dBA.
Như vậy, khi thi công, xây dựng ban đêm thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ) phải đảm bảo như sau:
- Xây dựng ở những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và tại các khu vực có quy định đặc biệt khác: không được vượt quá 45 dBA.
- Xây dựng ở những khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc là liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính: không được vượt quá 55 dBA.
Quy định về độ rung khi thi công, xây dựng ban đêm: Căn cứ Điều 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung QCVN 27:2010/BTNMT được ban hành kèm theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT thì giá trị tối đa cho phép về mức gia tốc rung đối với hoạt động xây dựng được quy định như sau:
- Khu vực đặc biệt:
+ Từ 6 giờ – 18 giờ: 75 dB
+ Từ 18 giờ – 6 giờ: Mức nền (dB)
- Khu vực thông thường:
+ Từ 6 giờ – 21 giờ: 75 dB
+ Từ 21 giờ – 6 giờ: Mức nền (dB).
Như vậy, khi thi công, xây dựng ban đêm thì giới hạn tối đa cho phép về độ rung phải đảm bảo như sau:
- Xây dựng ở những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và ở tại các khu vực có quy định đặc biệt khác: xây dựng trong khung giờ từ 18 giờ – 6 giờ không được vượt quá mức nền.
- Xây dựng ở những khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc là liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính: xây dựng trong khung giờ từ 21 giờ – 6 giờ không được vượt quá mức nền.
3. Phạt hành chính vượt quá tiếng ồn khi thi công, xây dựng ban đêm:
Như đã nói ở mục trên, khi thi công, xây dựng ban đêm phải đảm bảo tiếng ồn không được vượt quá giới hạn tối đa cho phép là 45 dBA (trong khu vực đặc biệt) và 55 dBA (trong khu vực thông thường). Nếu như thi công, xây dựng ban đêm có vượt quá giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn thì chủ đầu tư sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì chủ đầu tư sẽ bị xử phạt như sau nếu như thi công, xây dựng ban đêm có vượt quá giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.
- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.
- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.
- Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi thi công, xây dựng ban đêm gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.
THAM KHẢO THÊM: