An toàn lao động trong thi công xây dựng là gì? Quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng?
Trong thi công xây dựng, đặc biệt là những công trình cao tầng nguy hiểm việc xảy ra rủi ro trong giai đoạn thi công của người lao động là không thể tránh khỏi bởi lẽ, công trình thi công có rất nhiều đồ khiến di chuyển khó khăn, phần trụ cho người lao động đứng xây mặc dù chắc chắn, có hàng lưới bảo vệ bên ngoài nhưng có thể do điều kiện về sức khỏe không đảm bảo nên có nhiều trường hợp rủi ro xảy ra như bị ngã khi đang làm việc. Chính vì vậy, trong thi công xây dựng công trình thì rất cần đến các biện pháp để bảo vệ an toàn lao động cho người lao động và phải có quản lý an toàn lao động khi thi công. Vậy an toàn lao động được quy định như thế nào?
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Thông tư số 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động
– Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình
1. An toàn lao động trong thi công xây dựng là gì?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành có quy định về khái niệm an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình như sau:
“An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.”
2. Quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng
Quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 29 Nghị định 15/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“1. Trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng, phải lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công theo quy định, trong đó phải thể hiện được các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, thiết bị thi công, công trình chính, công trình tạm, công trình phụ trợ, công trình lân cận, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
2. Biện pháp thi công phải được nhà thầu thi công xây dựng rà soát định kỳ và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của công trường.
3. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn lao động phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải có cảnh báo đề phòng tai nạn.
4. Những người điều khiển máy, thiết bị thi công và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được quy định theo pháp luật về an toàn lao động phải được huấn luyện về an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định.
5. Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt động phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.
6. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn đã được phê duyệt.
7. Người lao động khi tham gia thi công xây dựng trên công trường phải có đủ sức khỏe, được huấn luyện về an toàn và được cấp phát đầy đủ trang bị bảo hộ lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
8. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công theo quy định.”
2.1. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình
– Nhà thầu thi công xây dựng công trình trước khi tiến hành khởi công xây dựng công trình thì nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch an toàn lao động được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Nội dung cơ bản của kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định gồm có các chính sách về quản lý an toàn lao động, tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, hướng dẫn kỹ thuật về an toàn lao động…v…
– Tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định là người sử dụng lao động phải thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động lao động cơ sở khi cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện và sử dụng từ 300 người lao động trở lên; Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nêu trên có sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.
– Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện đối với phần việc do mình thực hiện.
– Tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình nhưng phải đáp ứng được các yếu tố như là trình tự thi công, phương pháp kiểm tra, biện pháp an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường và dự kiến sự cố và cách xử lý
– Nhà thầu thi công có trách nhiệm dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công. Khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.
– Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo chủ đầu tư về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của
– Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
2.2. Trách nhiệm của chủ đầu tư
– Chủ đầu tư có trách nhiệm chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của nhà thầu.
– Trong giai đoạn thi công thì chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải phân công, thông báo nhiệm vụ và có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng bằng cách bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người.
– Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
– Đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo an toàn lao động trước khi cho phép tiếp tục thi công.
– Chỉ đạo, phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; khai báo sự cố gây mất an toàn lao động; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, điều tra sự cố về máy, thiết bị, vật tư theo quy định và tổ chức lập hồ sơ xử lý sự cố về máy, thiết bị, vật tư
– Trường hợp chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư được quyền giao cho nhà thầu này thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định tại Điều này thông qua hợp đồng
Trường hợp áp dụng loại hợp đồng tổng thầu thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ – thi công xây dựng công trình thì trách nhiệm quản lý an toàn lao động được quy định như sau:
+ Chủ đầu tư được quyền giao cho tổng thầu thực hiện một hoặc một số trách nhiệm của chủ đầu tư thông qua
+ Tổng thầu thực hiện các trách nhiệm do chủ đầu tư giao đối với phần việc do mình thực hiện.
2.3. Trách nhiệm của bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình
– Triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận, phê duyệt trước khi mở thi công công trình
-Bộ phận quản lý có tách nhiệm hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.
– Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động thì bộ phận quản lý an toàn phải kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường.
– Chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; tham gia ứng cứu khẩn cấp khi có yêu cầu của chủ đầu tư, người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, việc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công xay dựng công trình là trách nhiệm đối với mọi thành viên tham gia đối với công trình gồm trách nhiệm của chủ đầu tư, của nhà thầu, bộ phận quản lý an toàn lao động và các biện pháp bảo vệ thiết bị, phương tiện thi công phải được đưa ra từ trước khi thi công, trong quá trình thi công thì tìm ra phương án kịp thời trong trường hợp có xảy ra sự cố.