Quy định về đóng cảng hàng không, sân bay. Việc đóng các hàng không được thực hiện theo trình tự nào? Thẩm quyền đóng cảng hàng không?
Quy định về đóng cảng hàng không, sân bay. Việc đóng các hàng không được thực hiện theo trình tự nào? Thẩm quyền đóng cảng hàng không?
Cảng hàng không, sân bay là khu vực thực hiện các hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng hàng không. Việc đóng, mở cảng hàng không sân bay có ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng chuyên dụng của khu vực này. Do vậy mà pháp luật có quy định cụ thể chi tiết về việc đóng, mở cảng hàng không sân bay. Việc mở cảng hàng không sân bay được thực hiện theo các trình tự thủ tục luật định và được sự phê duyệt của Thủ Tướng chính phủ. Việc đóng cảng hàng không cũng được pháp luật quy định cụ thể như sau:
1. Quy định pháp luật về đóng cảng hàng không, sân bay
– Việc đóng cảng hàng không, sân bay bao gồm các loại hình sau:
+ Chấm dứt hoạt động của cảng hàng không, sân bay.
+ Chấm dứt hoạt động phục vụ cho vận chuyển hàng không quốc tế đối với cảng hàng không quốc tế.
– Trình tự thực hiện đóng cảng hàng không, sân bay:
Bước 1: Bộ Giao thông vận tải gửi hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng cảng hàng không, sân bay trong các trường hợp sau:
+ Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh;
+ Vì lý do đặc biệt ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội.
– Hồ sơ đề nghị đóng cảng hàng không, sân bay bao gồm các tài liệu sau:
+ Văn bản đề nghị đóng cảng hàng không, sân bay, bao gồm các thông tin: Tên cảng hàng không, sân bay; vị trí, quy mô, loại hình cảng hàng không, sân bay; cấp sân bay; lý do, thời điểm đóng cảng hàng không, sân bay.
+ Phương án tổng thể khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan đến việc đóng cảng hàng không, sân bay.
+ Các tài liệu liên quan đến đề nghị đóng cảng hàng không, sân bay.
Bước 2: Bộ Giao thông vận tải tổ chức công bố việc đóng cảng hàng không, sân bay; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan.
2. Quy định pháp luật về đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay
– Hình thức: Đóng tạm thời toàn bộ hoặc một phần kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.
– Các trường hợp đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay:
+ Việc cải tạo, mở rộng, sửa chữa cần ngừng hoạt động của cảng hàng không, sân bay;
+ Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay bị thu hồi, đình chỉ;
+ Thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự cố, tai nạn hàng không và các tình huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn hàng không, an ninh hàng không.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Cơ quan có thẩm quyền:
+ Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay .
+ Trong trường hợp vì sự cố đột xuất hoặc do điều kiện thời tiết không thuận lợi thì theo đề nghị của người khai thác cảng hàng không, sân bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay trong thời gian không quá 24 giờ để bảo đảm an toàn, an ninh hàng không nhưng phải báo cáo ngay Cục Hàng không Việt Nam.
Các cơ quan trên có trách nhiệm công bố đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay trên hệ thống thông tin hàng không theo quy định, thông báo cho chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan; chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan.
Sau khi ra quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cho phép cảng hàng không, sân bay hoạt động trở lại sau khi các lý do đóng tạm thời bị loại bỏ.