Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo tín chỉ được quy định cụ thể tại Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ chính quy?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT quy định hình thức đào tạo chính quy thể hiện ở việc các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo.
Đối với hình thức đào tạo chính quy, thời gian thực hiện giảng dạy sẽ tính từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần (từ thứ hai đến thức bảy).
Với nhưng hoạt động đặc thù còn lại của chương trình đào tạo sẽ được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.
2. Quy định về chương trình đào tạo và thời gian học tập:
– Hình thức chương trình đào tạo: theo tín chỉ hoặc học phần, gồm các học phần bắt buộc và phải đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn chương trình đạo tạo trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức đào tạo theo tín chỉ chính là phương thức đào tạo theo từng lớp học phần, trong đó sinh viên sẽ tích lũy tín chỉ đối với từng học phần, thực hiện các chương trình đào tạo trên cơ sở kế hoạch học tập của cá nhân, đảm bảo phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo.
– Chương trình đào tạo phải thể hiện rõ khối lượng học tập chung và riêng theo từng ngành nếu như đào tạo song ngành hoặc ngành chính – ngành phụ.
– Với những hình thức hay các phương thức tổ chức đào tạo, đối tượng người học khác nhau thì nội dung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo sẽ áp dụng chung.
– Trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học, chương trình đào tạo phải đảm bảo được công khai. Nếu như chương trình đào tạo có sự điều chỉnh, thay đổi thì phải được thực hiện theo quy định chung và được công bố công khai trước khi áp dụng để sinh viên nắm bắt được.
– Về mặt thời gian học tập đối với hình thức chính quy: đảm bảo phù hợp với thời gian được quy định tại khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Bên cạnh đó thời gian để sinh viên hoàn thành các khóa học sẽ theo quy chế của mỗi cơ sở đào tạo, tuy nhiên phải đảm bảo số lần không được vượt quá 02 lần thời thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.
3. Kế hoạch giảng dạy và học tập tại cơ sở đào tạo hệ chính quy theo tín chỉ:
– Kế hoạch giảng dạy và học tập sẽ thể hiện chi tiết việc tổ chức dạy các chương trình đạo tạo theo học kỳ, theo năm, đảm bảo phải phù hợp với các hình thức đào tạo và phương thức tổ chức đào tạo. Kế hoạch giảng dạy và học tập sẽ xét theo năm và theo kỳ học, cụ thể:
+ Kế hoạch năm học sẽ thể hiện các mốc thời gian trong hoạt động đào tạo trong năm học. Trước khi bắt đầu năm học thì kế hoạch năm học phải được công bố kịp thời tới các bên liên quan.
+ Kế hoạch học kỳ: có kế hoạch mở lớp hay các hình thức dạy và học trực tuyến hoặc trực tiếp.
Đối với các lịch học, lịch thi của các học phần được tổ chức trong học kỳ cho các khoá học, chương trình đào tạo và hình thức đào tạo.
Các cơ sở đào tạo sẽ phải xây dựng và công bố kịp thời kế hoạch học kỳ, đảm bảo có những thông tin cần thiết để cho sinh viên học tập nắm bắt được và xây dựng kế hoạch học tập và đăng ký học tập.
– Thời khóa biểu của các lớp học phần bình thường được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Nội dung của thời khóa biểu sẽ thể hiện đầy đủ nội dung gồm thời gian, địa điểm, hoạt động dạy và học của từng lớp thuộc các khoá học, hình thức và chương trình đào tạo.
– Thời gian học tập: không được vượt quá 15 giờ/tuần và 4 giờ/ngày.
– Việc tổ chức giảng dạy và học tập phải đảm bảo được các yêu cầu sau đây:
+ Đảm bảo phát huy được vai trò chủ động đồng thời đề cao trách nhiệm của sinh viên, tạo điều kiện và động lực để sinh viên nỗ lực học tập.
+ Giữ vững kỷ cương học đường, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
+ Đảm bảo phát huy được năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, phù hợp với quy định về chế độ làm việc của giảng viên.
+ Dựa trên thu thập, đánh giá ý kiến phản hồi của người học phải có cơ chế thanh tra, giám sát nội bộ và có hệ thống để nhằm cải tiến chất lượng.
– Đối với hình thức dạy và học trực tuyến:
+ Đảm bảo được quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng.
+ Phải có những giải pháp để nhằm đảm bảo chất lượng và minh chứng về chất lượng tổ chức lớp học phương thức trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học phương thức trực tiếp.
+ Với phương thức đào tạo theo hình thức chính quy: tổ chức giảng dạy và học tập trực tuyến tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo. Ngoài ra, nếu như rơi vào các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Quy định về đánh giá và tính điểm cho sinh viên:
– Sinh viên được đánh giá qua tối thiểu hai điểm thành phần đối với mỗi học phần.
– Trường hợp với các học phần có khối lượng nhỏ hơn 02 tín chỉ có thể chỉ có một điểm đánh giá.
– Thang điểm đánh giá các điểm thành phần là 10.
– Phương pháp đánh giá, hình thức đánh giá và trọng số của mỗi điểm thành phần: tuân thủ theo quy định tại đề cương chi tiết của mỗi học phần.
– Với trường hợp giảng dạy trực tuyến: việc đánh giá và tính điểm học phần phải tuân thủ đảm bảo tính trung thực, khách quan và công bằng như phải đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần.
– Với trường hợp tổ chức bảo vệ và đánh giá đồ án, khóa luận được thực hiện trực tuyến với trọng số cao hơn khi đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:
+ Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến phải được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học.
+ Thực hiện đánh giá: thông qua hội đồng chuyên môn bao gồm ít nhất là 3 thành viên.
+ Thực hiện ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến.
– Trong buổi thi hay buổi đánh giá, sinh viên không có mặt và không có lý do chính đáng thì sẽ được điểm 0.
Trường hợp sinh viên vắng mặt và có lý do chính đáng thì sẽ được sắp xếp dự thi, đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.
– Tính điểm học phần: các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng sẽ tổng các điểm học phần. Điểm sẽ được làm tròn đến một chữ số thập phân và xếp loại điểm chữ như sau:
+ Điểm A: số điểm từ 8,5 đến 10,0.
+ Điểm B: số điểm từ 7,0 đến 8,4.
+ Điểm C: số điểm từ 5,5 đến 6,9.
+ Điểm D: số điểm từ 4,0 đến 5,4.
(áp dụng với loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập).
+ Điểm B: số điểm từ 5,0 trở lên.
(áp dụng với loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập).
+ Điểm F: số điểm dưới 4,0.
(áp dụng loại không đạt).
Ngoài ra có một số trường hợp sử dụng điểm chữ xếp loại sẽ không được tính vào điểm trung bình học tập như điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra (điểm I); điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu (điểm X); điểm học phần được miễn học và công nhận tín chỉ (điểm R).
– Với những sinh viên có điểm học phần không đạt phải đăng ký học lại. Và sinh viên đã có điểm học phần đạt được đăng ký học lại để cải thiện điểm theo quy định của cơ sở đào tạo. Lưu ý khi cho phép thi lại, đánh giá lại một điểm thành phần để cải thiện điểm học phần từ không đạt thành đạt; trong trường hợp này, điểm học phần sau khi thi lại, đánh giá lại chỉ được giới hạn ở mức điểm D hoặc điểm C.
– Khi đánh giá và tính điểm học phần phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan và trung thực; đánh giá và tính điểm phải công bằng với mọi sinh viên trong các lớp, các khóa học cũng như các hình thức đào tạo.
(căn cứ Điều 9 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tại trình độ đại học).
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tại trình độ đại học.