Điều kiện thành lập tổ chức tín dụng? Trình tự thủ tục thành lập tổ chức tín dụng? Thẩm quyền thành lập Tổ chức tín dụng?
Hiện nay có rất nhiều các tổ chức tín dụng khác nhau được thành lập với mục đích mang lại lợi nhuận về các mặt như kinh tế, chính trị, xã hội cho cá nhân và doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng sẽ cung cấp các dịch vụ liên quan đến vấn đề thanh toán và huy động vốn đầy đủ và kịp thời với một chi phí bỏ ra rất thấp và không quá lớn. Như vậy, điều kiện thành lập tổ chức tín dụng là gì? Thủ tục thành lập tổ chức này ra sao? Cơ quan tổ chức nào có thẩm quyền thành lập tổ chức tín dụng.
Tổng đài Luật sư
Cơ sở pháp lý:
–
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì Tổ chức tín dụng được biết đến là việc một doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
1. Điều kiện thành lập tổ chức tín dụng
Theo quy định Tại khoản 1 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì Điều kiện để thành lập tổ chức tín dụng bao gồm:
– Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Chi tiết về mức vốn pháp định của từng loại hình tổ chức tín dụng được quy định tại danh mục đính kèm Nghị định 86/2019/NĐ-CP.
– Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn. Điều kiện của cổ đông sáng lập là cá nhân được quy định tại điều 9 Thông tư 40/2011/TT-NHNN. Đồng thời tổ chức tín dụng phải có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức.
Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;
– Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 Luật các tổ chức tín dụng 2010;
– Có Điều lệ phù hợp với quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan về doanh nghiệp
– Có Đề án thành lập và phương án kinh doanh khả thi, và các đề án này không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp tổ chức tín dụng liên doanh hoặc tổ chức tín dụng có 100% vốn nước ngoài thì bên cạnh các điều kiện trên còn phải đáp ứng những điều kiện sau:
– Tổ chức tín dụng nước ngoài được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;
– Hoạt động dự kiến xin phép thực hiện tại Việt Nam phải là những hoạt động mà tổ chức tín dụng nước ngoài đó đang được phép thực hiện tại nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính;
– Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có hoạt động lành mạnh và đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản và phải tình hình tài chính, các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
– Tổ chức tín dụng nước ngoài phải có văn bản cam kết về việc hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, điều hành và các hoạt động cho tổ chức tín dụng liên doanh hoặc tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài; bảo đảm các tổ chức này duy trì giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn của
– Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sau khi đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước về thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, thực hiện việc trao đổi thông tin giám sát an toàn ngân hàng và có văn bản cam kết giám sát hợp nhất theo thông lệ quốc tế đối với hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài.
Do đặc thù của ngành tài chính – ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn tới nên kinh tế và các ngành khác trong nền kinh tế nên điều kiện hoạt động đối với các tổ chức trong ngành này được pháp luật quy định rất chặt chẽ.
2. Trình tự thủ tục thành lập tổ chức tín dụng
Theo quy định tại Chương II Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định về trình tự một tổ chức tín dụng được đưa vào hoạt động như sau:
Bước 1. Cấp giấy phép thành lập và hoạt động các tổ chức tín dụng
– Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gửi cho ngân hàng nhà nước.
– Ngân hàng kiểm tra, kiểm soát hết sức chặt chẽ để xem xét có đủ điều kiện để cáp giấy phép không.
– Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ thì Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp Giấy phép hoặc từ chối cấp Giấy phép cho tổ chức đề nghị cấp phép. Đối với văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì thời gian này là 60 ngày.
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện được cấp Giấy phép phải nộp lệ phí cấp Giấy phép tại Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép.
Bước 2. Đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động (Điều 24 Luật các tổ chức tín dụng 2010)
Sau khi được cấp Giấy phép, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
Bước 3. Công bố thông tin hoạt động ( Điều 25 Luật các tổ chức tín dụng 2010)
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải công bố trên phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước và trên một tờ báo viết hằng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử của Việt Nam ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động các thông tin sau đây:
+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;
+ Số, ngày cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và các hoạt động kinh doanh được phép thực hiện;
+ Vốn điều lệ hoặc vốn được cấp;
+ Người đại diện theo quy định của pháp luật của tổ chức tín dụng, Tổng giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài và các tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;
+ Danh sách, tỷ lệ góp vốn tương ứng của cổ đông sáng lập hoặc thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của tổ chức tín dụng;
+ Ngày dự kiến khai trương hoạt động.
– Công bố thông tin ít nhất 30 ngày trước ngày hoạt động.
Bước 4. Khai trương hoạt động.( Điều 26 Luật các tổ chức tín dụng 2010)
-Các tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi muốn được tiến hành hoạt động thì phải thực hiện khai trương thì tổ chức mới được hoạt động sau ngày khai trương hoạt động. Để khai trương hoạt động, thì tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Đã đăng ký Điều lệ tại Ngân hàng Nhà nước;
+ Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có đủ vốn điều lệ và vốn được cấp hoặc khi có kho tiền đáp ứng các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đặc biệt phải có trụ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn tài sản và phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;
+ Có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với loại hình hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, quy mô hoạt động;
+ Có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ tại trụ sở chính; quy chế nội bộ về quản lý rủi ro; quy chế về quản lý mạng lưới;
+ Vốn điều lệ hoặc vốn được cấp bằng đồng Việt Nam phải được gửi đầy đủ vào tài khoản phong tỏa và không được hưởng lãi mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn ít nhất 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động. Vốn điều lệ và vốn được cấp được giải tỏa khi tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khai trương hoạt động;
+ Đã công bố thông tin hoạt động theo quy định tại Điều 25 của Luật các tổ chức tín dụng.
+ Các tổ chức tín dụng phải tiến hành khai trương hoạt động trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép; quá thời hạn này mà không khai trương hoạt động thì Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép. Trước ngày dự kiến khai trương hoạt động ít nhất 15 ngày, các tổ chức tín dụng phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước về các điều kiện khai trương hoạt động. Ngân hàng Nhà nước đình chỉ việc khai trương hoạt động khi không đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 26.
– Khai trương hoạt động trong 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép, sẽ bị thu hồi nếu không làm hoạt động này.
3. Thẩm quyền thành lập Tổ chức tín dụng:
Khi doanh nghiệp muốn thành lập tổ chức tín dụng thì cần được sự cho phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Bởi vì theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì Thẩm quyền cấp giấy phép thành lập tổ chức là do Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp.
“Điều 18. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép
Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép theo quy định của Luật này.”
Như vậy, Khi Doanh nghiệp muốn thành lập tổ chức tín dụng thì cần nộp hồ sơ theo đúng trình tự quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 đến Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ngoài ra để được cấp Giấy phép hoạt động tổ chức tín dụng thì Doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định theo pháp luật hiện hành như: có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định, có Điều lệ phù hợp với quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan về doanh nghiệp,…