Quy định về định mức xây dựng? Quy định về quản lý định mức xây dựng?
Định mức xây dựng là một trong những nội dung trọng tâm khi nghiên cứu về pháp
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Xây dựng do Văn phòng Quốc hội ban hành.
– Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
– Thông tư 12/2021/TT-BXD về định mức xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
1. Quy định về định mức xây dựng?
Thực tiễn quy định pháp luật cho thấy, định mức lao động không được giải thích trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, điều này dẫn đến những khó khăn trong việc nhận diện và nắm bắt được cơ bản nội dung về định mức xây dựng.
Theo cách hiểu thông thường, định mức là lượng lao động sống và lao động quá khứ biểu hiện bằng thời gian lao động, bằng giá trị hoặc hiện vật được phép sử dụng để sản xuất một đơn vị sản phẩm (hoặc thực hiện một khối lượng công việc) theo tiêu chuẩn, chất lượng quy định và theo quy trình công nghệ hợp lý, trong những điều kiện trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức sản xuất và trình quản lý của thời kỳ kế hoạch.
Định mức là tiêu chuẩn do Nhà nước, địa phương, hoặc xí nghiệp, công trường quy định: nó phản ánh trình độ sản xuất của các ngành nghề trong một thời kỳ nhất định, dùng để khống chế việc sử dụng tiền vốn, vật tư, thiết bị máy móc, nhân lực một cách hợp lý.
Trong xây dựng, định mức xây dựng là mức hao phí về vật liệu, lao động và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng. Chẳng hạn: Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình (sau đây gọi tắt là Định mức dự toán khảo sát xây dựng) là mức hao phí về vật liệu, lao động và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác khảo sát xây dựng từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc công tác khảo sát theo đúng yêu cầu kỹ thuật, quy trình, quy phạm quy định. (Phần I, Phụ lục 1, kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD).
Quy định về định mức xây dựng khá chặt chẽ và cụ thể, thể hiện dưới những khía cạnh sau:
Thứ nhất, về hệ thống định mức xây dựng.
Theo Khoản 1, Điều 136 Luật Xây dựng: “Hệ thống định mức xây dựng gồm định mức kinh tế – kỹ thuật và định mức chi phí. “, đồng thời, Khoản 1, Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP cũng một lần nữa ghi nhận: “Hệ thống định mức xây dựng gồm định mức kinh tế-kỹ thuật và định mức chi phí. “. Trong đó:
– Định mức kinh tế- kỹ thuật là tiêu chuẩn biểu thị mối quan hệ giữa sự tiêu dùng bình thường về nhân lực, vật lực (sức lao động, máy móc, vật liệu, động lực v.v..) với số lượng sản phẩm có chất lượng hợp quy cách trong điều kiện tổ chức thi công hợp lý (tức là dùng phương thức tổ chức lao động chính xác phù hợp với phương pháp thi công ở trình độ hiện tại và thiết bị, máy móc công cụ lao động hiện có).
Định mức kỹ thuật có tác dụng rất quan trọng đối với việc nâng cao trình độ thi công và hạ thấp giá thành công trình, là một bộ phận không thể thiếu được trong công tác quản lý dựng cơ bản; nó cho phép áp dụng những biện pháp tổ chức lao động tiên tiến và cao năng lực sản xuất.
Định mức kinh tế – kỹ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán.
– Định mức chi phí là phần dự kiến các khoản chi phí để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng. Định mức chi phí gồm định mức tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) và định mức tính bằng giá trị.
Định mức chi phí có vai trò quan trọng, là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình, dự toán chi phí của một số loại công việc, chi phí trong đầu tư xây dựng như chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và một số nội dung chi phí khác. (Khoản 4, Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP).
Thứ hai, các định mức xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành.
Đây là định mức xây dựng được áp dụng chung trong cả nước, là một phần cơ sở để ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương. Định mức xây dựng được Bộ xây dựng ban hành theo Thông tư 12/2021/T-BXD, theo đó có 8 loại định mức cụ thể:
(1) Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình.
(2) Định mức dự toán xây dựng công trình.
(3) Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình.
(4) Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ.
(5) Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
(6) Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng.
(7) Định mức sử dụng vật liệu xây dựng.
(8) Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.
Thực tế, khi nếu nhìn nhận định mức xây dựng đơn thuần dưới góc độ pháp lý thì đâu đó vẫn sẽ có những vướng mắc, vì vậy, việc tiếp cận nó dưới các góc độ chuyên ngành về kinh tế, lao động hay xây dựng sẽ là cách tốt nhất để người đọc có thể nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa và hiểu sâu sắc hơn về định mức xây dựng.
2. Quy định về quản lý định mức xây dựng?
Có thể nhận thấy rằng, quy định về quản lý định mức xây dựng không thực sự rõ ràng, quản lý định mức xây dựng không được ghi nhận một cách thống nhất tại một điều luật hay tại một chương cụ thể nào đó trong các văn bản pháp luật mà được quy định lẻ tẻ và rời rạc. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn trong quá trình tìm kiểm và nắm bắt được quy định mà pháp luật muốn truyền đạt.
Thực tế, khi nhắc đến quản lý nói chung và quản lý định mức xây dựng nói riêng, thì việc xác định chủ thể quản lý là rất quan trọng. Theo đó, đối với quản lý định mức xây dựng thì vai trò của Bộ Xây dựng rất được đề cao, cụ thể:
– Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước.(Khoản 6, Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP). Đây là hình thức quản lý thống nhất nhất, hiệu quả nhất và dễ dàng kiểm soát nhất. Định mức ban hành phải được thực hiện một cách khách quan, dựa trên nhiều yếu tố, đảm bảo sự ra đời của định mức phải phù hợp, hợp lí và có khả năng thực hiện được.
– Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, tổ chức xây dựng và ban hành các định mức xây dựng cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành; định kỳ rà soát hệ thống định mức xây dựng do mình ban hành và gửi những định mức xây dựng mới, định mức điều chỉnh về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý theo quy định. (Khoản 1, 3, Điều 43, Nghị định 10/2021/NĐ-CP). Việc ban hành định mức xây dựng của chủ thể này phải dựa trên định mức chung do Bộ xây dựng ban hành, để đảm bảo tính đồng bộ, cũng như tính phù hợp, quy chuẩn chung của định mức xây dựng, việc cho chủ động xây dựng định mức nhằm tạo sự linh hoạt cũng như chủ động giúp cho các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành được dự toán các nội dung thích hợp nhất, tuy nhiên, việc ban hành định mức này không làm mất đi tính quản lý của Bộ xây dựng so với các định mức do bộ quản lý công trình này ban hành.
Trên cơ sở đã ban hành “Hệ thống định mức xây dựng do Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phải được rà soát, cập nhật định kỳ 03 năm một lần kể từ ngày định mức được ban hành hoặc sớm hơn khi cần thiết.” (Khoản 2, Điều 22 Nghị định 10/2021/NĐ-CP).
Một hình thức quản lý định mức lao động hiệu quả đó là thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng- đây là là một bộ phận của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo Luật Xây dựng. Việc quản lý thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu là cực kỳ tiến bộ, phù hợp với sự phát triển trong quản lý nhà nước nói chung, là cách thức quản lý nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả và dễ truy xuất thông tin.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật về định mức xây dựng và định mức xây dựng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khá đầy đủ. Tuy nhiên, định mức lao động là dự trù mang tính tương đối mà đôi khi các giá trị thực tế có thể sẽ vượt quá điều đó, vì vậy, việc ban hành định mức xây dựng thực sự phải được xem xét một cách kỹ lưỡng và phải được đánh giá, căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau để đưa đến một định mức hợp lý, khả năng ứng dụng cao. Bên cạnh đó, các chủ thể có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đáp ứng được công tác quản lý định mức xây dựng tối ưu nhất.