Việc cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc? Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc? Cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc?
Bên cạnh việc thi hành các nghĩa vụ như nghĩa vụ trả tiền, thì trong thi hành án dân sự không thể không kể đến quy định về việc buộc thực hiện một công việc nhất định. Trong các quy định về buộc thực hiện công việc nhất định thì pháp luật có những quy định riêng biệt về việc buộc nhận người lao động trở lại làm việc. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc.
* Cơ sở pháp lý:
–
–
– Nghị định số 82/2020/NĐ- CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
1. Việc cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc
Việc buộc nhận người lao động trở lại làm việc là một biện pháp cưỡng chế nên hoạt động này tuân theo những quy định chung về căn cứ cưỡng chế, điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế, nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Về điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc khi:
Thứ nhất, người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định được đưa ra thi hành của Tòa án.
Thứ hai, là người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án và người có thẩm quyền thi hành án xác minh, khẳng định người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án. Tức người sử dụng lao động có đủ điều kiện nhận người lao động trở lại làm việc nhưng không thực hiện.
Thứ ba, đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhận người lao động trở lại làm việc mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, nhận người lao động trở lại làm việc hoặc chưa hết thời hạn tự nguyện nhận người lao động trở lại làm việc nhưng để ngăn chặn người sử dụng lao động trốn tránh nghĩa vụ nhận người lao động trở lại làm việc.
Về nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc
Cưỡng chế thi hành án dân sự nói chung và cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc nói riêng là biện pháp nghiêm khắc nhất, việc áp dung dụng biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự là sử dụng quyền lực Nhà nước buộc người phải thi hành án thực hiện bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nên việc tổ chức thi hành án phải được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định.
Thứ nhất, chỉ người có thẩm quyền thi hành án mới có quyền áp dụng cưỡng chế thi hành án dân sự và cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc.
Thứ hai, chỉ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc khi đã hết thời gian tự nguyện thi hành, không kể đến những trường hợp áp dụng cưỡng chế thay.
Thứ ba, trước khi tiến hành cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc, cưỡng chế thi hành án dân sự phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Thứ tư, không được tiến hành cưỡng chế trong thời gian pháp luật quy định.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc
Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng ché buộc nhận người lao động trở lại làm việc được thực hiện như trình tự thủ tục cưỡng chế chung. Theo đó được tiến hành qua các bước: ra quyết định cưỡng chế, lập kế hoạch cưỡng chế, tiến hành cưỡng chế.
Về ra quyết định cưỡng chế, thì theo quy định tại Điều 46 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: “1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.”. Như vậy, sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người sử dụng lao động không tự nguyện nhận người lao động trở lại làm việc thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc.
Về lập kế hoạch cưỡng chế, thì theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 thì Chấp hành viên sẽ lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong trường hợp cần huy động lực lượng cưỡng chế. Kế hoạch cưỡng chế gồm có các nội dung:
“2. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án có các nội dung chính sau đây:
a) Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế;
b) Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;
c) Thời gian, địa điểm cưỡng chế;
d) Phương án tiến hành cưỡng chế;
đ) Yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế;
e) Dự trù chi phí cưỡng chế.”
Về tiến hành cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc thì được thực hiện tại nơi người phải thi hành án tức nơi mà người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc
3. Cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc
Hoạt động cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc được quy định chi tiết tại Điều 121 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014. Cụ thể, thì nếu trong bản án, quyết định tuyên người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc mà người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc nhận lại bản án, quyết định đã tuyên đó thì Chấp hành viên có quyền ra quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động. Bên cạnh việc ra quyết định phạt tiền thì Chấp hành viên còn phải ấn định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong thời hạn 10 ngày, người sử dụng lao động thực hiện việc nhận người lao động trở lại làm việc, thời hạn này tính kể từ ngày Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền. Nếu đã hết thời hạn ấn định mà người sử dụng lao động không thực hiện nhận người lao động vào làm việc thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Tại Nghị định số 82/2020/NĐ- CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định như sau:
“3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định;
b) Không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;
c) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
d) Cung cấp chứng cứ sai sự thật cho cơ quan thi hành án dân sự.”
Chấp hành viên căn cứ theo quy định này có thể quyết định xử phạt hành chính về việc người sử dụng lao động không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định đó chính là nhận người lao động trở lại làm việc. Hoặc theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
“Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Chấp hành viên có thể đề nghị cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội không chấp hành án.
Người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác với mức tiền lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động nếu trong trường hợp người sử dụng lao động không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định phải thi hành đó. Hoặc người sử dụng lao động phải thực hiện việc thanh toán để chấm dứt nghĩa vụ thi hành án nếu người lao động không chấp nhận công việc được bố trí và yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán các chế độ theo quy định của pháp luật lao động thì
Trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định thì người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương. Thời gian tính trả tiền lương bắt đầu kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi người lao động được nhận trở lại làm việc hoặc được giải quyết bố trí công việc khác với mức tiền lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động.