Hoạt động đầu tư ra nước ngoài được hiểu là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng khoản lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Vậy quy định các trường hợp phải xin phép đầu tư ra nước ngoài như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định các trường hợp phải xin phép đầu tư ra nước ngoài:
Nhà nước ta khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm để khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu các mặt hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao về năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo quy định pháp luật trong Luật Đầu tư năm 2020 thì những nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài đều thuộc các trường hợp phải xin phép đầu tư thông qua việc thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã;
– Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
– Hộ kinh doanh đăng ký theo quy định của pháp luật nước ta;
– Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ những người không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 17
– Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong một số trường hợp, việc tiến hành dự án cần phải có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước. Theo quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư 2020, những trường hợp phải có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước bao gồm có:
– Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với những dự án sau:
+ Dự án đầu tư mà có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
+ Dự án đầu tư mà có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Trừ những dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
+ Dự án đầu tư thuộc vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông mà có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
+ Dự án đầu tư không thuộc các trường hợp trên nhưng có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
Các dự án đầu tư không thuộc những trường hợp trên thì không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Những yêu cầu được đặt ra với các dự án thông thường sẽ đơn giản hơn khi không phải thông qua bước chấp thuận của cơ quan nhà nước nhưng những quyết định đầu tư ra nước ngoài phải tuân theo pháp luật liên quan. Khi đó, Nhà đầu tư sẽ nộp Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm có các tài liệu sau:
– Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
– Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
– Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo các quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư;
– Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết về thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng;
– Văn bản của cơ quan thuế xác nhận về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư
– Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong những ngành, nghề đầu tư nước ngoài có điều kiện, nhà đầu tư phải nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng các điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có);
– Tài liệu xác nhận về địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài đối với các trường hợp được quy định tại Điều 73 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
– Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 74 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
2. Quy định về ngành nghề đầu tư ra nước ngoài:
2.1. Ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện:
Nhà đầu tư được phép đầu tư ra nước ngoài những ngành nghề dưới đây nhưng phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật liên quan. Cụ thể:
– Thứ nhất, lĩnh vực ngân hàng: việc đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối và phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài;
– Thứ hai, lĩnh vực bảo hiểm: Việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối và phải được Bộ Tài chính chấp thuận về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài;
– Thứ ba, lĩnh vực chứng khoán: Việc đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư phải tuân thủ theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài và pháp luật về quản lý ngoại hối, phải được Bộ Tài chính chấp thuận về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài;
– Thứ tư, lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình: những nhà đầu tư là tổ chức đã được cấp phép về hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam và phải được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý bằng văn bản;
– Thứ năm, lĩnh vực kinh doanh bất động sản: Nhà đầu tư là doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp.
2.2. Ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài:
Nhà đầu tư không được đầu tư ra nước ngoài những ngành nghề sau đây:
– Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Luật Đầu tư và các điều ước quốc tế có liên quan như:
+ Kinh doanh các chất ma tuý;
+ Kinh doanh các loại hoá chất, khoáng vật;
+ Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã mà có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế những loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, các động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I mà có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên;
+ Kinh doanh mại dâm;
+ Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
+ Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
+ Kinh doanh pháo nổ;
+ Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
– Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc vào đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
– Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo các quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
3. Các hình thức đầu tư ra nước ngoài:
Các hình thức đầu tư ra nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật đầu tư, cụ thể gồm có các hình thức sau:
– Thành lập tổ chức kinh tế theo các quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
– Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
– Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc thực hiện đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
– Các hình thức đầu tư khác theo đúng quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài gồm có:
– Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 của Luật Đầu tư, các nhà đầu tư nộp thỏa thuận, hợp đồng với những đối tác nước ngoài về việc đầu tư hoặc các tài liệu khác có giá trị tương đương kèm theo tài liệu về tư cách pháp lý của các đối tác nước ngoài;
– Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức là góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia thực hiện quản lý tổ chức kinh tế đó, nhà đầu tư nộp thỏa thuận, hợp đồng hoặc các tài liệu khác xác định việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp kèm theo những tài liệu về tư cách pháp lý của tổ chức kinh tế ở nước ngoài mà nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
– Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức là đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư thực hiện nộp tài liệu xác định hình thức đầu tư đó theo quy định của pháp luật của quốc gia, của vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đầu tư 2020;
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.