Hoạt động thi công xây dựng công trình tiềm ẩn những nguy hiểm không lường trước được. Vì vậy việc thực hiện tốt công tác quản lý an toàn là điều cần thiết phải được đặt lên hàng đầu. Sự quản lý đó được thực hiện và bảo hộ thông qua các quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình:
Khái niệm “An toàn trong thi công xây dựng công trình” hay “Quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình” đã được đưa ra trong Nghị định 06/2021/NĐ-CP và có nội dung tương tự như khái niệm được đưa ra trong Thông tư 04/2017/TT-BXD, tuy nhiên, trong thuật ngữ lại có sự khác biệt khi không xác định an toàn ở đây là “an toàn lao động”, trong khi thực chất nội dung nhắc đến là “an toàn lao động”. Từ sự nhìn nhận này, tác giả cung cấp khái niệm an toàn lao động và quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình như sau:
An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của Thông tư 04/2017/TT-BXD và pháp luật khác có liên quan nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm: nhà thầu thi công xây dựng; chủ đầu tư; bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình; người lao động trên công trường xây dựng.
Quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là một trong các nội dung trong quản lý thi công xây dựng công trình.
2. Trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình:
Quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của rất nhiều các chủ thể liên quan, mỗi chủ thể sẽ có những nhiệm vụ, quyền hạn riêng, phù hợp với chức năng, sao cho việc quản lý đạt được hiệu quả tốt nhất. Ở mục 2 này, tác giả sẽ tập trung vào 4 chủ thể chính, được lần lượt quy định tại các Điều 4,5,6,7 Thông tư 04/2017/TT-BXD như sau:
Một là, trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình
Trước hết, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường.
Phải tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 36
Nhà thầu chính hoặc tổng thầu phải có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện trách nhiệm quản lý an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.
Tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình. Do tính chất đặc biệt mà không thể tổ chức như những công việc khác.
Phải dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công.
Tiến hành khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Thực hiện định kỳ hoặc đột xuất báo cáo chủ đầu tư về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của
Bên cạnh đó phải thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Trách nhiệm của nhà thầu trong quản lý an toàn lao động xuất phát từ việc là chủ thể ký hợp động với nhà đầu tư trong việc nhận xây dựng công trình, là chủ thể quản lý hoạt động xây dựng, thi công trực tiếp đối với người lao động và là người sử dụng lao động.
Hai là, trách nhiệm của chủ đầu tư
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu.
Thực hiện phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Xây dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Tiến hành tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Phải đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo an toàn lao động trước khi cho phép tiếp tục thi công.
Thực hiện chỉ đạo, phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; khai báo sự cố gây mất an toàn lao động; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, điều tra sự cố về máy, thiết bị, vật tư ; tổ chức lập hồ sơ xử lý sự cố về máy, thiết bị, vật tư.
Nếu trường hợp chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, thì chủ đầu tư được quyền giao cho nhà thầu này thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định tại Điều này thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng tư vấn xây dựng, xử lý các vấn đề liên quan giữa nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình với các nhà thầu khác và với chính quyền địa phương trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Trách nhiệm quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư xuất phát từ tư cách là chủ thể ký hợp đồng với nhà thầy, chịu trách nhiệm về tài chính để thuê nhà thầu thực hiện công trình xây dựng cho mình.
Ba là, trách nhiệm của bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình
Bộ phận quản lý an toàn lao động phải có những người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng, là những người phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; họ có trách nhiệm:
Tiến hành triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận.
Trực tiếp hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.
Trong quá trình quản lý, khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường.
Luôn chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; tham gia ứng cứu khẩn cấp khi có yêu cầu của chủ đầu tư, người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu như nhà thầu có trách nhiệm quản lý chung thì vai trò của bộ phận quản lý an toàn được đề cao với tư cách là những người có chuyên môn, trực tiếp nắm bắt, tìm hiểu các giải pháp phù hợp nhằm quản lý hiệu quả và là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người lao động.
Bốn là, trách nhiệm của người lao động trên công trường xây dựng
Người lao động là người trực tiếp thực hiện các hoạt động thi công xây dựng, là người có sự tác động tiêu cực trực tiếp nếu như biện pháp quản lý an toàn không hiệu quả, do đó, trách nhiệm của chủ thể này là:
Thực hiện các quy định tại Điều 17 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp nhưng không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.
Chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động.
3. Nội dung quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình:
Nội dung quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình khá đa dạng, bao gồm:
– Lập và thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn;
– Huấn luyện an toàn lao động; thông tin, tuyên truyền về an toàn lao động;
– Trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
– Công tác phòng, chống cháy, nổ;
– Phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động;
– Ứng phó sự cố gây mất an toàn lao động, xử lý tình trạng khẩn cấp;
– Kiểm tra công tác an toàn lao động của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
– Và đặc biệt là quản lý đối với máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, sử dụng trong thi công xây dựng.
Những nội dung trên đây được khái quát dựa trên các quy định của pháp luật cùng với sự tìm hiểu thực trạng của cá nhân tác giả.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
– Thông tư 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.