Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch. Tiêu chuẩn, độ tuổi và hướng dẫn chi tiết công tác quy hoạch cán bộ, cán bộ lãnh đạo.
Có thể nói khi nhìn lại quá trình phát triển của đất nước trong suốt thời gian qua có thể thấy nước ta đang có bước chuyển mình mạnh mẽ cả về kinh tế – xã hôi, quốc phòng – an ninh, đời sống của người dân đang ngày càng được nâng cao. Một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến sự phát triển này bên cạnh nguồn tài lực của đất nước chính là nhân tố con người.
Thực tế cho thấy với đội ngũ cán bộ giỏi về năng lực quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gắn bó mật thiết với nhân dân đã và đang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Chính vì vậy, công tác quy hoạch cán bộ được coi là khâu then chốt, có vai trò chiến lược.
Để đảm bảo cho việc quy hoạch cán bộ được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng từng bước từ dưới lên trên. Vậy, cá nhân phải đáp ứng được những điều kiện, tiêu chuẩn nào để được quy hoạch cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tiêu chuẩn của cán bộ được đưa vào quy hoạch
Theo quy định tại Mục III.1 Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 và Mục I.3 Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, cán bộ được đưa vào quy hoạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
Thứ nhất, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống:
Người được đưa vào quy hoạch cán bộ phải là người có phẩm chất chính trị vững vàng, chấp hành đúng đường lối, chủ trương, của Đảng, pháp luật của nhà nước. Có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, công bằng, vô tư khách quan, có tinh thần trách nhiệm, gần gũi với nhân dân.
Thứ hai, phải có năng lực thực tiễn thể hiện qua kết quả, hiệu quả trong công tác, có tinh thần sáng tạo, chủ động luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và có khả năng, năng lực trong việc tổ chức, điều hành, kết nối tổ chức.
Thứ ba, có trình độ đào tạo và trình độ lý luận chính trị đảm bảo và phù hợp. Có kinh nghiệm trong thực tiễn về lãnh đạo, quản lý cấp dưới hoặc có nhiều triển vọng để phát triển.
Thứ tư, có độ tuổi phù hợp, đảm bảo tham gia công tác đủ nhiệm kỳ theo yêu cầu của chức vụ quy hoạch
Thứ năm, ngoài những tiêu chí này, người được quy hoạch cán bộ phải có uy tín, có sự tín nhiệm và đảm bảo đủ sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, có triển vọng phát triển, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ khi bố trí vào những chức vụ cao hơn.
2. Quy định về độ tuổi để đưa vào quy hoạch cán bộ
Theo quy định tại Mục III.1 Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 và Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, độ tuổi để được quy hoạch cán bộ phải đảm bảo yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, đối với những đồng chí lần đầu tham gia phải đủ tuổi để có thể công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên hoặc ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ; những đồng chí tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hiện giữ nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ hoặc ít nhất được 2/3 nhiệm kỳ; những trường hợp này cần xem xét con người và hoàn cảnh cụ thể để quyết định; không máy móc, cứng nhắc về độ tuổi.
Thứ hai, riêng đối với những trường hợp cán bộ đưa vào quy hoạch trong các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương thì chỉ đưa vào quy hoạch chức vụ cao hơn đối với những đồng chí còn đủ tuổi bổ nhiệm trong nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo. Các đồng chí được bổ sung vào quy hoạch của nhiệm kỳ hiện tại cũng cần đủ tuổi công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ bổ nhiệm (5 năm).
Lưu ý:
– Độ tuổi để xác định đưa vào quy hoạch đối với cấp ủy sẽ được tính tại thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ. Riêng với các chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan Nhà nước chính là thời điểm bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
– Những cán bộ đã có trong quy hoạch sẽ phải loại bỏ nếu độ tuổi của họ không đảm bảo để bổ nhiệm hoặc ứng cử lần đầu theo quy định.
3. Quy trình thực hiện quy hoạch cán bộ
Theo Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, trình tự thực hiện quy hoạch cán bộ được thực hiện như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị xây dựng quy hoạch
Trước khi thực hiện quy trình quy hoạch, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thực hiện các công việc cụ thể sau:
– Chỉ đạo cấp dưới thực hiện xây dựng quy hoạch để làm cơ sở để phát hiện nguồn cho quy hoạch và thực hiện rà soát đội ngũ cán bộ, đánh giá cán bộ
– Xác định phương hướng xây dựng quy hoạch và cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch.
Thứ hai, các bước tiến hành quy hoạch cán bộ theo quy định
Bước 1: Phát hiện và giới thiệu nguồn cho quy hoạch cán bộ
– Việc phát hiện và giới thiệu nguồn cho quy hoạch cán bộ được thực hiện thông qua hội nghị cán bộ bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch.
– Trong trường hợp số lượng, cơ cấu dự kiến đưa vào quy hoạch còn thiếu sẽ tiến hành lựa chọn, giới thiệu thêm các đồng chí có số phiếu giới thiệu của hội nghị cán bộ từ cao xuống thấp hoặc phát hiện, giới thiệu bổ sung nguồn .
Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến ban chấp hành đảng bộ
Hội nghị ban chấp hành đảng bộ tiến hành thảo luận để đưa cán bộ vào quy hoạch trên cơ sở các tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Bước 3: Tổ chức hội nghị tiến hành thảo luận, xem xét quyết định quy hoạch:
Trên cơ sở kết quả giới thiệu quy hoạch và các phương án quy hoạch đã có, tiến hành thảo luận, ghi phiếu quyết định nguồn quy hoạch.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Tại xã em có một anh khi đại hội Đảng bộ xã đã trượt vào thường vụ vậy mà bây giờ huyện lại để nguồn giữ chức bí thư xã. Vậy có đúng không? Em muốn được câu trả lời hoặc những hướng dẫn từ các văn bản?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Mục III.1 Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 quy định về tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch như sau:
“1. Tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch
Căn cứ để đưa cán bộ vào quy hoạch là tiêu chuẩn chung và các tiêu chuẩn của từng loại cán bộ đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực của cán bộ phải được cụ thể hoá để đáp ứng yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thích hợp với mỗi bước phát triển của thực tiễn cách mạng.
Trong điều kiện hiện nay, tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đưa vào quy hoạch phải được đánh giá thông qua các yếu tố cơ bản sau:
– Năng lực thực tiễn, thể hiện ở kết quả và hiệu quả công việc, tinh thần chủ động, sáng tạo, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ; năng lực tổ chức, điều hành để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.
– Đạo đức, lối sống trong sạch, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống chủ nghĩa cá nhân; bản thân cán bộ và gia đình phải gương mẫu chấp hành đúng pháp luật, không lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng.
– Ham học hỏi, cầu tiến bộ, qua thực tế cho thấy là cán bộ có triển vọng vươn lên đảm nhận nhiệm vụ cao hơn; chú ý phát hiện, xem xét đưa vào quy hoạch những nhân tố mới, cán bộ trẻ; được đào tạo cơ bản; đã kinh qua công tác thực tế ở địa phương, cơ sở; năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có nhiều triển vọng phát triển.
Các địa phương, các ngành, các cấp có trách nhiệm căn cứ các tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trên và nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho các chức danh cán bộ cấp mình quản lý, sử dụng; đồng thời, dựa trên các tiêu chuẩn đó mà tiến hành đánh giá cán bộ hiện nay và triển vọng cán bộ đó để đưa vào quy hoạch.
Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, cán bộ đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý còn cần được đào tạo, bồi dưỡng và phải là những cán bộ có triển vọng để khi được bố trí vào chức vụ quy hoạch phải bảo đảm các yêu cầu cụ thể sau đây:
– Kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới:cán bộ lãnh đạo cấp trên nói chung phải kinh qua chức vụ chủ chốt cấp dưới; hoặc tuy chưa kinh qua chức vụ chủ chốt cấp dưới nhưng có năng lực thực tiễn và có triển vọng phát triển rõ rệt.
– Về độ tuổi: những đồng chí lần đầu tham gia cấp uỷ, ban lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung phải đủ tuổi để có thể công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên hoặc ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ; những đồng chí tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hiện giữ nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ hoặc ít nhất được 2/3 nhiệm kỳ; những trường hợp này cần xem xét con người và hoàn cảnh cụ thể để quyết định; không máy móc, cứng nhắc về độ tuổi.
– Về trình độ đào tạo: cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên nói chung phải tốt nghiệp đại học và có trình độ cao cấp lý luận chính trị; đối với cán bộ dưới 45 tuổi thuộc diện quy hoạch chức danh chủ chốt thì phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung; đồng thời quan tâm đến các đồng chí tuy không được đào tạo cơ bản theo quy định, nhưng có năng lực nổi trội trong chỉ đạo thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; những đồng chí là cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ cần xem xét vận dụng một cách thích hợp”.
Bên cạnh đó, căn cứ Mục I Hướng dẫn 15-HD/BTCTW cụ thể hóa về tiêu chuẩn của cán bộ vào nguồn quy hoạch như sau:
“3.1. Nội dung đánh giá: Căn cứ để lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch là tiêu chuẩn chức danh cán bộ, bao gồm tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ, theo các nội dung cơ bản sau:
– Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; tinh thần tự học tập nâng cao trình độ; tính trung thực, công bằng, khách quan, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác; việc chấp hành chính sách, pháp luật của vợ, chồng, con; mối quan hệ với nhân dân…
– Năng lực thực tiễn: thể hiện ở kết quả, hiệu quả công tác; tính chủ động, sáng tạo; mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ; năng lực điều hành, tổ chức thực hiện; khả năng dự báo tình hình, xử lý những tình huống phức tạp phát sinh trong ngành, lĩnh vực, địa phương công tác.
– Uy tín: thể hiện thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm và kết quả đánh giá cán bộ.
– Sức khoẻ: bảo đảm sức khoẻ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh quy hoạch.
– Chiều hướng, triển vọng phát triển, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn”.
Như vậy, nếu đồng chí này đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định trên thì việc huyện vẫn để nguồn giữ chức bí thư xã là hoàn toàn có cơ sở.