Hiện nay, hoạt động thanh lý tài sản công diễn ra phải được thực hiện theo những quy tắc nhất định và quá trình quản lý, sử dụng số tiền thu được do xử lý tài sản công sẽ được quản lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy theo pháp luật hiện hành thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu từ xử lý tài sản công thực hiện thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Quản lý, sử dụng số tiền thu từ xử lý tài sản công thế nào?
- 2 2. Theo quy định thì hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công gồm những gì?
- 3 3. Hướng dẫn việc nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại các cơ quan, đơn vị:
- 3.1 3.1. Nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước:
- 3.2 3.2. Nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại Đơn vị sự nghiệp công lập:
- 3.3 3.3. Nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị – xã hội:
1. Quản lý, sử dụng số tiền thu từ xử lý tài sản công thế nào?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Trong một số trường hợp tài sản công sẽ tiến hành thanh lý và phải tuân thủ những hình thức xử lý được pháp luật cho phép, cũng như phải đảm bảo việc quản lý sử dụng số tiền thu từ xử lý tài sản công đúng trình tự. Hiện nay, nội dung này đang được quy định tại Điều 48 của Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, chi tiết như sau:
– Liên quan đến vấn đề quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công: Số tiền này sẽ được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước;
– Việc xử lý tài sản công sẽ mất một số khoản chi phí nhất định nên những khoản chi phí có liên quan đến xử lý tài sản công phải được lập dự toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chi phí có liên quan đến xử lý tài sản công bao gồm:
+ Khoản chi phí đầu tiên cần phải nhắc đến là phí kiểm kê, đo vẽ;
+ Trong trường hợp tài sản phải di dời, phá dỡ, hủy bỏ, tiêu hủy thì cũng phải có khoản chi phí này;
+ Hoặc chi phí giành cho việc định giá và thẩm định giá tài sản;
+ Khoản chi phí tổ chức bán đấu giá;
+ Chi phí hợp lý khác có liên quan.
Đối vớ trường hợp cơ quan nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công để mua sắm tài sản thay thế thì được ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước.
Việc ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước cũng sẽ được áp dụng trong trường hợp cơ quan nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công là trụ sở làm việc và có dự án đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc;
Có thể thấy, số tiền thu được từ xử lý tài sản công sẽ được quản lý tại Kho bạc Nhà nước. Số tiền này sẽ được được tạm giữ trong tài khoản nhất định, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
2. Theo quy định thì hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công gồm những gì?
Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải thực hiện qua các bước chặt chẽ, theo đúng trình tự nên trong Điều 10 Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 cũng đã liệt kê tất cả các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công, nghiêm cấm cá nhân tổ chức có hành động gây ảnh hưởng đến quá trình quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể:
- Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công là một trong những lỗi được nhắc đến đầu tiên khi có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công;
- Vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức;
- Việc giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không đảm bảo đúng quy định, cụ thể là tài sản giao vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng;
- Cùng với đó, việc tự ý sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho mà không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức thì cũng nằm trong nhóm hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công;
- Hành vi gây lãng phí do sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao cũng bị nghiêm cấm; hoặc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật;
- Có hành động xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật;
- Đồng thời, cũng phải kể đến trường hợp hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công;
- Đối tượng có hành vi vhiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công;
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật;
- Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan;
Như vậy, các hành vi đã được trình bày đều nằm trong nhóm bị nghiêm cấm thực hiện trong quản lý, sử dụng tài sản công nên các cá nhân, tổ chức cần có những hành vi phù hợp theo luật định và không vi phạm vào một hay nhiều hành vi bị nghiêm cấm.
3. Hướng dẫn việc nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại các cơ quan, đơn vị:
Để có thể hướng dẫn chi tiết về cách thức nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại các cơ quan, đơn vị đồng thời cũng đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động này mà ngày 01/11/2018, Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 2139/STC-GCS về việc Hướng dẫn việc nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại các cơ quan, đơn vị. Theo đó, việc nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cụ thể như sau:
3.1. Nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước:
- Số tiền thu được thông qua việc bán, thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước (bao gồm cả tiền bồi thường tài sản, nếu có) sẽ được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công sau đây làm chủ tài khoản:
+ Đối với cơ quan, người có thẩm quyền cấp tỉnh (Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh) quyết định bán, thanh lý thì Sở Tài chính là cơ quan có trách nhiệm làm chủ tài khoản quản lý số tiền thu được từ bán, thanh lý tài sản công; còn đối với trường hợp tài sản công của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, trừ tài sản công do Thủ trướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tài chính quyết định bán, thanh lý;
+ Tài sản thuộc quản lý của cơ quan, người có thẩm quyền cấp huyện, cấp xã quyết định bán, thanh lý thì Phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện, thành phố sẽ làm chủ tài khoản quản lý số tiền thu được từ bán, thanh lý tài sản công này. (Các cơ quan, đơn vị liên hệ với Sở Tài chính, Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện để được cung cấp thông tin về tài khoản tạm giữ);
- Trách nhiệm tổ chức bán, thanh lý tài sản trong việc đề nghị thanh toán: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán, thanh lý tài sản có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán gửi chủ tài khoản tạm giữ để chi trả chi phí xử lý tài sản. Bộ hồ sơ đề nghị thanh toán sẽ có những giấy tờ, sau đây:
+ Cần cung cấp được văn bản đề nghị thanh toán của cơ quan được giao nhiệm vụ bán, thanh lý tài sản (Trong đó nêu rõ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản; Gửi kèm được bản tổng chi phí xử lý tài sản, thông tin về tài khoản tiếp nhận thanh toán) kèm theo bảng kê chi tiết các khoản chi: 01 bản chính;
+ Hồ sơ không thể thiếu quyết định bán, thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;
+ Đồng thời là chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ chứng minh cho các khoản chi như: Dự toán chi được duyệt; Hợp đồng thuê dịch vụ thẩm định giá, đấu giá, phá dỡ; hóa đơn,
- Nội dung chi phí liên quan đến bán, thanh lý tài sản công và mức chi được quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 36 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.
3.2. Nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại Đơn vị sự nghiệp công lập:
Số tiền thu được từ bán, thanh lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại bước 1 của bài viết này;
3.3. Nộp số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị – xã hội:
- Số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân) được thực hiện theo quy định tại mục 3.1. của bài viết này hướng dẫn này;
- Số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị – xã hội được thực hiện theo quy định tại mục 3.2 của bài viết này.
THAM KHẢO THÊM: