Bài viết "Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non mới nhất" sẽ giới thiệu đến độc giả những điều cần biết về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, đặc biệt là các quy định mới nhất được ban hành.
Mục lục bài viết
1. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non là gì?
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non là một tài liệu quy định các tiêu chuẩn chuyên môn, năng lực và phẩm chất đạo đức của giáo viên mầm non. Tài liệu này được ban hành bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan đến giáo dục mầm non, đặc biệt là các trẻ em.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non bao gồm các tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng giáo dục và năng lực phát triển cá nhân. Đây là cơ sở để đánh giá năng lực của giáo viên mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non. Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non cũng cung cấp hướng dẫn về đào tạo, tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên mầm non.
Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được cập nhật thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của xã hội và cải thiện chất lượng giáo dục mầm non.
2. Tiêu chí về phẩm chất nhà giáo:
Dưới đây là một số tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non theo Thông tư 26/2018/TT – BGDDT:
Về đạo đức nghề giáo:
– Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo;
– Mức khá: Có ý thức tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo;
– Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo.
Phong cách làm việc:
– Mức đạt: Có tác phong, phương pháp làm việc phù hợp với công việc của giáo viên mầm non;
– Mức khá: Có ý thức tự rèn luyện, tạo dựng phong cách làm việc khoa học, tôn trọng, gần gũi trẻ em và cha mẹ trẻ em;
– Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc khoa học, tôn trọng, gần gũi trẻ em và cha mẹ trẻ; có ảnh hưởng tốt và hỗ trợ đồng nghiệp hình thành phong cách nhà giáo.
3. Tiêu chuẩn về phát triển chuyên môn nghiệp vụ:
Phát triển chuyên môn bản thân:
– Ở Mức đạt: Đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Tham gia và hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn theo quy định;
– Ở Mức khá: Thực hiện kế hoạch học tập, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện bản thân; cập nhật kiến thức chuyên môn, yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em;
– Ở Mức tốt: Chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp về phát triển chuyên môn bản thân.
Xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo hướng phát triển toàn diện trẻ em
– Ở Mức đạt: Xây dựng được kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ em trong nhóm, lớp;
– Ở Mức khá: Chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em, phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, lớp và văn hóa địa phương;
– Ở Mức tốt: Tham gia phát triển chương trình giáo dục nhà trường; hỗ trợ đồng nghiệp trong xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em, phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, lớp và văn hóa địa phương.
Nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em
– Ở Mức đạt: Thực hiện được kế hoạch nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong nhóm, lớp; đảm bảo chế độ sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn và phòng bệnh cho trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non;
– Ở Mức khá: Chủ động, linh hoạt thực hiện đổi mới các hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, đáp ứng các nhu cầu phát triển khác nhau của trẻ em và điều kiện thực tiễn của trường, lớp;
– Ở Mức tốt: Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.
Giáo dục phát triển toàn diện trẻ em
– Ở Mức đạt: Thực hiện được kế hoạch giáo dục trong nhóm, lớp, đảm bảo hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện theo Chương trình giáo dục mầm non;
– Ở Mức khá: Chủ động đổi mới phương pháp giáo dục trẻ em, linh hoạt thực hiện các hoạt động giáo dục và điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu, khả năng khác nhau của trẻ em và điều kiện thực tiễn của trường, lớp;
– Ở Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện và điều chỉnh, đổi mới các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng phát triển toàn diện trẻ em.
Quan sát và đánh giá sự phát triển của trẻ em
– Ở Mức đạt: Sử dụng được phương pháp quan sát và đánh giá trẻ em để kịp thời điều chỉnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em;
– Ở Mức khá: Chủ động, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức, công cụ đánh giá nhằm đánh giá khách quan sự phát triển của trẻ em, từ đó điều chỉnh phù hợp kế hoạch chăm sóc, giáo dục;
– Ở Mức tốt: Chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp về kinh nghiệm vận dụng các phương pháp quan sát, đánh giá sự phát triển của trẻ em. Tham gia hoạt động đánh giá ngoài tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Quản lý nhóm, lớp
– Ở Mức đạt: Thực hiện đúng các yêu cầu về quản lý trẻ em, quản lý cơ sở vật chất và quản lý hồ sơ sổ sách của nhóm, lớp theo quy định;
– Ở Mức khá: Có sáng kiến trong các hoạt động quản lý nhóm, lớp phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường, lớp;
– Ở Mức tốt: Chia sẻ kinh nghiệm hay, hỗ trợ đồng nghiệp trong quản lý nhóm, lớp theo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
4. Tiêu chuẩn xây dựng môi trường trường học:
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
– Ở Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh không bạo lực đối với trẻ em; thực hiện nội quy, quy tắc ứng xử trong nhà trường;
– Ở Mức khá: Chủ động phát hiện, phản ánh kịp thời, đề xuất và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường, chấn chỉnh các hành vi vi phạm nội quy, quy tắc ứng xử trong nhà trường;
– Ở Mức tốt: Chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc tổ chức xây dựng môi trường vật chất và môi trường văn hóa, xã hội đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện đối với trẻ em.
Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường
– Ở Mức đạt: Thực hiện các quy định về quyền trẻ em; các quy định về quyền dân chủ của bản thân, đồng nghiệp và cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em theo quy chế dân chủ trong nhà trường;
– Ở Mức khá: Đề xuất các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em; phát huy quyền dân chủ của bản thân, cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em và đồng nghiệp trong nhà trường; phát hiện, ngăn chặn, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế dân chủ trong nhà trường (nếu có);
– Ở Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp với đồng nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quyền trẻ em; phát huy quyền dân chủ của bản thân, đồng nghiệp và cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ em theo quy chế dân chủ trong nhà trường.
Ngoài ra còn một số tiêu chí khác sẽ được giải thích chi tiết trong Thông tư 26/2018/TT – BGDDT Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
5. Lưu ý để đủ điều kiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non:
Để đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, các giáo viên cần chú ý đến những điểm sau:
– Nâng cao trình độ chuyên môn: Để đảm bảo được chất lượng giảng dạy và nuôi dưỡng trẻ, giáo viên cần có kiến thức chuyên môn vững vàng, cập nhật các kiến thức mới nhất về giáo dục mầm non.
– Phát triển kỹ năng giảng dạy và nuôi dưỡng trẻ: Giáo viên cần có kỹ năng giảng dạy tốt, sáng tạo, thân thiện, năng động, dễ tiếp cận, cùng với đó là kỹ năng nuôi dưỡng trẻ phù hợp với từng độ tuổi của trẻ.
– Tích cực tham gia đào tạo nâng cao trình độ: Để nâng cao trình độ và kỹ năng giảng dạy, giáo viên cần tham gia các khoá đào tạo, hội thảo, các chương trình chuyên môn được tổ chức thường xuyên.
– Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về giáo dục: Giáo viên cần hiểu rõ và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến giáo dục, giữ vững đạo đức, phẩm chất và hành xử tốt trong công tác giảng dạy và nuôi dưỡng trẻ.
– Xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh và cộng đồng: Giáo viên cần có kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh và cộng đồng, tạo sự đồng tình và ủng hộ trong việc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ.