Tín dụng diễn ra khá phổ biến trong xã hội ngày nay, thể hiện ở nhiều mối quan hệ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ tín dụng là gì? Quan hệ tín dụng là gì? Thậm chí nhiều người đã từng tham gia vào quan hệ tín dụng mà không hề hay biết.
Mục lục bài viết
1. Quan hệ tín dụng là gì?
Trong tiếng Việt, chúng ta hiểu “tín dụng” là sự vay mượn hay nói một cách rõ ràng hơn nó là mối quan hệ sử dụng vốn lẫn nhau giữa người đi vay với người cho vay dựa trên nguyên tắc hoàn trả.
Tín dụng được định nghĩa rõ ràng là sự thể hiện cho mối quan hệ vay và cho vay. Trong đó, người vay có thể là cá nhân hoặc tổ chức, còn người cho vay là ngân hàng, hoặc tổ chức tài chính tín dụng nào đó. Sản phẩm vay có thể là hàng hóa hoặc tiền.
Mối quan hệ vay và cho vay này có những quy định và ràng buộc cụ thể như vay tín chấp hay vay thế chấp.. Bên cạnh đó, tín dụng thì luôn gắn với lãi suất. Những khoản vay tín dụng đều được áp lãi suất theo quy định của bên cho vay mà người vay muốn vay phải chấp nhận thực hiện.
Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa bản thân ngân hàng, tổ chức tài chính với cá nhân hoặc doanh nghiệp. Bản thân ngân hàng sẽ đứng ở cả 2 vị trí: cho vay và đi vay.
Quan hệ tín dụng được phát sinh ngay từ thời kỳ chế độ công xã nguyên thủy bắt đầu tan rã. Khi chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất xuất hiện, cũng là đồng thời xuất hiện quan hệ trao đổi hàng hóa. Thời kỳ này, tín dụng được thực hiện dưới hình thức vay mượn bằng hiện vật – hàng hóa. Về sau, tín dụng đã chuyển sang hình thức vay mượn bằng tiền tệ nhưng bản chất của quan hệ tín dụng vẫn không thay đổi.
Quan hệ tín dụng là mối quan hệ kinh tế giữa người đi vay và người cho vay. Nói cách khác, biểu hiện mối quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tín dụng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu vốn tạm thời cho quá trình tái sản xuất và đời sống, theo nguyên tắc hoàn trả.
Tín dụng ngân hàng có một số ưu điểm nổi bật so với các hình thức khác là:
- Tín dụng ngân hàng được thực hiện bằng hình thức cho vay tiền tệ, loại hình phổ biến, linh hoạt và đáp ứng mọi đối tượng trong nền kinh tế quốc dân.
- Cho vay chủ yếu bằng vốn đi vay của các thành phần trong xã hội chứ không phải hoàn toàn là vốn thuộc sở hữu của chính mình như tín dụng nặng lãi hay tín dụng thương mại.
- Có phạm vi lớn vì nguồn vốn bằng tiền là thích hợp với mọi đối tượng trong nền kinh tế, do đó nó có thể cho nhiều đối tượng vay.
- Thời hạn cho vay phong phú, có thể cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do ngân hàng có thể điều chỉnh giữa các nguồn vốn với nhau để đáp ứng nhu cầu về thời hạn vay.
- Bên cạnh đó thì tín dụng ngân hàng còn có thể thỏa mãn một cách tối đa nhu cầu về vốn của các tác nhân và thể nhân khác trong nền kinh tế vì nó có thể huy động nguồn vốn bằng tiền nhàn rỗi trong xã hội dưới nhiều hình thức và khối lượng lớn.
“Tín dụng” trong tiếng Anh là “Credit“. Nó có gốc là từ “Creditium” – một cụm từ tiếng Latin, có nghĩa là “tin tưởng”, “tín nhiệm”.
Hạn mức tín dụng (tiếng Anh là Line of credit) có thể hiểu là giới hạn mức cho vay tối đa trong của tổ chức tín dụng. Là số dư nợ cho vay hoặc nói cách khác là số dư nợ tối đa vào một thời điểm nhất định. Và thời điểm này thường là ngày cuối quý hoặc cuối năm được quy định trong kế hoạch tín dụng của ngân hàng.
2. Phân loại quan hệ tín dụng:
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, quan hệ tín dụng được biểu hiện rất phong phú và đa dạng, nhưng tiêu biểu nhất gồm có các dạng sau:
– Tín dụng thương mại:
Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các nhà sản xuất kinh doanh với nhau, được biểu hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa. Sự hình thành và phát triển của tín dụng thương mại gắn liền với sự vận động và phát triển của quá trình tái sản xuất. Tín dụng thương mại hỗ trợ vốn đảm bảo cho quá trình tái sản xuất không bị gián đoạn.
– Tín dụng ngân hàng:
Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa một bên là ngân hàng, các tổ chức tín dụng với bên kia là các pháp nhân hoặc thể nhân trong nền kinh tế quốc dân. Trong nền kinh tế thị trường ngân hàng đóng vai trò là một tổ chức tài chính trung gian, quan hệ tín dụng ngân hàng được thể hiện qua hai khâu: khâu huy động vốn và khâu cho vay vốn.
– Tín dụng Nhà Nước:
Tín dụng nhà nước là quan hệ tín dụng giữa nhà nước và các chủ thể trong và ngoài nước. Tín dụng nhà nước thể hiện bằng việc vay nợ của nhà nước dưới hình thức nhà nước phát hành các giấy tờ có giá (như công trái, trái phiếu, tín phiếu) hoặc qua các hiệp định, hiệp ước vay nợ với chính phủ, các tổ chức tài chính tiền tệ trên thế giới theo nguyên tắc có hoàn trả trong một thời gian nhất định.
3. Bản chất của quan hệ tín dụng:
Quan hệ tín dụng là một phạm trù kinh tế, ra dời và tồn tại dựa vào sự tín nhiệm, dựa trên sự tin tưởng, tín nhiệm đó sẽ thực hiện các quan hệ vay mượn một lượng tiền hoặc vật chất trong một thời gian nhất định, ngay cả những giá trị vô hình như tiếng tăm, uy tín để đảm bảo, bảo lãnh cho sự vận động của một lương giá trị nào đó. Vì vậy, nếu ta nghiên cứu quan hệ tín dụng từ phía các quan hệ kinh tế ở tầm vi mô thì tín dụng là sự vay mượn giữa hai chủ thể kinh tế, giữa người đi vay và người cho vay trên cơ sở thỏa thuận về thời hạn nợ, mức lãi cụ thể. Còn nếu chúng ta nhìn trên giác độ kinh tế vĩ mô thì tín dụng là sự vận động vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu. Biểu hiện ra bên ngoài của tín dụng là sự vận động độc lập tương đối của các luồng giá trị trong một thời kỳ cụ thể nào đó.
Về bản chất, trong quan hệ tín dụng, người cho vay chỉ chuyển giao quyền sử dụng vốn cho người đi vay trong một thời gian nhất định, không chuyển giao quyền sở hữu vốn cho vay. Người đi vay chỉ nhận được quyền sử dụng chứ không nhận được quyền sở hữu vốn vay. Mặc dù quan hệ tín dụng được biểu hiện qua các phương thức rất đa dạng và phong phú nhưng nó vẫn mang bản chất cơ bản sau:
– Chỉ làm thay đổi quyền sử dụng, không làm thay đổi quyền sở hữu vốn.
– Thời hạn tín dụng được xác định dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên tham gia quan hệ tín dụng.
– Chủ sở hữu vốn được nhận lại một phần thu nhập dưới dạng lợi tức tín dụng
4. Vai trò của các quan hệ tín dụng:
- Đối với dân cư:
Đặc biệt là thế hệ trẻ và người thu nhập thấp, họ không thể đợi cho đến già mới tiết kiệm đủ tiền để vay tín chấp mua nhà, mua ôtô và các đồ dùng gia đình khác. Tín dụng ngân hàng giúp họ có được một cuộc sống ổn định ngay từ khi còn trẻ, bằng việc mua trả góp những gì cần thiết, tạo cho họ động lực to lớn để làm việc, tiết kiệm, nuôi dưỡng con cái.
Như chúng ta đã biết, một người muốn mua nhà hay xe hơi… thì phải có một khoản tiền lớn! Thế nhưng, những bạn trẻ mới đi làm hoặc những người lao động có thu nhập thấp lại không có đủ vốn tích lũy để mua sắm những thứ ấy. Họ cũng không thể chờ đến khi già, có đủ tiền tích lũy rồi mới bắt đầu mua nhà, mua ô tô.
Những khó khăn ấy của họ hoàn toàn có thể giải quyết được nhờ vào tín dụng. Họ có thể mua trả góp đối với nhà, xe hay những tài sản giá trị khác rồi tích cóp tiền để trả dần cho ngân hàng cho đến khi hết nợ.
- Đối với doanh nghiệp:
Tín dụng ngân hàng kéo nhu cầu tương lai về hiện tại, quy mô sản xuất tăng nhanh, mức độ đổi mới và phong phú về chất lượng ngày càng lớn. Chính điều này đã làm cho toàn bộ quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, đó chính là nền tảng tăng trưởng kinh tế.
- Đối với ngân hàng:
Cho vay ngân hàng được xem là nghiệp vụ chiếm thị phần lớn và đem lại lợi nhuận rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Có nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ… giúp các ngân hàng ngày càng phát triển.
- Đối với nền kinh tế:
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu, vay nợ nước ngoài trở thành một nhu cầu khách quan đối với tất cả các nước trên thế giới, nó lại càng tỏ ra bức thiết đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển và nâng cao mức sống vật chất của nhân dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, để hạn chế tình trạng giảm phát và giải quyết bài toán khó khăn khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cần phải kích cầu cho vay tiêu dùng trong nước.
Hình thức tín dụng ngân hàng phổ biến nhất là thẻ tín dụng ngân hàng. Người vay bắt đầu với số dư bằng không và sử dụng thẻ để thực hiện giao dịch. Người vay trả hết số dư và vay lại cho đến khi đạt đến giới hạn tín dụng.
Việc cho vay tiêu dùng trong nước cũng cần được đẩy mạnh để giúp giảm bớt tình trạng giảm phát và xử lý phần nào những khó khăn mà khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra cho lĩnh vực xuất khẩu của nước ta.
Kết luận: Trong thời đại hội nhập như hiện nay, việc vay nợ từ các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế đã trở thành một nhu cầu bức thiết đối với tất cả các quốc gia đang phát triển trên thế giới và Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Việc vay vốn này sẽ giúp các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế, đời sống của người dân cũng nhờ thế mà được nâng cao và cải thiện hơn.