Di sản dùng vào việc thờ cúng là di sản không chia và giao cho người được chỉ định trong di chúc? Quy định về di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng? So sánh giữa di sản dùng vào việc thờ cúng và di sản di tặng? Quyền của người quản lý di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng?
Điều 670
Người quản lí di sản thờ cúng sẽ thực hiện việc thờ cúng người có tài sản chết vào ngày giỗ, tết. Việc thờ cúng này được thực hiện theo tập quán của từng địa phương, pháp luật không quy định cụ thể về người thực hiện việc thờ cúng và người quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng. Đây cũng là sự khác biệt giữa pháp luật của Nhà nước ta và pháp luật thời phong kiến thuộc địa và luật cổ Việt Nam.
Di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định tại Điều 670
“1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lí để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lí để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lí di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lí di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Theo nội dung của điều luật này, có một số vấn đề cần làm rõ:
Thứ nhất, người lập di chúc có dành một phần làm di sản thờ cúng thì phần di sản đó giao cho người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận giao cho một người quản lí. Như vậy, cần phải hiểu thế nào là một phần di sản và nếu người lập di chúc định đoạt vượt quá một phần thì di chúc có giá trị hay không.
Theo quy định, toàn bộ tài sản của người chết là một khối di sản, một phần của một khối di sản đó sẽ là: nếu chia di sản ra làm hai hay nhiều phần thì người lập di chúc không được dành lại quá một phần của khối di sản đó. Do vậy, nếu người lập di chúc định đoạt vượt quá 1/2 di sản, khi mở thừa kế sẽ để lại 1/2 di sản để thờ cúng, phần còn lại chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật. Vấn đề này cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để tránh việc áp dụng tùy tiện.
Thứ hai, tại đoạn 3 khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự quy định:
“…Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Quy định này có thể hiểu là người để lại thừa kế phải lập di chúc cho tất cả người thừa kế hàng thứ nhất, sau khi những người này chết, di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người thừa kế đang quản lí di sản. Quy định này chưa phù hợp với thực tế và mâu thuẫn với Điều 645 Bộ luật dân sự như trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều chết nhưng thời hiệu thừa kế chưa hết thì tại sao di sản lại thuộc về người đang quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì những lí do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định khác về thừa kế và phong tục tập quán của nhân dân ta.
Nhà nước ta tôn trọng tự do, tín ngưỡng của nhân dân, cho nên trong Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế thực hiện việc thờ cúng. Theo khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự thì có thể giải thích dựa vào lịch sử lập pháp và theo tư duy logic:
– Theo pháp luật dân sự của các nhà nước phong kiến Việt Nam, như Luật Hồng Đức, hương hỏa là 1/20 điền sản, theo Luật Bắc Kì năm 1931 và Luật Trung Kì năm 1936, hương hỏa là 1/5 điền sản (ruộng đất). Hương hỏa được giao cho tôn trưởng quản lí dùng vào việc phụng tự. Như vậy, hương hỏa chỉ là là một phần nhỏ điền sản của người chết để lại cho con cháu để sử dụng, thu hoa lợi dùng vào việc thờ cúng.
– Theo logic, nếu khối di sản được chia thành hai hay nhiều phần thì chỉ được dùng một phần đó để thờ cúng, phần còn lại chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lí di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lí di sản thờ cúng. Trường hợp này, tuy người lập di chúc không chỉ định người quản lí di sản thờ cúng nhưng trong di chúc vẫn xác định rõ dành một phần di sản cho việc thờ cúng (như một khoảng tiền, một gian nhà,..) thì những người thừa kế phải cử một người để quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng. Những người thừa kế đượ quy định là những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản thờ cúng. Khẳng định này dựa trên cơ sở của phong tục, truyền thống thờ cúng những người thân thích đã tồn tại từ ngàn xưa trong nhân dân ta. Theo phong tục thì những người ngoài dòng tộc không có nghiã vụ thờ cúng thuộc dòng tộc khác.
Ở khoản 2 Điều 670 Bộ luật dân sự quy định:
“Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó, thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Quy định này nhằm bảo vệ người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc, khi di sản còn lại chưa đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại, thì phải dùng phần di sản dùng vào việc thờ cúng thực hiện nghĩa vụ đó. Thờ cúng là một nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta, thể hiện lòng tôn kính đối với người đã chết.Giáo dục người xung quanh kính trọng những người bậc trên đã chết và nhớ công ơn của họ.Vì vậy, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các truyền thống tốt đẹp đó, cho phép cá nhân dành một phần tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng.Phần tài sản này không coi là di sản thừa kế.
Di sản dùng vào việc thờ cúng được để lại theo ý nguyện của người lập di chúc, di sản này không chia mà được giao cho một người quản lí. Di sản này có thể là một tài sản cụ thể. Nếu là tài sản hoặc cây lâu lăm, người quản lí có thể thu hoa lợi, lợi tức và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lí không được sử dụng vào mục đích của riêng mình. Không có quyền định đoạt di sản này.Trường hợp người đang quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng mà không có điều kiện để tiếp tục quản lí di sản đó, những người thừa kế sẽ thỏa thuận giao cho người khác quản lí.
Điều 670 Bộ luật dân sự không có quy định về tính chất của di sản dùng vào việc thờ cúng (không định tính), mà chỉ định lượng phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Người lập di chúc có thể định đoạt bất kì tài sản nào trong khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình dùng vào việc thờ cúng. Vì vậy, trong thực tế có trường hợp người để lại di sản vừa dành một phần di sản cho thờ cúng, vừa dành một phần di sản để di tặng. Song khi thực tế nghĩa vụ, di sản còn lại không đủ để thanh toán thì sẽ dùng di sản thờ cúng để thanh toán nghĩa vụ hay dung di sản dung cho di tặng để thanh toán.
1. Quy định về di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa Luật Sư, gia đình chúng tôi có 8 anh chị em, cha qua đời 1982, không có di chúc, mẹ vừa qua đời tháng 4/2016 có để lại di chúc. Trong di chúc có ghi rõ cho cô em gái hiện đang sống trong căn nhà này (tại Sài gòn) có quyền quản lý căn nhà, và căn nhà chỉ được sử dụng để thờ cúng ông bà và không được bán. Hiện tại mẹ tôi là người duy nhất đứng tên trong sổ hồng.
Anh em chúng tôi quyết định và đồng ý tất cả 8 người sẽ đứng tên trong sổ hồng, sau đó có em gái thay đổi ý định là cô chỉ muốn làm theo di chúc rằng chỉ một mình cô đứng tên trong sổ hồng và dĩ nhiên là 7 anh em còn lại không đồng ý và chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý để cô này đứng tên một mình trong số hồng vì có âm mưu với con trai mình (30 tuổi, hiện đang sống trong căn nhà này) để chiếm đoạt tài sản này. Hiện tại con trai của cô đang đang giữ sổ hồng mà chúng tôi đã yêu cầu nhiều lần nhưng không trả lại. Chúng tôi kính nhờ Luật sư chỉ dẫn giùm những thắc mắc sau:
1. 7 anh em chúng tôi có quyền giữ sổ hồng không và nếu có thì bằng cách nào, việc đứa cháu giữ sổ hồng mà không trả lại đây có phải là chiếm đoạt tài sản?
2. Chúng tôi có quyền mời đứa cháu này ra khỏi nhà được hay không?
3. Chúng tôi có thể tiếp tục việc chuyển tên khi cô em gái khước từ vì cô chỉ muốn một mình cô đứng tên.
4. Chúng tôi có thể báo cáo ít nhất là Công an Phường về sự việc nêu trên?
5. Nếu 7 anh em chúng tôi muốn bán căn nhà này có được không? Chúng tôi chân thành cảm ơn Luật sư cho những hướng dẫn quí báu này. Trân trọng cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Như bạn nói, bố bạn đã mất năm 1982, mẹ bạn mất năm 2016 tuy nhiên bạn chưa nói rõ đây là tài sản riêng của mẹ bạn có được sau khi bố bạn mất hay là tài sản chung của bố mẹ bạn.
Nếu là tài sản chung của bố mẹ bạn, thì mẹ bạn chỉ được định đoạt đối với phần tài sản của mẹ bạn có trong khối tài sản chung theo quy định tại Điều 233
“1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được
Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
4. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.”
do đó, việc định đoạt tài sản chung của mẹ bạn trong di chúc như trên là không có căn cứ, bạn có quyền tuyên di chúc vô hiệu, một trong các con có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tài sản này sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Nếu đây là tài sản riêng của mẹ bạn, thì việc định đoạt trong di chúc phải đảm bảo quy định tại Khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
… “
Theo như bạn trình bày thì người con gái đang ở trong căn nhà của mẹ bạn trong di chúc là người được quyền quản lý căn nhà tức là người con gái này không phải là người được thừa kế di sản của mẹ bạn theo di chúc mà chỉ là người được chỉ định quản lý di sản thừa kế theo di chúc, đồng thời không cho phép bán căn nhà chỉ được ở và dùng vào việc thờ cúng.
Căn cứ Điều 639 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của người quản lý di sản như sau: Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật dân sự 2015 có các nghĩa vụ sau đây:
– Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
–
– Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
– Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
Như vậy thì người em gái của bạn hay 7 anh chị em bạn không có quyền đứng tên sổ hồng căn nhà nếu không được sự đồng ý của cả 8 người.
Bảy người con còn lại không có quyền đuổi người cháu ra khỏi nhà bởi không có căn cứ để đuổi ở đây. Việc người cháu đang giữ sổ đỏ, không đưa cho những người con mượn thì không được coi là chiếm đoạt tài sản, bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được coi là tài sản theo quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự 2015.
Đây là di sản dùng vào việc thờ cúng phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 670 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 670. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
2. So sánh giữa di sản dùng vào việc thờ cúng và di sản di tặng
Những điểm giống nhau
+ Đều phát sinh từ di chúc của người chết để lại, do ý chí của người lập di chúc. Những phần di sản để dùng vào việc thờ cúng hay di tặng theo quy định của pháp luật thì phải được ghi rõ trong di chúc. Ngoài ra, thì di sản dùng vào việc thờ cúng có thể được hình thành do những người thừa kế tự thỏa thuận khi không có đề cập trong di chúc, hoặc không có di chúc.
+ Là một phần di sản nhất định của người chết để lại, không thể là toàn bộ di sản của người chết, di sản có thể là tiền, vật có giá trị về vật chất hoặc có giá trị về tinh thần.
+ Di sản đều phải thực hiện xong các nghĩa vụ dân sự như: trả nợ, nộp phạt… rồi mới xét đến việc dùng vào thờ cúng và di tặng. Nếu di sản để lại không đủ để thực hiện các nghĩa vụ dân sự của người chết thì sẽ không có phần di sản dùng vào việc thờ cúng và di tặng.
Vấn đề đặt ra trong trường hợp có cả di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phải dùng phần di sản nào để thanh toán nghĩa vụ tài sản trước? Di tặng hay phần di sản dùng vào việc thờ cúng?
Có ý kiến cho rằng, do tính chất đặc biệt của phần di sản dùng vào việc thờ cúng – là sự biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nếu xếp di sản dùng vào việc thờ cúng ngang với di sản chia thừa kế hay di tặng đồng nghĩa với việc “hy sinh truyền thống cổ xưa vì lợi ích của quyền tự do cá nhân”. Chính vì vậy, trong trường hợp này, ta phải dùng phần di sản dành cho di tặng để thanh toán nghĩa vụ trước, nếu không đủ thì mới dùng đến di sản dùng vào việc thờ cúng.
Ý kiến khác lại cho rằng, phải dùng di sản dùng vào việc thờ cúng để thanh toán nghĩa vụ trước, nếu không đủ mới dùng đến di tặng, bởi tài sản dành cho di tặng thường có ý nghĩa đặc biệt với người di tặng cũng như người được di tặng. Việc để lại di tặng thường nhằm mục đích làm kỷ niệm, lưu dấu một mối quan hệ tốt đẹp thân thiết giữa người di tặng với người được di tặng.
Dung hòa cả hai ý kiến trên, ý kiến thứ ba cho rằng, trong trường hợp này chúng ta phải dùng cả di tặng cũng như di sản dùng vào việc thờ cúng để thanh toán. Việc cắt giảm hai phần di sản này sẽ được thực hiện theo tỷ lệ. Theo chúng tôi, ý kiến này là hợp lý hơn cả. Bởi theo quy định tại Điều 670 và 671 thì hai loại di sản này có địa vị pháp lý tương đối “cân bằng” nhau, bởi cơ sở để dùng hai loại di sản này để thanh toán nghĩa vụ đều là “toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó”. Hơn nữa, trong thực tế đời sống, rất khó lý giải nên dùng loại di sản nào để thanh toán trước trong trường hợp nói trên, vì điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: tính đa dạng của quan hệ pháp luật về thừa kế, mức chênh lệch về giá trị di sản dùng vào việc thờ cúng và di tặng, yếu tố tâm lý, sự khác nhau về phong tục tập quán giữa các vùng, miền trên cả nước.
+ Di sản dùng để thờ cúng và di tặng không được chia thừa kế, nên do đó trước khi tiến hành phân chia di sản thừa kế phải loại trừ di sản thờ cúng và di tặng ra khỏi số di sản được chia.
2. Những điểm khác nhau
- Về ý nghĩa:
Di sản dùng vào việc thờ cúng người chết và tổ tiên được để lại với ý nghĩa để nhằm tưởng nhớ và biết ơn đối với những người đã chết mang tính giáo dục sâu sắc và tính nhân văn cao cả.
Di sản di tặng với ý nghĩa tinh thần rất cao đẹp, bởi thường phần di sản di tặng rất nhỏ, hoặc nếu có lớn thì đều chứa đựng trong đó là sự cảm ơn, sự trả ơn, quà tặng đối với những người có ý nghĩa với bản thân người để lại di chúc.
- Về quyền và nghĩa vụ phát sinh:
Di sản dùng vào việc thờ cúng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người quản lí di sản, những đồng thừa kế. Thứ nhất, người quản lí di sản có nghĩa vụ thực hiện việc thờ cúng theo di chúc, theo sự thỏa thuận của những người thừa kế sao cho phù hợp với ý nguyện của người để lại di sản, phù hợp với những phong tục, tập quán của vùng. Về quyền lợi, trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Thứ hai, với những người đồng thừa kế, có quyền và nghĩa vụ chỉ định người quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng, có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác và có quyền thống nhất chia di sản dùng vào việc thờ cúng của người để lại di chúc khi người quản lí di sản chết hoặc người quản lí di sản không thuộc diện thừa kế của người để lại di chúc.
Di sản di tặng được thực hiện theo di chúc của người chết, theo đó thì một phần di sản của người chết sẽ được tặng cho bất kì ai, tổ chức, cá nhân còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, đối tượng được hưởng di tặng không phải là người thừa kế theo di chúc của người để lại di tặng. Và các tổ chức, cá nhân được nhân được nhận di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ đối với phần tài sản được di tặng.
- Về quyền sở hữu:
Di sản dùng vào việc thờ cúng: Người quản lí di sản thờ cúng không có quyền sở hữu đối với di sản này, mặc dù họ có thể thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng. Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Di sản di tặng thuộc quyền sở hữu của người được di tặng sau khi được trao cho người được di tặng mà không phải thực hiện nghĩa vụ gì khác.
- Về mối quan hệ giữa các chủ thể:
Di sản dùng vào việc thờ cúng: giữa người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng với những người quản lí di sản thờ cúng thường có các quan hệ vợ chồng, huyết thống, hay nuôi dưỡng.
Di sản di tặng: giữa người để lại di sản di tặng với người hưởng di sản di tặng có thể có các quan hệ về huyết thống, vợ chồng, nuôi dưỡng. Hoặc quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương… Hoặc cũng có thể không có quan hệ gì, nhưng di tặng là ý nguyện của người để lại di tặng với mục đích là sự cảm ơn, trả ơn, hay quà kỉ niệm. Và dù giữa người để lại di tặng với người hưởng di tặng có quan hệ hay không thì người để lại di tặng đều phải ghi rõ trong di chúc là “di tặng”.
3. Quyền của người quản lý di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà tôi có 4 anh chị em, khi bố mẹ tôi chết có viết di chúc để lại cho tôi một mảnh đất một nửa để tôi thực hiện việc thờ cúng tổ tiên, còn một nửa cho tôi để ở, các anh chị còn lại cũng đã được chia đất hoặc tài sản của bố mẹ tôi nhưng do giá trị của mảnh đất để thờ cúng tổ tiên lớn hơn khoản tiền hay đất mà bố, mẹ tôi để lại cho các anh chị ấy nên họ đòi chia mảnh đất đấy ra cho công bằng. Tôi không đồng ý vì đất đấy bố mẹ tôi để lại cho tôi để thờ cúng tổ tiên. Vậy anh chị tôi có được chia lại đất không, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 646, Bộ luật dân sự năm 2015 thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Do đó, mọi người phải tôn trọng ý chí cá nhân đó và thực hiện theo đúng nội dung của di chúc. Việc anh, chị của bạn yêu cầu chia lại tài sản là trái với quy định của pháp luật.
Hơn nữa, tại khoản 1, điều 670, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng: “Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”. Do đó, bạn sẽ là người thực hiện việc thờ cúng, nếu bạn không thực hiện đúng di chúc thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Việc thờ cũng vẫn phải được thực hiện chứ không được chia phần đất để thờ cúng đó cho những người thừa kế còn lại và bạn cũng chỉ là người quản lý phần di sản thừa kế đó chứ không phải là người có quyền sử dụng một nửa mảnh đất dùng để thực hiện việc thờ cúng.
Nếu anh, chị của bạn vẫn tiếp tục tranh chấp với bạn về phần đất đó thì bạn có thể khởi kiện ra
4. Quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng
Thờ cúng tổ tiên là phong tục đã có từ rất xa xưa của người Việt và hiện nay vẫn được coi trọng. Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện trên cơ sở của quan niệm mang tính chất đạo đức và văn hoá: tôn trọng và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục; con người có nguồn cội, tổ tông vì vậy con, cháu phải tôn trọng và biết ơn những thế hệ cha ông đã sinh ra mình. Thờ cúng tổ tiên, di sản thờ cúng có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tinh thần. Vì vậy, đối với di sản dùng vào việc thờ cúng có những quy ước rất chặt chẽ của gia đình, dòng tộc, đồng thời Nhà nước cũng cũng có những quy định pháp luật cụ thể công nhận và bảo vệ quyền của cá nhân được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng. Tôn trọng và ghi nhận truyền thống của dân tộc, pháp lệnh về thừa kế trước đây và Bộ luật dân sự hiện nay đều ghi nhận quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng của người lập di chúc. Điều 670 Bộ luật dân sự cũng quy định rõ về vấn đề di sản dùng vào việc thừa kế, quyền của người lập di chúc trong việc để lại di sản dùng vào việc thừa kế:
“1. Trong trường hợp người lập di chúc có thể để lại một phần di sản vào việc thờ cũng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lí để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cũng cho người khác quản lí để thờ cúng”.
Theo đó, di sản này được để lại theo ý nguyện của người lập di chúc, di sản này không chia mà được giao cho một người quản lí. Căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng là do người lập di chúc định đoạt phần di sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ rõ phần tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó là phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản này có thể là khoản tiền cụ thể, có thể là quyền tài sản, có thể là những vật, giấy tờ có giá khác. Di sản này có người quản lí, người quản lí có quyền thu hoa lợi, lợi tức và dùng nó để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lí không được sử dụng vào mục đích của riêng mình, không có quyền định đoạt đối với phần di sản thờ cúng. Quyền của người lập di chúc trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng biểu hiện trong các điểm sau:
– Việc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là do ý muốn của người để lại thừa kế, nếu trong di chúc người này thể hiện ý nguyện đó thì phải được tôn trọng.
– Phỏng đoán ý nguyện truyền thống của người để lại di sản thờ cúng là phần di sản phải được lưu giữ, truyền từ đời này qua đời khác, nên pháp luật tôn trọng và quy định phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế.
Người để lại di chúc có thể chỉ định bất cứ người nào do mình muốn để quản lí di sản do mình lập ra, nếu trong di chúc không xác định điều này thì người quản lí di sản thờ cúng là ai do những người thừa kế cử ra.
Quyền để lại di sản thờ cúng bao gồm cả việc xác định nghĩa vụ của người quản lí di sản thờ cúng cũng như việc phụng tự, có thể xem xét các trường hợp: Nếu trong di chúc đã xác định công việc thờ cúng mà người quản lí di sản thực hiện việc thờ cúng không tuân theo sẽ bị những người thừa kế khác lấy lại di sản thờ cúng giao cho người khác để người đó trực tiếp quản lí thực hiện việc thờ cúng; Nếu trong trường hợp trong di chúc không xác định công việc thờ cúng thì người quản lí di sản phải thực hiện việc thờ cúng theo thỏa thuận của những người thừa kế. Tuy nhiên, trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lí hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật; Khi được giao di sản để thực hiện việc thờ cúng nhưng lại sử dụng tài sản trái với mục đích thờ cúng.
Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc, khi di sản còn lại chưa đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết để lại.
Tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng và cũng không cần quy định cụ thể phần di sản đó tỷ lệ bao nhiêu so với giá trị khối tài sản. Tức là Điều 670 Bộ luật dân sự không có quy định về tính chất của di sản dùng vào việc thờ cúng (không định tính), mà chỉ định lượng phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Vì vậy, người lập di chúc có thể định đoạt bất kỳ tài sản nào trong khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để dùng vào việc thờ cúng.
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định tại Điều 670 Bộ luật dân sự hiện hành đã phần nào đáp ứng được phong tục tập quán tồn tại từ lâu đời trong nhân dân ta là thờ cúng tổ tiên và những người đã chết trong gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, pháp luật cũng phần nào đó hạn chế quyền định đoạt của người lập di chúc trong việc để một phần di sản cho việc thờ cúng và để di tặng. Mục đích của việc hạn chế này là để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền tài sản liên quan đến di sản của người chết. Sự hạn chế đó được thể hiện trong các trường hợp sau:
– Toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng; di tặng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ của người chết, pháp luật cũng quy định:
“Trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này” (khoản 2 Điều 671 Bộ luật dân sự) và “Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng””(khoản 2 Điều 670 Bộ luật dân sự).
Để tránh trường hợp tẩu tán tài sản do không muốn thanh toán các khoản nợ của người lập di chúc.
– Trường hợp sự định đoạt của người lập di chúc vi phạm quyền của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 669 Bộ luật dân sự 2015), nghĩa là nếu người lập di chúc dành phần lớn tài sản vào việc thờ cúng, di tặng mà số tài sản còn lại không đảm bảo đủ cho những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc hưởng 2/3 suất thừa kế của họ, thì trước hết phải đảm bảo chia đủ tài sản thừa kế theo đúng luật quy định cho họ.