Quy định của luật thừa kế tài sản không có di chúc mới nhất. Không có di chúc để lại thì chia thừa kế theo pháp luật như thế nào?
Khi một người mất đi mà không để lại di chúc thì việc phân chia tài sản của họ sẽ được giải quyết ra sao, các vấn đề liên quan xung quanh sẽ giải quyết như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, Luật Dương Gia xin đưa ra các căn cứ cũng như quy định về vấn đề này để bạn đọc có thêm thông tin, kiến thức pháp luật về vấn đề này.
Di chúc hiểu theo cách hiểu thông thường là giấy tờ ghi nhận việc để lại tài sản của người đã mất cho người còn sống. Dưới góc độ pháp luật thì di chúc một giấy tờ hợp pháp thể hiện nguyện vọng, mong muốn của một người về cách phân chia tài sản mình có được sau khi chết. Tuy nhiên không phải trường hợp nào khi người đã mất chết đi cũng để lại di chúc, vậy đối với những trường hợp như vậy thì sẽ giải quyết ra sao?
Theo Bộ luật Dân sự 2015 khi một người mất đi mà không để lại di chúc thì việc phân chia tài sản trong trường hợp này sẽ tuân theo quy định của pháp luật để giải quyết. Việc thừa kế theo pháp luật sẽ được áp dụng trong những trường hợp sau đây.
Thứ nhất, việc thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc được coi là không có di chúc:
Đây là những trường hợp mà người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng đã hủy di chúc như đốt, xé hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập. Cũng được coi là không có di chúc trong những trường hợp người chết có để lại di chúc nhưng khi có tranh chấp về thừa kế xảy ra thì di chúc đó đã bị thất lạc hoặc đã bị hư hại hoàn toàn đến mức không thể chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc. Ngoài ra, nếu bản di chúc được viết bằng kí hiệu hoặc bằng ngôn từ khó hiểu làm cho tất cả người thừa kế có cách hiểu không đồng nhất về toàn bộ nội dung của bản di chúc đó thì cũng được coi là không có di chúc. Trong những trường hợp này, toàn bộ di sản của người chết để lại sẽ được phân chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp:
Di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của một giao dịch có hiệu lực và các điều kiện đã được Bộ luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 649. Di chúc bị coi là không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật, do vậy di sản liên quan đến di chúc đó sẽ được giải quyết theo pháp luật. Tuy nhiên, một di chúc bất hợp pháp có thể không có hiệu lực pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Di chúc bất hợp pháp có thể bị coi là vô hiệu toàn bộ nhưng có thể chỉ vô hiệu một phần nên khi giải quyết một tranh chấp về thừa kế có liên quan đến di chúc phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, vào các điều kiện mà di chúc đã vi phạm để xác định mức độ vô hiệu của di chúc.
Vậy di chúc như thế nào thì bị coi là vô hiệu? Một di chúc bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu di chúc đó do người không còn minh mẫn, sáng suốt lập ra hoặc di chúc đó không phải là ý chí tự nguyên đích thực của người lập di chúc, do bị người khác cưỡng ép, ngăn cản hoặc lừa dối. Di chúc cũng bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu do người dưới mười lăm tuổi lập ra hoặc do người đủ mười lăm tuổi lập ra nhưng không có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật. Ngoài ra, một di chúc dù không vi phạm các điều kiện trên vẫn bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu toàn bộ nội dung của di chúc đó trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Khi xác định di chúc không có hiệu lực toàn bộ thì vụ thừa kế sẽ hoàn toàn được giải quyết theo pháp luật, nghĩa là toàn bộ di sản mà người lập di chúc để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của họ.
Trong trường hợp không có di chúc hay có di chúc nhưng di chúc bị vô hiệu thì việc phân chia di sản theo pháp luật sẽ được diễn ra theo trình tự là sự dịch chuyển di sản thừa kế của người chết để lại theo hàng thừa kế, điều kiện, trình tự thừa kế theo quy định của pháp luật. Nghĩa là theo trình tự này thì ai được hưởng di sản của người chết để lại, hưởng thế nào, hưởng bao nhiêu, hoàn toàn do pháp luật xác định. Tuy nhiên khi xác định phạm vi những người được hưởng di sản của người chết để lại ta thường căn cứ trên quan hệ thân thích của người đã chết với những người còn sống,nhưng trong những người thân thích với người chết mức độ gần gũi lại là khác nhau. Theo trình tự hưởng di sản thừa kế thì người nào có mức độ gần gũi nhất với người chết sẽ được hưởng di sản mà người đó để lại, nhiều người có cùng một mức độ gần gũi với người chết cũng sẽ được hưởng di sản của người đó. Khi không có người gần gũi nhất thì những người có mức độ gần gũi tiếp theo sẽ được hưởng di sản của người chết để lại. Như vậy, không phải tất cả những người trong diện những người thừa kế theo pháp luật đều được hưởng thừa kế cùng một lúc. Để những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật hưởng di sản theo trình tự trước, sau căn cứ vào mức độ gần gũi giữa họ với người chết, pháp luật về thừa kế đã sắp xếp những người đó theo từng nhóm khác nhau. Mỗi một nhóm đó được gọi là một hàng thừa kế theo pháp luật. Pháp luật về thừa kế hiện nay đã có quy định cụ thể về những người thuộc diện thừa kế, được quyền hưởng di sản thừa kế và phân chia theo hàng thừa kế tại Điều 651 Người thừa kế theo pháp luật Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, sau khi đã xác định được những người thuộc vào diện được hưởng thừa kế và ở hàng thừa kế nào thì việc phân chia di sản sẽ dựa trên các quy định pháp luật về phân chia di sản để tiến hành phân chia di sản cho những người thuộc diện thừa kế. Khi tiến hành phân chia di sản theo pháp luật phải tuân theo trình tự và các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, chia trước và chia hết cho những người thừa kế ở hàng thừa kế trước: căn cứ của việc phân chia những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật thành các hàng thừa kế khác nhau (từ hàng thừa kế thứ nhất đến hàng thừa kế thứ ba) là mức độ gần gũi, thân thuộc giữa họ với người để lại di sản đồng thời với mục đích là người nào có mức độ gần gũi nhất sẽ được hưởng di sản của người dể lại di sản, những người có cùng mức độ gần gũi sẽ cùng được sẽ cùng được hưởng di sản của người chết để lại. Vì vậy, trước hết di sản phải được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất. Nếu không còn ai hưởng di sản ở hàng thừa kế thứ nhất. Nếu không còn ai hưởng di sản ở hàng thừa kế thứ nhất vì đã chết trước hay chết cùng thời điểm với người để lại di sản mà không có người thừa kế thế vị hoặc còn sống vào thời điểm mở thừa kế nhưng đều không có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật hoặc đều bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản, hay do họ từ chối nhận di sản thì di sản mới được chia cho những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai. Nếu cũng không còn ai hưởng di sản ở hàng thừa kế thứ hai vì đã chết trước hay chết cùng thời điểm với người để lại di sản mà không có người thừa kế thế vị hoặc còn sống vào thời điểm mở thừa kế nhưng đều không có quyền hưởng di sản hoặc đều từ chối nhận hưởng di sản thì mới được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ ba.
Thứ hai, di sản được chia đều cho những người cùng hưởng thừa kế: theo nguyên tắc những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau quy định tại Điều 651 Khoản 2 Bộ luật Dân sự 2015 nên nếu có người thừa kế cùng hàng hưởng di sản đã thành thai nhưng chưa sinh ra vào thời điểm phân chia di sản thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác cùng hàng được hưởng để khi người thừa kế đó sinh ra và còn sống sẽ được hưởng. Trong trường hợp người thừa kế đó chết trước khi sinh ra hoặc sinh ra những chưa được một ngày đã chết thì phần di sản đã dành ra đó được chia tiếp cho những người thừa kế. Nếu sau một ngày trở lên kể từ khi sinh ra mà người thừa kế đó chết thì phần di sản mà người đó được hưởng sẽ thuộc về người thừa kế tiếp theo pháp luật của người đó.
Mục lục bài viết
1. Di sản để lại không có di chúc thì phân chia thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Bà ngoại tôi mất có để lại 1 miếng đất khoảng 60m2, không có di chúc. Bà có 4 người con ( 2 người còn sống và 2 người đã chết). Nay vợ của 1 người con đã mất đòi phân chia tài sản. Vậy miếng đất đó được phân chia thế nào? Nếu 1 trong 4 người không đồng ý bán đi thì luật pháp quy định ra sao?
Mong nhận được sự tư vấn của luật sư.Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Do bạn không nêu về thời gian bà ngoại bạn mất để chúng tôi xác định thời hiệu chia thừa kế theo pháp luật còn hay hết. Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì nếu đã quá thời hiệu 10 năm mà bạn không tiến hành thủ tục kê khai cũng như yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế, thì hết thời hiệu chia thừa kế. Mặt khác, tại mục 2.4 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ – HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định:
“Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế: trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
– Trường hợp còn thời hiệu chia thừa kế: Bà ngoại của bạn mất nhưng không để lại di chúc, như vậy phần di sản của bà ngoại bạn sẽ được chia theo pháp luật khi có yêu cầu. Theo quy định tại điều 676, 677 Bộ luật dân sự:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bà của bạn có 2 người con chết trước, nên khi chia di sản thừa kế theo pháp luật, con của hai người này sẽ là người thừa kế thế vị, được hưởng phần tài sản của 2 người con đã chết, và người vợ sẽ không được hưởng phần tài sản này nên không thể có yêu cầu chia di sản thừa kế.
Nếu các đồng thừa kế không thỏa thuận được việc chia di sản thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Theo quy định tại Khoản 2 điều 676 BLDS quy định “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.
– Nếu quá thời hạn chia thừa kế mà đủ điều kiện chia tài sản chung như đã nêu trên thì gia đình bạn có thể gởi đơn ra Tòa án cấp có thẩm quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
2. Phân chia di sản thừa kế không có di chúc
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Luật sư! Gia đình tôi gặp vấn đề vướng mắc về việc sang tên nhà. Bà ngoại tôi khi còn trẻ làm công nhân và được nhà nước cấp cho một căn nhà và chỉ mình bà đứng tên. Thời điểm đó bà và ông tôi đã sống chung nhưng không đăng kí kết hôn. Ông tôi có một người con gái riêng của ông và vợ trước.
Ông bà ngoại tôi chỉ có chung một người con duy nhất, chính là mẹ tôi. Ông tôi đã mất 4 năm, mẹ tôi có tính ham mê cờ bạc nên bà tôi muốn sang tên ngôi nhà này cho tôi vì hiện tại bà đã tuổi già sức yếu và gia đình rất khó khăn. Tôi và bà có đến văn phòng công chứng nhưng họ yêu cầu phải trình giấy khai tử của ông tôi để xác định quyền thừa kế. Vậy bà tôi có cần phải chia một phần căn nhà cho con riêng của ông tôi không? Kính mong luật sư giúp đỡ để tránh gặp rắc rối về sau. Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Bạn có thông tin ông bà bạn chung sống với nhau như vợ chồng, có con chung với nhau nhưng lại không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, bạn không nói rõ thời điểm ông bà bắt đầu chung sống với nhau để xác định về việc công nhận mối quan hệ hôn nhân.
Căn cứ Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình như sau:
– Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày
– Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003; do đó, cần phân biệt như sau:
+ Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu họ chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý trong trường hợp họ thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, thì quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội do Bộ Tư pháp hướng dẫn.
+ Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng; nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.
+ Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn và sau đó một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp này, thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.
+ Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
. Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
. Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
. Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
. Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
– Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu một trong các bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm c khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.
Như vậy, sẽ có hai trường hợp xảy ra như sau:
* TH1: Ông bà bạn chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 đến khi ông mất thì mối quan hệ hôn nhân giữa ông và bà sẽ được pháp luật thừa nhận. Do đó, theo nguyên tắc tại
“Điều 15
Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.”
Như vậy, tài sản là ngôi nhà đó sẽ được xác định là tài sản chung của ông và bà bạn. Khi ông bạn mất đi không để lại di chúc thì sẽ phát sinh thừa kế theo pháp luật.
Ông bạn mất cách đây 04 năm nên áp dụng nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật tại “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, khi ông bạn mất đi không để lại di chúc thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông sẽ được hưởng phần tài sản này. Do đó, con gái riêng của ông cũng sẽ được hưởng tài sản do ông bạn để lại.
* TH2: Ông bà bạn chung sống như vợ chồng sau ngày 03/01/1987 đến khi ông mất và không đăng ký kết hôn thì mối quan hệ hôn nhân giữa ông và bà không được pháp luật công nhận. Do đó, tài sản bà bạn được Nhà nước cấp được xác định là tài sản riêng của bà bạn. Do đó, khi bà bạn mất đi mà không để lại di chúc thì chỉ những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà sẽ được hưởng phần di sản này, ông và cô con gái riêng của ông sẽ không được hưởng.
3. Khởi kiện phân chia di sản thừa kế không có di chúc
Tóm tắt câu hỏi:
Mẹ tôi được bà ngoại giao cho một tờ sổ về quyền sở hữu đất đai và cuốn hộ khẩu gia đình. Nhưng bà đã đột ngột qua đời năm 1996 tại Kiên Giang và không có di chúc. Mẹ tôi rời Kiên Giang năm 1990 mà không khai báo với địa phương. đã làm mất hộ khẩu năm 2000. Nay nếu mẹ tôi muốn lấy lại số đất trên giấy tờ thì thủ tục gồm những gì? Và phải đóng những khoản phí gì?
Luật sư tư vấn:
Khi bà ngoại bạn mất và không để lại di chúc nên tài sản của bà ngoại sẽ được chia cho tất cả những người trong hàng thừa kế theo pháp luật.
Bà Ngoại bạn mất năm 1996, căn cứ theo quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự 1995 quy định về thừa kế theo pháp luật:
“Điều 679. Người thừa kế theo pháp luật
1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.”
Bà Ngoại có giao lại sổ hộ khẩu và các giấy tờ liên quan đến nhà đất cho mẹ bạn giữ nhưng không để lại di chúc tặng cho lại phần tài sản này cho mẹ bạn, nên về mặt quan hệ pháp luật, sau khi bà mất và không để lại di chúc, phần tài sản của bà sẽ được chia đều cho tất cả những người trong hàng thừa kế thứ nhất của bà gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Căn cứ theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế:
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, mẹ bạn không thể lấy lại được toàn bộ phần tài sản này nếu trong trường hợp bà ngoại của bạn vẫn còn những người trong hàng thừa kế.
4. Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế khi không có di chúc
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi được 2 ông con trai của cố ngoại viết giấy cho ở và ký tên có công chứng. Hiện gia đình đang sống trên mãnh đất của cố ngoại từ năm 1996 và đống thuế đất từ năm 1998 đến nay. Khi cố ngoại mất thì ông con trai đầu có làm sổ đỏ và đứng tên ông toàn quyền. Ông con trai đầu có ba người con và khi ông mất thì không để lại di chúc.
Vậy cho tôi hỏi tờ giấy viết tay đó có được coi là di chúc và gia đình tôi có được phép làm sổ đỏ sang tên đổi chủ mà không cần thông qua ba người con của ông đó được không? Hay tôi phải làm như thế nào thì mới làm được sổ đỏ chính chủ. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Do thông tin bạn cung cấp không rõ ràng về thời điểm người con trai của cố ngoại viết giấy tờ nhà đất nên căn cứ Bộ luật dân sự 2015, cụ thể tại Điều 624 thì Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
“Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”
Di chúc hợp pháp phải bao gồm những nội dung sau đây:
– Ngày, tháng, năm lập di chúc;
– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
– Di sản để lại và nơi có di sản.
Di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Như vậy, nếu văn bản di chúc đảm bảo các điều kiện trên thì được coi như di chúc hợp pháp. Thời điểm mở thừa kế theo Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 là thời điểm người có tài sản chết.
Bạn không thông tin rõ về hình thức cũng như nội dung của văn bản đó nên có thể phân tích hai trường hợp sau:
* TH1: Di chúc để lại hợp pháp:
Do người con trai của cố ngoại trước khi mất không viết thêm bất cứ một bản di chúc nào khác. Do đó, phần tài sản này sẽ được phân chia theo di chúc để lại cho bạn. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Trường hợp này, bạn và những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc ( nếu có ) của người đó sẽ được hưởng phần di sản này. Bạn muốn làm giấy chứng nhận đứng tên bạn thì những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc phải từ chối nhận di sản thừa kế.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
* TH2: Di chúc để lại không hợp pháp hoặc văn bản đó không phải di chúc:
Phần tài sản này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật của người đó sẽ được hưởng phần tài sản này. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Do đó, trường hợp này những người thừa kế theo pháp luật của người đó phải từ chối nhận di sản thừa kế và đồng ý để phần tài sản này đứng tên bạn thì bạn mới có thể làm giấy chứng nhận sang tên mình.