Tiếng ồn ngày nay đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Nhà nước công nhận là một dạng ô nhiễm- ô nhiễm tiếng ồn. Ô nhiễm tiếng ồn phát sinh từ nhiều phương tiện, hoạt động khác nhau trong cuộc sống như tiếng còi xe, tiếng ồn xây dựng, tiếng ồn từ việc hát karaoke,...Việc phát ra những tiếng ồn như vậy thường gây khó chịu cho mọi người xung quanh và gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và đời sống của người dân.
Tiếng ồn ở mức độ nào thì bị cho là ô nhiễm? Quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? Nếu gây ô nhiễm tiếng ồn thì người có hành vi vi phạm tiếng ồn sẽ bị xử phạt ở mức bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn hiện nay được quy định như thế nào?
Hiện nay Quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn được quy định chặt chẽ tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn- QCVN 26:2010/BTNMT được ban hành kèm theo Thông tư số
Thứ nhất, đối với khu vực đặc biệt:
– Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm là 55 dBA;
– Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau là 45 dBA.
Thứ hai, đối với khu vực thông thường:
– Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm là 70 dBA;
– Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau là 55 dBA.
Lưu ý:
Khu vực đặc biệt được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn là những khu vực được xác định là trong hàng rào của các cơ sở y tế, nhà trẻ, trường học, thư viện, đình, chùa, nhà thờ và các khu vực đặc biệt được pháp luật quy định;
Khu vực thông thường được quy định tại Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn là các khu chung cư, khu nhà ở riêng lẻ nằm liền kề nhau hoặc cách biệt với nhau, khu khách sạn, nhà nghỉ và các cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo đó, ở những khu vực tương ứng trên, nếu mức âm lượng tiếng ồn vượt quá mức quy chuẩn cho phép thì sẽ vi phạm quy định về tiếng ồn vì gây ô nhiễm tiếng ồn.
2. Cách xác định tiếng ồn có thực hiện theo quy chuẩn hay không?
Theo quy định tại Mục 3 về phương pháp xác định tiếng ồn được quy định tại QCVN 26:2010/BTNMT. Theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia thì việc đo tiếng ồn được thực hiện bằng Bộ TCVN 7878 Âm học- Mô tả, đo và đánh giá tiếng ồn môi trường. Bộ TCVN này gồm 02 phần như sau:
– Phần 1: TCVN 7878 – 1:2008 (ISO 1996 – 1:2003) là các đại lượng cơ bản và phương pháp đánh giá;
– Phần 2: TCVN 7878 – 2:2010 (ISO 1996 – 2:2003) là xác định mức áp suất âm.
Việc đo tiếng ồn ở từng địa phương, khu vực cụ thể thì phương pháp đo tiếng ồn có thể là các tiêu chuẩn hoặc phương pháp khác do cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ định phương pháp đo.
3. Mức phạt vi phạm khi có hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi gây ra tiếng ồn vượt quá quy chuẩn quốc gia chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính này ngoài việc phạt tiền vi phạm còn áp dụng một số hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục khác. Cụ thể như sau:
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn:
Hiện nay, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành. Cụ thể tại Điều 22 của Nghị định này quy định mức xử phạt với từng mức độ vượt quá quy chuẩn như sau:
– Đối với tiếng ồn vượt quá quy chuẩn về tiếng ồn dưới 02 dBA thì sẽ bị phạt cảnh cáo hành vi đó;
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA;
– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA;
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA;
– Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA;
– Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA;
– Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA;
– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA;
– Phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA;
– Phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.
3.2. Áp dụng hình phạt bổ sung với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn:
Theo quy định tại khoản 11 Điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì với một số hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, vượt quá quy chuẩn tiếng ồn cho phép thì sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung cụ thể như sau:
Thứ nhất, đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở có hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các trường hợp gây ra tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật từ 10 dBA đến 30 dBA;
Thứ hai, đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm tiếng ồn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với các trường hợp gây ra tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật được cho phép từ 30 dBA đến 40 dBA.
3.3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn có gây ra hậu quả:
Thứ nhất, biện pháp khắc phục tiếng ồn đạt quy chuẩn. Các hành vi bị xử phạt vi phạm về gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn thì buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn về mức đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định thời gian thực hiện biện pháp khắc phục được ghi trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, biện pháp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định.
Như vậy, việc quy định về xử phạt vi phạm tiếng ồn được đặt ra rất chặt chẽ. Tuy nhiên việc thực hiện, giải quyết hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn lại chưa triệt để. Mức xử phạt vi phạm tiếng ồn rất cao, được quy định lên đến 160 triệu đồng nhưng vẫn nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh nhởn nhơ, thờ ơ trước pháp luật và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, pháp luật cần quy định và xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các hành vi vi phạm gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn cho phép.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 07 tháng 7 năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
– Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 16 tháng 12 năm 2010 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và rung động biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.