Hiện nay, hiện tượng kết hôn trái pháp luật vẫn diễn ra khá phổ biến. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề chia tài sản sau khi hủy kết hôn trái pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Quy định chia tài sản sau khi hủy kết hôn trái pháp luật:
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật. Cụ thể như sau:
– Khi thực hiện hoạt động hủy việc kết hôn trái quy định của pháp luật, thì hai bên kết hôn sẽ cần phải chấm dứt quan hệ hôn nhân như vợ chồng;
– Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, con cái trong quá trình hủy việc kết hôn trái pháp luật sẽ được giải quyết theo quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, con khi ly hôn;
– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên sẽ được giải quyết căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014.
Đối chiếu theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về vấn đề giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, tuy nhiên không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Cụ thể như sau:
– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, tuy nhiên không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về vấn đề giải quyết quan hệ tài sản, thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Việc giải quyết quan hệ tài sản cần phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người phụ nữ và của người con, người nào thực hiện công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung cũng sẽ được coi là lao động có thu nhập trong gia đình.
Theo Điều 12 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 như trên, thì sau khi có quyết định hủy kết hôn trái pháp luật, quan hệ tài sản và nghĩa vụ, hợp đồng giữa các bên được giải quyết như trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Cụ thể, theo Điều 12 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, nhà nước ta không công nhận quan hệ tài sản của hai bên trong thời kì hôn nhân trái pháp luật như vợ chồng thông thường. Tài sản mỗi bên làm ra sẽ không được tính là tài sản chung hợp nhất và không chia như trong trường hợp ly hôn. Quan hệ tài sản cũng như nghĩa vụ hợp đồng sẽ được ưu tiên giải quyết theo sự thỏa thuận của các bên. Đây là quy định phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, đó là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bạn không thỏa thận được thì quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của hai bên sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan.
Theo đó, khi tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật thì tài sản riêng của mỗi bên vẫn thuộc về người đó nếu chứng minh được đó là tài sản riêng của họ, nếu không chứng minh được thì tài sản đó sẽ được xác định là tài sản chung và được chia theo quy định của pháp luật. Thông thường tài sản riêng bao gồm tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn, tài sản mà mỗi bên được tặng cho riêng hay được thừa kế riêng. Mặt khác, khi chia tài sản chung thì Tòa án phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Quy định về hậu quả pháp lý về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật như trên thể hiện thái độ cứng rắn của Nhà nước ta. Khi hai bên chung sống như vợ chồng cùng tạo ra tài sản và các nghĩa vụ hợp đồng khác nhưng lại không được công nhận là tài sản chung hợp nhất sẽ dẫn đến hậu quả một trong hai bên chịu thiệt thòi rất lớn khi hủy kết hôn trái pháp luật mà đa phần là người phụ nữ khi có quảng thời gian dài ở nhà sinh đẻ và chăm sóc gia đình. Vì vậy, trước khi bước vào một cuộc kết hôn, các bên, đặc biệt là người phụ nữ cần tìm hiểu kỹ về điều kiện hoàn cảnh của mình và người sắp kết hôn cũng như các quy định của pháp luật về vấn đề kết hôn, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
2. Quy định về quan hệ nhân thân sau khi hủy kết hôn trái pháp luật
Cũng căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật hôn nhân gia đình năm 2014, thì khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Theo quy định này, quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ sẽ buộc phải chấm dứt sau khi có quyết định của tòa án và coi như quan hệ hôn nhân đó chưa từng tồn tại. Điều đó có nghĩa là nếu nam, nữ đã kết hôn trái pháp luật và thực hiện các quyền và nghĩa vụ nhân thân như vợ chồng với nhau thì sau khi có quyết định hủy kết hôn trái pháp luật của tòa án thì hai bên phải chấm dứt việc thực hiện quan hệ hôn nhân như vợ chồng.
Về quy định, sau khi có quyết định hủy kết hôn trái pháp luật của Tòa án thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng. Tuy nhiên, trên thực tế những hậu quả pháp lý khác liên quan tới tài sản thì có thể dễ thi hành hơn là quan hệ nhân thân. Hiện tại, không có biện pháp hữu hiệu nào có thể ngăn cấm hai người tiếp tục chung sống với nhau mà chỉ xuất phát từ chính ý thức pháp luật của họ.
3. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật gồm những ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, có quy định cụ thể về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Thứ nhất, về cá nhân, chủ thể có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật là người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn; vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật mà còn có thể là cá nhân khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật. Những chủ thể này theo quy định tại khoản 1Điều 10 và khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì có thể trực tiếp nộp đơn yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật.
Thứ hai, về cơ quan và tổ chức có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật bao gồm:
– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
– Hội liên hiệp phụ nữ.
Trên thực tế, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em khi xảy ra trường hợp kết hôn trái pháp luật, đặt biệt là trong trường hợp tảo hôn hay lừa dối kết hôn để bản đi nước ngoài. Nhà nước ta quy định 03 cơ quan có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kết hôn nói chung và phụ nữ, trẻ em nói riêng nêu trên có quyền yêu cầu tòa án hủy kết hôn trái pháp luật. Theo quy định mới nhất của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tại các Điều 29, Điều 35, Điều 39 và Điều 40 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong các bên đăng ký kết hôn có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.