Quản lý thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật để việc thi công xây dựng công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thiết kế và mục tiêu đề ra.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quản lý thi công là gì?
- 2 2. Nội dung quản lý thi công xây dựng:
- 3 3. Quy định của pháp luật về quản lý thi công xây dựng:
- 3.1 3.1. Quy định về trình tự quản lý thi công xây dựng công trình:
- 3.2 3.2. Quy định về quản lý khối lượng thi công xây dựng:
- 3.3 3.3. Quy định về quản lý tiến độ thi công công trình xây dựng:
- 3.4 3.4. Quy định về quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng:
- 3.5 3.5. Quy định về quản lý đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng:
1. Quản lý thi công là gì?
Để hiểu rõ khái niệm quản lý thi công là gì thì ta căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Theo quy định này ta xác định được quản lý thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật để việc thi công xây dựng công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thiết kế và mục tiêu đề ra.
2. Nội dung quản lý thi công xây dựng:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì ta xác định được quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm các nội dung chính như là;
Một là, quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình;
Hai là, quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình;
Ba là, quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng;
Bốn là, quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình;
Năm là, quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình;
Sáu là, quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng.
3. Quy định của pháp luật về quản lý thi công xây dựng:
3.1. Quy định về trình tự quản lý thi công xây dựng công trình:
Trình tự quản lý thi công xây dựng công trình được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Tiếp nhận mặt bằng thi công xây dựng; thực hiện việc quản lý công trường xây dựng.
Bước 2: Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
Bước 3: Quản lý thi công xây dựng công trình của nhà thầu.
Bước 4: Giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư, kiểm tra và nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Bước 5: Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Bước 6: Thí nghiệm đối chứng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình và kiểm định xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Bước 7: Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng
Bước 8: Nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.
Bước 9: Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Bước 10: Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình.
Bước 11: Hoàn trả mặt bằng.
Bước 12: Bàn giao công trình xây dựng.
3.2. Quy định về quản lý khối lượng thi công xây dựng:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khối lượng thi công xây dựng công trình là cơ sở để phân tích, tính toán ra số lượng vật tư, nhân công sử dụng trong quá trình xây dựng công trình, từ đó, tính toán ước lượng ra được chi phí và vật tư cần chuẩn bị, tránh được sự lãng phí hoặc thiếu vật tư. Theo đó, việc quản lý khối lượng thi công xây dựng được thực hiện như sau:
Thứ nhất, việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo hồ sơ thiết kế được duyệt.Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.
Thứ hai, xử lý khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng đã duyệt
3.3. Quy định về quản lý tiến độ thi công công trình xây dựng:
Quản lý tiến độ thi công xây dựng là quản lý việc thực hiện các hạng mục để hoàn thành công trình xây dựng. Theo đó việc quản lý tiến độ thi công xây dựng được xác định như sau:
Thứ nhất, về thời điểm lập tiến độ thi công xây dựng công trình thì công trình xây dựng trước khi triển khai thi công phải được nhà thầu lập tiến độ thi công xây dựng phù hợp với thời gian thực hiện hợp đồng và tiến độ tổng thể của dự án, được chủ đầu tư chấp thuận.
Thứ hai, chủ đầu tư, bộ phận giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
3.4. Quy định về quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng:
Việc quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng được xác định như sau:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng và cung cấp cho bên giao thầu các chứng chỉ, chứng nhận, các thông tin, tài liệu có liên quan tới sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Thứ hai, kiểm tra chất lượng, số lượng, chủng loại của sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng theo yêu cầu của hợp đồng trước khi bàn giao cho bên giao thầu;
Thứ ba, thông báo cho bên giao thầu các yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng;
Thứ tư, thực hiện sửa chữa hoặc thay thế sản phẩm xây dựng không đạt yêu cầu về chất lượng theo cam kết bảo hành sản phẩm xây dựng và quy định của hợp đồng xây dựng.
Thứ năm, đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công, nếu việc thay đổi dẫn đến điều chỉnh dự án thì thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Thứ sáu, các vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được thay thế phải đáp ứng được yêu cầu thiết kế, phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và được chủ đầu tư chấp thuận, phê duyệt theo quy định của hợp đồng;
Thứ bảy, nhà thầu chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng theo yêu cầu riêng của thiết kế phải trình bên giao thầu quy trình sản xuất, thí nghiệm, thử nghiệm theo yêu cầu của thiết kế và quy trình kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, chế tạo đối với vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị. Sau đó phải tổ chức chế tạo, sản xuất và thí nghiệm, thử nghiệm theo quy trình đã được bên giao thầu chấp thuận, đáp ứng yêu cầu thiết kế; cung cấp cho bên giao thầu các chứng chỉ, chứng nhận, thông tin, tài liệu có liên quan theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan; tự kiểm soát chất lượng và phối hợp với bên giao thầu trong việc kiểm soát chất lượng trong quá trình chế tạo, sản xuất, vận chuyển và lưu giữ tại công trình; tổ chức kiểm tra và nghiệm thu trước khi bàn giao cho bên giao thầu; vận chuyển, bàn giao cho bên giao thầu theo quy định của hợp đồng;
Thứ tám, bên giao thầu có trách nhiệm: Kiểm tra số lượng, chủng loại, các yêu cầu kỹ thuật của vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị theo quy định trong hợp đồng; yêu cầu các nhà thầu cung ứng, sản xuất, chế tạo; quy định số lượng, chủng loại, các yêu cầu kỹ thuật của vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị trong hợp đồng với nhà thầu cung ứng, nhà thầu sản xuất, chế tạo phù hợp với yêu cầu của thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho công trình; lập hồ sơ quản lý chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định; thực hiện kiểm soát chất lượng trong quá trình chế tạo, sản xuất theo quy trình đã thống nhất với nhà thầu.
3.5. Quy định về quản lý đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng:
Việc quản lý đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng được thực hiện như sau:
Thứ nhất, máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng phải được kiểm định kỹ thuật an toàn bởi các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải sử dụng phần mềm trực tuyến quản lý cơ sở dữ liệu kiểm định để cập nhật cơ sở dữ liệu đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng đã được kiểm định.
Thứ ba, bộ Xây dựng có trách nhiệm đăng tải thông tin của tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên phần mềm; xây dựng, quản lý, cập nhật phần mềm và hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động sử dụng phần mềm; đăng tải thông tin của các cá nhân được cấp Chứng chỉ kiểm định viên trên phần mềm.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.