Cá nhân được nhà nước cho phép hoạt động hành nghề thiết kế công trình giao thông thì cần đảm bảo điều kiện đã được điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật .Vậy, quy định chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông có những nội dung gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông:
- 2 2. Hồ sơ để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông:
- 3 3. Quy trình, thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình:
- 4 4. Cá nhân hoạt động thiết kế xây dựng không có chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
1. Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông:
Hiện nay, có 7 loại chứng chỉ hành nghề liên quan đến lĩnh vực thiết kế xây dựng. Chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông là một trong bảy loại chứng chỉ hành nghề đã được ghi nhận tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP. Cá nhân để được cấp chứng chỉ này phải được đào tạo chuyên môn và những kinh nghiệm trên thực tế khi tham gia công việc. Theo quy định pháp luật tại Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì cá nhân cần đáp ứng điều kiện sau đây để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông:
– Về yếu tố năng lực hành vi dân sự: Cá nhân cần có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; Đối với trường hợp là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cần có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam;
– Về trình độ chuyên môn: Theo quy định, cá nhân phải đạt trình độ đại học thuộc chuyên ngành tương ứng với các lĩnh vực được cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình giao thông: Chuyên ngành xây dựng công trình giao thông.
– Về kinh nghiệm:
+ Đối với việc cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông hạng 1:
Phải đảm bảo về kinh nghiệm làm việc về lĩnh vực này, cụ thể: tham gia công việc thiết kế xây dựng công trình từ 07 năm trở lên;
Cá nhân này đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp I trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp II trở lên.
Khi được cơ quan có thẩm quyền tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình thì phải được công nhận là đạt trong việc sát hạch này.
+ Cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông hạng 2:
Thời gian để cá nhân được xem xét cấp chứng chỉ hạng 2 là có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc thiết kế xây dựng công trình từ 04 năm trở lên;
Ngoài ra, cá nhân này phải từng làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp II trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp III trở lên hoặc đã tham gia thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 03 công trình từ cấp II trở lên cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Chủ thể này phải có kết quả ghi nhận là đạt yêu cầu sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình.
+ Cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông hạng 3:
Kinh nghiệm trên thực tế của cá nhân có trình độ đại học phải đảm bảo là 02 năm trở lên. Khoảng thời gian này khi tham gia công việc thì phải đúng chuyên môn được đào tạo, có liên quan đến công việc thiết kế xây dựng công trình. Đối với cá nhân trình độ cao đẳng hoặc trung cấp thì thời gian có kinh nghiệm từ 03 năm trở lên;
Đồng thời, đã tham gia thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 03 công trình từ cấp III trở lên hoặc 05 công trình từ cấp IV trở lên cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Đạt yêu cầu sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình.
– Về phạm vi hoạt động:
+ Đối với hạng 1: Được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành của tất cả các cấp công trình cùng loại với công trình được ghi nhận trong chứng chỉ hành nghề;
+ Đối với hạng 2: Được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành của công trình từ cấp 2 trở xuống cùng loại với công trình được ghi nhận trong chứng chỉ hành nghề;
+ Đối với hạng 3: Được làm chủ nhiệm thiết kế xây dựng, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế bộ môn chuyên ngành của công trình cấp III, cấp IV cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
2. Hồ sơ để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông:
Cá nhân cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau để được cấp chứng chỉ hành nghề công trình giao thông:
– Chuẩn bị một mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề: Thiết kế giao thông
– Ảnh chân dung của cá nhân khi có nhu cầu cấp chứng chỉ, nên chuẩn bị 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm và tệp tin ảnh có nền màu trắng (chụp chân dung của người dự thi sát hạch cấp chứng chỉ) ảnh chụp trong thời gian không quá 06 tháng.
– Sau quá trình tham gia đào tạo thì cá nhân sẽ có văn bằng do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp phù hợp với loại, hạng chứng chỉ đề nghị cấp nên cần nộp văn bằng này để hoàn thiện hồ sơ;
– Đối với văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải là bản được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định và phải có bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Trong trường hợp đề nghị điều chỉnh hạng, gia hạn chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình giao thông thì cần nộp chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây;
– Để chứng minh rằng cá nhân có tham gia trên thực tế công việc liên quan đến nghề thiết kế công trình giao thông thì cần có thêm các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai;
Người tiến hành khai nhận thông tin này hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực mà nội dung đã cung cấp.
Trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê khai.
– Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài;
– Bản sao kết quả sát hạch đạt yêu cầu trong trường hợp đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề
Chú ý: Các giấy tờ trên đều là bản phô tô có công chứng.
3. Quy trình, thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình:
3.1. Quy trình cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình:
– Trước tiên, cá nhân chuẩn bị và gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình tại cơ quan có thẩm quyền. Phương thức nộp hồ sơ có thể được thực hiện trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình.
– Khi tiếp nhận hồ sơ của cá nhân cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình tiến hành xem xét hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.
Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ thì thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ thì cá nhân sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình
3.2. Thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình
– Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình hạng I.
– Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình hạng II, hạng III.
– Các cá nhân là hội viên, thành viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp khi có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề nghề thiết kế xây dựng công trình hạng II, hạng III thì tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trách nhiệm thực hiện việc này.
4. Cá nhân hoạt động thiết kế xây dựng không có chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Cá nhân không đủ điều kiện về năng lực hoạt động xây dựng, cụ thể là không đủ điều kiện để hành nghề thiết kế công trình xây dựng thì Căn cứ khoản 1 Điều 24 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng có một trong các hành vi như:
– Hoạt động xây dựng không đủ điều kiện hành nghề theo quy định;
– Chứng chỉ hành nghề đã được cấp nhưng trong quá trình hoạt động xây dựng hết hiệu lực hoặc hoạt động sai chứng chỉ hành nghề, hoặc không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề đã;
– Người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam mà không thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề theo quy định…
Ngoài ra, cá nhân hành nghề hoạt động thiết kế xây dựng không có chứng chỉ hành nghề còn có thể bị đình chỉ hoạt động xây dựng từ 06 tháng đến 12 tháng theo điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng;
– Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.