Xác định nguồn nguy hiểm cao độ? Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra? Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra?
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà là do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn những khả năng gây ra thiệt hại cho các chủ thể khác. Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật nước ta vẫn buộc các chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải có trách nhiệm bồi thường. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Xác định nguồn nguy hiểm cao độ:
“Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định“.
Hiện nay, để xác định đâu là nguồn nguy hiểm cao độ thì ngoài căn cứ theo quy định tại Điều 601
Hiểu một cách đơn giản thì nguồn nguy hiểm cao độ là những vật mà bản thân hoạt động của chúng đã tồn tại khả năng gây thiệt hại cho các chủ thể khác.
Một số ví dụ về nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm:
– Phương tiện giao thông vận tải cơ giới gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
– Hệ thống tải điện có thể hiểu là gồm lưới điện truyền tải và các nhà máy điện đấu nối vào lưới điện truyền tải.
– Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
– Các chất cháy, chất nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn dễ gây ra cháy nổ.
– Chất nổ với khả năng gây nổ mạnh, nhanh tỏa nhiệt.
– Chất độc được hiểu là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, động vật cũng như đối với môi trường xung quanh.
– Chất phóng xạ theo quy định của pháp luật là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ.
Ta nhận thấy, nguồn nguy hiểm cao độ là những vật chất nhất định do pháp luật quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người, con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối bởi bất kỳ một chủ thể nào.
2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đó là:
– Thứ nhất: Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thiệt hại liên quan đến các loại nguồn nguy hiểm rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chỉ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau:
+ Những sự vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ phải đang trong tình trạng vận hành, hoạt động.
+ Thiệt hại phải do chính sự tác động của bản thân nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm gây ra.
Một điểm cần lưu ý là hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ phải có tính trái pháp luật. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng loại trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật dân sự.
– Thứ hai: Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho “người xung quanh”.
Thiệt hại được coi là điều kiện tiền đề, điều kiện cơ sở để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu không có thiệt hại thì không bao giờ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nguồn nguy hiểm cao độ nó có thể gây thiệt hại cho bất kỳ ai: chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ hoặc những người không có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với chủ sở hữu, họ phải tự chịu mọi rủi ro đối với thiệt hại do tài sản của mình gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ chỉ được đặt ra khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những “người xung quanh”.
– Thứ ba: Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ được áp dụng khi có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. Điều kiện về lỗi không có ý nghĩa đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bởi đây là loại “trách nhiệm pháp lý nâng cao”, thậm chí kể cả khi chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi vẫn phải bồi thường trừ trường hợp do pháp luật quy định.
– Thứ tư: Yếu tố lỗi.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 có nội dung như sau:
Các chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể thấy rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh ngay cả khi không tồn tại yếu tố lỗi của chủ sở hữu hay người có quyền chiếm hữu đối với nguồn nguy hiểm cao độ. Điều này chứng tỏ rằng, hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, điều khiển. Tuy nhiên, lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại trên thực tế do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này.
3. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
Theo Khoản 2, khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có nội dung như sau:
– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
– Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản.
– Trách nhiệm của chủ sở hữu:
Các chủ thể là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ là người có quyền thực hiện các quyền năng đối với tài sản, trong đó chủ sở hữu có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
Khi tài sản mang lại lợi ích, chủ sở hữu được hưởng, thì khi tài sản gây ra thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường là quy định hoàn toàn phù hợp của pháp luật dân sự. Nên việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ xuất phát từ việc chủ sở hữu được hưởng lợi ích mà tài sản mang lại, bất kể trong việc quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu có lỗi hay không có lỗi theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Trách nhiệm của người được giao chiếm hữu, sử dụng:
Các chủ thể là người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể là người được giao thông qua một giao dịch dân sự hoặc có thể thông qua một quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quyết định của người sử dụng lao động. Các chủ thể này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ mà mình được giao chiếm hữu, sử dụng gây ra thiệt hại trên thực tế.
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ.
Các chủ thể là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không thông qua việc được chuyển giao và không thuộc các trường hợp chiếm hữu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại, các chủ thể này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường và cơ sở xác định trách nhiệm của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ luôn xuất phát từ sự vi phạm.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp sau:
– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.