Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội của công an nhân dân. Các chế độ bảo hiểm xã hội của Công an nhân dân. Mức đóng bảo hiểm xã hội của Công an nhân dân. Căn cứ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy trình, thủ tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội của công an nhân dân.
Bảo hiểm xã hội là một trong những chế độ, quyền lợi của người lao động khi đi làm tại các đơn vị, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước. Một trong những đối tượng phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là công an nhân dân. Dưới đây là những quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội của công an nhân dân. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội của công an nhân dân:
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của công an nhân dân được quy định Điều 2
– Công nhân công an
– Hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn
– Học viên quân đội, công an theo học được hưởng sinh hoạt phí
– Công nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động và là người thân của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và sinh viên của các trường trong Quân đội Nhân dân.
2. Các chế độ bảo hiểm xã hội của Công an nhân dân:
Các chế độ khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của công an nhân dân bao gồm những chế độ sau:
– Chế độ thai sản
– Chế độ ốm đau
– Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
– Chế độ hưu trí
– Chế độ tử tuất
Bên cạnh đó, tại Điều 3
– Những người lao động thuộc diện được hưởng lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: được thực hiện cả 05 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc
– Người lao động quy định thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất
– Người lao động hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất.
3. Mức đóng bảo hiểm xã hội của Công an nhân dân:
Căn cứ tại Điều 14 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội của công an nhân dân, cụ thể là:
* Đối với người lao động hưởng tiền lương:
– Người lao động đóng mức đóng:
Hàng tháng đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất
– Người sử dụng lao động đóng mức đóng như sau:
+ Quỹ ốm đau và thai sản: đóng 3%
+ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đóng 1%
+ Quỹ hưu trí và tử tuất: đóng 14%
-> Tổng mức đóng là 18%
Lưu ý:
– Đối với người lao động hưởng tiền lương nếu không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó
– Thời gian trên không được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
* Đối với người lao động hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí:
– Người sử dụng lao động đóng:
+ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đóng 1%
+ Quỹ hưu trí và tử tuất: đóng 22%
-> Tổng mức đóng 23%
* Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì mức đóng quy định như sau:
+ Đóng 22% mức tiền lương tháng của người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước khi ra nước ngoài đối với người đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
+ Đóng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần
+ Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động có phu nhân, phu quân sẽ chịu trách nhiệm hàng tháng thu tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như quy định trên. Sau đó tiến hành chuyển vào quỹ hưu trí và tử tuất của bảo hiểm xã hội Bộ quốc phòng, bảo hiểm xã hội Bộ công an. Tiếp đó, khi nhận được đầy đủ số tiền đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an hàng tháng có trách nhiệm chuyển toàn bộ số thu nêu trên vào quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất quản lý
4. Căn cứ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
– Đối với người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội:
+ Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức lương cơ sở do Chính phủ quy định ở từng giai đoạn; trong đó khoản tiền lương bao gồm tiền lương theo cấp bậc quân hàm, ngạch, bậc, và các Khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
+ Nếu trường hợp người lao động thuộc diện hưởng lương được cấp có thẩm quyền cử biệt phái sang làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoài Quân đội, công an, cơ yếu hoặc được cử sang làm việc tại các doanh nghiệp, liên doanh của Quân đội, công an, cơ yếu mà vẫn do cơ quan đơn vị cũ quản lý thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội vẫn áp dụng như trên
+ Nếu trường hợp người lao động thuộc diện hưởng lương đang giữ chức vụ lãnh đạo ở một cơ quan, đơn vị trong Quân đội, công an, cơ yếu; đồng thời, được bầu cử, bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị khác (cả trong và ngoài Quân đội, công an, cơ yếu) thì được hưởng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cũng đóng như 2 trường hợp trên
– Đối với người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tính trên mức lương cơ sở do Chính phủ quy định ở từng giai đoạn
5. Quy trình, thủ tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội của công an nhân dân:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
– Hồ sơ đăng ký tham gia lần đầu bao gồm giấy tờ sau:
+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động
+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động lập
– Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất hoặc Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội, bao gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng
+ Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
+ Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động
Bước 2: Nộp hồ sơ và giải quyết:
* Quy trình đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu:
– Người sử dụng lao động lập hồ sơ như trên đối với trường hợp học viên công an, học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí hoặc trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ công an nhân dân mà quân nhân, công an nhân dân, cơ yếu có nguyện vọng được cấp sổ bảo hiểm xã hội và nộp cho Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an
– Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ như trên, bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động
– Thời hạn giải quyết trong vòng 20 ngày
* Quy trình cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất hoặc Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội:
– Người lao động nộp hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm như quy định tại bước 1 cho người sử dụng lao động
– Sau đó người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra. Sau đó nộp hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động cho Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an
– Với trường hợp cấp lại bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an hoàn thành việc cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định do người sử dụng lao động gửi đến đối với trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
– Trong trường hợp điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an hoàn thành việc cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định do người sử dụng lao động gửi đến
Lưu ý: Nếu như không cấp sổ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu hoặc không giải quyết cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp hỏng hoặc mất hoặc điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội thì bên Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do tại sao.