Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng 2008 quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng;...
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 04/2008/QĐ-BXD NGÀY 03 THÁNG 4 NĂM 2008
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn tại
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng :
“QCVN : 01/2008/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng”. Quy chuẩn này thay thế phần II (về quy hoạch xây dựng )- Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam tập 1 – 1997.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 03/4/2008 và áp dụng trong phạm vi cả nước.
Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG Nguyễn Hồng Quân |
QCXDVN 01: 2008/BXD
QUY CHUẨN XÂY DỰNG VIỆT NAM
QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Vietnam Building Code.
Regional and Urban Planning and Rural Residental Planning
Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01: 2008/BXD do Viện Quy hoạch đô thị – nông thôn biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ trình duyệt, Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3 tháng 4 năm 2008. Quy chuẩn này được soát xét và thay thế phần II, tập I, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
MỤC LỤC
CHƯƠNG I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
1.1 Phạm vi áp dụng
1.2 Giải thích từ ngữ
1.3 Khu vực bảo vệ công trình và khoảng cách ly vệ sinh, an toàn
1.4 Yêu cầu đối với công tác quy hoạch xây dựng
CHƯƠNG II. QUY HOẠCH KHÔNG GIAN
2.1 Quy hoạch không gian vùng
2.2 Tổ chức không gian trong quy hoạch chung xây dựng đô thị
2.3 Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị
2.4 Quy hoạch các đơn vị ở
2.5 Quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị
2.6 Quy hoạch cây xanh đô thị
2.7 Quy hoạch khu công nghiệp và kho tàng
2.8 Thiết kế đô thị
2.9 Quy hoạch không gian ngầm
2.10 Quy hoạch cải tạo các khu vực cũ trong đô thị
2.11 Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn
CHƯƠNG III. QUY HOẠCH CHUẨN BỊ KỸ THUẬT
3.1 Các quy định chung đối với quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật
3.2 Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật vùng
3.3 Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật đô thị
3.4 Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật điểm dân cư nông thôn
CHƯƠNG IV. QUY HOẠCH GIAO THÔNG
4.1 Các quy định chung về quy hoạch giao thông
4.2 Quy hoạch giao thông vùng
4.3 Quy hoạch giao thông đô thị
4.4 Quy hoạch giao thông điểm dân cư nông thôn
CHƯƠNG V. QUY HOẠCH CẤP NƯỚC
5.1 Khu vực bảo vệ công trình cấp nước
5.2 Quy hoạch cấp nước vùng
5.3 Quy hoạch cấp nước đô thị
5.4 Quy hoạch cấp nước điểm dân cư nông thôn
CHƯƠNG VI. QUY HOẠCH THOÁT NƯỚC THẢI, QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÀ NGHĨA TRANG
6.1 Các quy định chung
6.2 Quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang vùng
6.3 Quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang đô thị
6.4 Quy hoạch thoát nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang điểm dân cư nông thôn
CHƯƠNG VII. QUY HOẠCH CẤP ĐIỆN
7.1 Các yêu cầu đối với qui hoạch cấp điện
7.2 Quy hoạch cấp điện vùng
7.3 Quy hoạch cấp điện đô thị
7.4 Quy hoạch cấp điện điểm dân cư nông thôn
Luật sư
PHỤ LỤC
Chương 1:
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi áp dụng
Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng; là cơ sở pháp lý để quản lý việc ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và các quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch tại địa phương.
1.2. Giải thích từ ngữ
1) Quy hoạch xây dựng: là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ đó, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
2) Đô thị: là điểm dân cư tập trung, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của một vùng lãnh thổ, có cơ sở hạ tầng đô thị thích hợp và có quy mô dân số thành thị tối thiểu là 4.000 người (đối với miền núi tối thiểu là 2.800 người) với tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu là 65%. Đô thị gồm các loại: thành phố, thị xã và thị trấn. Đô thị bao gồm các khu chức năng đô thị.
3) Khu đô thị: là khu vực xây dựng một hay nhiều khu chức năng của đô thị, được giới hạn bởi các ranh giới tự nhiên, ranh giới nhân tạo hoặc các đường chính đô thị. Khu đô thị bao gồm: các đơn vị ở; các công trình dịch vụ cho bản thân khu đô thị đó; có thể có các công trình dịch vụ chung của toàn đô thị hoặc cấp vùng.
4) Đơn vị ở: là khu chức năng bao gồm các nhóm nhà ở; các công trình dịch vụ cấp đơn vị ở như trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; trạm y tế, chợ, trung tâm thể dục thể thao (TDTT), điểm sinh hoạt văn hóa và các trung tâm dịch vụ cấp đơn vị ở khác phục vụ cho nhu cầu thường xuyên của cộng đồng dân cư trong đơn vị ở…; vườn hoa, sân chơi trong đơn vị ở; đất đường giao thông nội bộ (bao gồm đường từ cấp phân khu vực đến đường nhóm nhà ở) và bãi đỗ xe phục vụ trong đơn vị ở… Các công trình dịch vụ cấp đơn vị ở (cấp I) và vườn hoa sân chơi trong đơn vị ở có bán kính phục vụ ≤500m. Quy mô dân số tối đa của đơn vị ở là 20.000 người, quy mô dân số tối thiểu của đơn vị ở là 4.000 người (đối với các đô thị miền núi là 2.800 người). Đường giao thông chính đô thị không được chia cắt đơn vị ở. Tùy theo quy mô và nhu cầu quản lý để bố trí trung tâm hành chính cấp phường. Đất trung tâm hành chính cấp phường được tính vào đất đơn vị ở. Tùy theo giải pháp quy hoạch, trong các đơn vị ở có thể bố trí đan xen một số công trình ngoài các khu chức năng thành phần của đơn vị ở nêu trên, nhưng đất xây dựng các công trình này không thuộc đất đơn vị ở.
5) Nhóm nhà ở: được giới hạn bởi các đường cấp phân khu vực trở lên (xem bảng 4.4).
– Nhóm nhà ở chung cư bao gồm: diện tích chiếm đất của bản thân các khối nhà chung cư, diện tích sân đường và sân chơi nội bộ nhóm nhà ở, bãi đỗ xe nội bộ và sân vườn trong nhóm nhà ở.
– Nhóm nhà ở liên kế, nhà ở riêng lẻ bao gồm: diện tích các lô đất xây dựng nhà ở của các hộ gia đình (đất ở), diện tích đường nhóm nhà ở (đường giao thông chung dẫn đến các lô đất của các hộ gia đình), diện tích vườn hoa, sân chơi nội bộ nhóm nhà ở.
– Trong các sân chơi nội bộ được phép bố trí các công trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng với quy mô phù hợp với nhu cầu của cộng đồng trong phạm vi phục vụ.
6) Đất ở: là diện tích chiếm đất của các công trình nhà ở chung cư (trong lô đất dành cho xây dựng nhà chung cư) hoặc là diện tích trong khuôn viên các lô đất ở dạng liên kế và nhà ở riêng lẻ (bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình nhà ở liên kế và nhà ở riêng lẻ và sân vườn, đường dẫn riêng vào nhà ở liên kế hoặc nhà ở riêng lẻ đó, không bao gồm đường giao thông chung).
7) Đất xây dựng đô thị: là đất xây dựng các khu chức năng đô thị (bao gồm cả các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị). Đất dự phòng phát triển, đất nông lâm nghiệp trong đô thị và các loại đất không phục vụ cho hoạt động của các chức năng đô thị không phải là đất xây dựng đô thị.
8) Đất đô thị:
– Đất đô thị là đất nội thành phố, đất nội thị xã và đất thị trấn.
– Đất ngoại thành, ngoại thị đã có quy hoạch và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để phát triển đô thị được quản lý như đất đô thị.
9) Khu ở: là một khu vực xây dựng đô thị có chức năng chính là phục vụ nhu cầu ở và sinh hoạt hàng ngày của người dân đô thị, không phân biệt quy mô.
10) Cấu trúc chiến lược phát triển đô thị: là cấu trúc tổ chức không gian đô thị nhằm thực hiện chiến lược phát triển đô thị. Cấu trúc không gian là dạng vật thể hóa của các mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành trong đô thị.
11) Hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm:
– Hệ thống giao thông;
– Hệ thống cung cấp năng lượng;
– Hệ thống chiếu sáng công cộng;
– Hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước;
– Hệ thống quản lý các chất thải, vệ sinh môi trường;
– Hệ thống nghĩa trang;
– Các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
12) Hạ tầng xã hội đô thị gồm:
– Các công trình nhà ở;
– Các công trình công cộng, dịch vụ: y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại và các công trình dịch vụ đô thị khác;
– Các công trình quảng trường, công viên, cây xanh, mặt nước;
– Các công trình cơ quan hành chính đô thị;
– Các công trình hạ tầng xã hội khác.
13) Công trình (hoặc đất sử dụng) hỗn hợp: là công trình (hoặc quỹ đất) sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau (ví dụ: ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, và/hoặc kết hợp sản xuất…).
14) Mật độ xây dựng:
a) Mật độ xây dựng thuần (net-tô) là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc xây dựng trên tổng diện tích lô đất (không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình như: các tiểu cảnh trang trí, bể bơi, sân thể thao ngòai trời (trừ sân ten-nit và sân thể thao được xây dựng cố định và chiếm khối tích không gian trên mặt đất), bể cảnh…).
b) Mật độ xây dựng gộp (brut-tô) của một khu vực đô thị là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc trên tổng diện tích toàn khu đất (diện tích toàn khu đất bao gồm cả sân đường, các khu cây xanh, không gian mở và các khu vực không xây dựng công trình trong khu đất đó).
15) Chỉ giới đường đỏ: là đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình kỹ thuật hạ tầng.
16) Chỉ giới xây dựng: là đường giới hạn cho phép xây dựng nhà, công trình trên lô đất.
17) Chỉ giới xây dựng ngầm: là đường giới hạn cho phép xây dựng nhà, công trình ngầm dưới đất (không bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm).
18) Khoảng lùi: là khoảng cách giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng.
19) Cốt xây dựng khống chế: là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được lựa chọn phù hợp với quy chuẩn về quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật.
20) Khoảng cách an toàn về môi trường (ATVMT): là khoảng cách an tòan để bảo vệ nguồn nước, từ nguồn phát thải (trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải, hồ sinh học, khu liên hợp xử lý chất thải rắn, bãi chôn lấp chất thải rắn, nghĩa trang, lò hỏa táng, công trình sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp…) đến các công trình hạ tầng xã hội.
21) Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện: là khoảng không gian lưu không về chiều rộng, chiều dài và chiều cao chạy dọc theo công trình đường dây tải điện hoặc bao quanh trạm điện.