Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể là một trong những loại giấy tờ cần thiết trong đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ. Dưới đây là mẫu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể theo pháp luật hiện hành có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể theo pháp luật hiện hành:
Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, để có thể thực hiện thủ tục đăng ký văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể, ngoài các loại giấy tờ và tài liệu thông thường cần phải nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể bắt buộc phải có quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Có thể tham khảo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể như sau:
… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập -Tự do – Hạnh phúc |
Số: … | …, ngày … tháng … năm … |
QUY CHẾ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ …
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022;
Căn cứ …
CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy chế này quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể … cho sản phẩm … của …
Điều 2. Đối tượng áp dụng, quy chế này sẽ được áp dụng đối với …
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
Nhãn hiệu tập thể được đề cập trong quy chế là nhãn hiệu tập thể … cho sản phẩm …
Điều 4. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể
Tên chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể: …
Địa chỉ của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể: …
Điều 5. Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể …
CHƯƠNG II: ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÍ NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 6. Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể
– … là tổ chức duy nhất được quyền đại diện cho các thành viên đứng ra thực hiện các thủ tục sau: Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể, sửa đổi hoặc bổ sung và gia hạn văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể.
Điều 7. Phương thức sở hữu và quản lý nhãn hiệu tập thể.
– … là phương thức duy nhất được đại diện cho các thành viên thực hiện quyền sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể …;
– … thống nhất quản lý việc sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể. Các thành viên chỉ có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định tại quy chế này.
Điều 8. Quyền hạn của cơ quan quản lý nhãn hiệu tập thể
1. Ban hành các văn bản quản lý phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng và khai thác nhãn hiệu tập thể;
2. Lập quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức xây dựng và phát triển vùng sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu tập thể;
3. Xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, kế hoạch hoạt động hằng năm để quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể;
4. Tổ chức triển khai các hoạt động cấp quyền, thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể;
5. Thu phí sử dụng nhãn hiệu tập thể của thành viên và sử dụng phí đó vào mục đích chung.
Điều 9. Nội dung quản lý và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể
Ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, ban chấp hành của … cần phải có trách nhiệm thực hiện hoạt động quản lý và giám sát như sau:
– Quản lý, giám sát các hoạt động quanh vùng sản xuất của các nhóm sản xuất;
– Quản lý và giám sát các hoạt động thực hành sản xuất sản phẩm theo quy trình kỹ thuật đã được ban hành;
– Quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể;
– Thực hiện theo đúng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã được công bố;
– Quản lý và giám sát việc sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG III: ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THÀNH VIÊN ĐƯỢC SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 10. Điều kiện được sử dụng nhãn hiệu tập thể
Để được sử dụng nhãn hiệu tập thể, phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là thành viên của …
2. Tuân thủ quy định về sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm do … ban hành.
3. Có đơn đề nghị được sử dụng nhãn hiệu tập thể …
Điều 11. Quyền của thành viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể
1. Được quyền sử dụng nhãn hiệu tập tập thể trong các hoạt động thương mại.
2. Được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
3. Được quyền cung cấp các tài liệu về quản lý, sản xuất, thương mại và các tài liệu khác liên quan đến việc phát triển sản xuất …
4. Được hưởng các lợi ích từ hoạt động đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của … mang lại.
5. Được quyền giám sát các hoạt động quản lý, khai thác sử dụng nhãn hiệu của Ban chấp hành tổ chức … và các hoạt động sử dụng nhãn hiệu của các thành viên khác.
6. Được quyền tham gia, đề xuất các ý kiến liên quan đến việc quản lý, sử dụng, khai thác nhãn hiệu tập thể.
Điều 12. Nghĩa vụ của thành viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể
1. Tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất trong các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm.
2. Duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm được gắn nhãn hiệu tập thể theo đúng Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã được … công bố.
3. Sử dụng tem, nhãn, bao bì cho đúng sản phẩm được gắn nhãn.
CHƯƠNG IV: XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ TỐ CÁO LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 13. Hành vi vi phạm quy chế
Mọi hoạt động khai thác, sử dụng nhãn hiệu tập thể sau đây được xác định là hành vi vi phạm Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể.
1. Sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm không đáp ứng Tiêu chuẩn chất lượng đã được … công bố.
2. Sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm không tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy chế kiểm soát chất lượng đã được … ban hành.
3. Sử dụng tem, nhãn, bao bì không đúng với sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
4. Sử dụng không đúng tem, nhãn, bao bì cho sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
5. Tự ý chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, tự ý chuyển giao tem, nhãn, bao bì sản phẩm cho người khác sử dụng.
6. Thành viên của … là chủ cơ sở sản xuất bị giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu.
7. Không nộp lệ phí sử dụng nhãn hiệu theo quy định.
8. Thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng xấu làm tổn hại đến uy tín, danh tiếng của …, của thành viên khác cũng như Nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ.
Điều 14. Hình thức xử lý
Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau:
1. Cảnh cáo.
2. Thu hồi tem, nhãn, bao bì sản phẩm đã sử dụng sai mục đích.
3. Đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể có thời hạn.
4. Thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Điều 15. Nguyên tắc và thẩm quyền xử lý
1. Mọi hành vi vi phạm Quy chế phải được xử lý kịp thời, công khai, bình đẳng và theo đúng Quy chế và phải được thông báo kết quả xử lý tới toàn thể thành viên của …
2. Ngoài việc xử lý vi phạm theo Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quy chế
Điều 16. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có tranh chấp, bất đồng hoặc phát hiện có hành vi vi phạm các thành viên có thể khiếu nại, tố cáo với Ban Kiểm soát tổ chức hoặc Ban chấp hành … để xem xét, giải quyết.
2. Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể phải được xem xét, giải quyết trên cơ sở Quy chế của … và pháp luật hiện hành có liên quan của Nhà nước.
3. Trường hợp vụ việc phức tạp, nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết, … sẽ có văn bản đề nghị hoặc văn bản chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung quy chế
1. Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu phát sinh vướng mắc, thành viên hoặc các bộ phận trực thuộc … cần tổng hợp trình ban chấp hành Hiệp hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Mọi sửa đổi, bổ sung quy chế này phải được … lập thành văn bản và được ít nhất … số thành viên biểu quyết thông qua tại …
TM. BAN CHẤP HÀNH
Chủ tịch
(Ký tên và đóng dấu)
2. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu nào?
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể sẽ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập, căn cứ hoạt động của tổ chức tập thể được xác định là chủ sở hữu nhãn hiệu;
– Các tiêu chuẩn để có thể trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
– Quyền và nghĩa vụ của thành viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Giải quyết khiếu nại và tố cáo liên quan đến hoạt động khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Danh sách các tổ chức và cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể;
– Tóm tắt những thông tin cơ bản về nhãn hiệu tập thể, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể;
– Cơ chế cấp phép, kiểm tra và kiểm soát quá trình sử dụng nhãn hiệu tập thể, đảm bảo chất lượng và uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể;
– Cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình sử dụng nhãn hiệu tập thể.
3. Hồ sơ đăng kí bảo hộ nhãn hiệu tập thể bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 100 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Theo đó, thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản sau đây:
– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu tập thể theo mẫu do pháp luật quy định;
– Tài liệu, giấy tờ, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ được quy định cụ thể từ Điều 102 đến Điều 106 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022;
– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể theo pháp luật hiện hành;
–
– Các tài liệu và giấy tờ chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
– Các tài liệu và giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên, nếu người có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên;
– Chứng từ và giấy tờ, tài liệu chứng minh đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ về tài chính, chứng từ nộp phí và lệ phí tại cơ quan có thẩm quyền.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.