Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta được phân chia thành nhiều ngành luật khác nhau, mỗi ngành luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội đặc thù, luật hôn nhân gia đình cũng vậy. Vậy quan hệ hôn nhân gia đình gồm những yếu tố gì?
Mục lục bài viết
1. Quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình là gì?
Hôn nhân và gia đình là các hiện tượng xã hội, phát sinh và phát triển cùng với sự pháp triển của xã hội loài người. Hôn nhân và gia đình là biểu hiện mối quan hệ xã hội giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên trong gia đình.
Quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là những quan hệ xã hội mà được các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh.
Theo quy định tại Điều 3
Quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình trong tiếng Anh là Legal relationship marriage and family.
Đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, cụ thể là các quan hệ về nhân thân và quan hệ về tài sản phát sinh giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và các con và giữa những người thân thích khác. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình là quan hệ về nhân thân và về tài sản phát sinh giữa các thành viên trong gia đình:
– Quan hệ nhân thân là những lợi ích tinh thần, là yếu tố tình cảm phát sinh giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con và giữa những người thân thích khác. Quan hệ nhân thân tự nó không mang nội dung kinh tế. Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng là những lợi ích nhân thân mà mỗi bên vợ chồng được hưởng khi họ xác lập quan hệ hôn nhân với nhau như: Tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, quyền được nhập quốc tịch theo quốc tịch của vợ hoặc chồng, quyền về nơi cư trú…Quan hệ nhân thân giữa cha mẹ và con là tình yêu thương của cha mẹ đối với con, tình yêu và lòng kính trọng của con đối với cha mẹ, quyền của con được mang họ của cha hoặc mẹ, quyền của con trong việc được xác định dân tộc hoặc quốc tịch theo dân tộc hoặc quốc tịch của cha hoặc của mẹ…
– Quan hệ tài sản là những lợi ích về tài sản phát sinh giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con và giữa những người thân thích khác. Quan hệ tài sản luôn mang nội dung kinh tế, là tiền bạc, tài sản… Đó là quan hệ cấp dưỡng, thừa kế giữa cha mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà và cháu, giữa vợ và chồng, giữa các thành viên khác trong gia đình; là các quan hệ về sở hữu tài sản giữa vợ và chồng…
2. Các yếu tố của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình:
Về hình thức quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình bao gồm hai nhóm: quan hệ pháp luật về nhân thân và quan hệ pháp luật về tài sản.
Các quan hệ này chỉ hạn chế trong phạm vi hẹp là gia đình. Quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình còn tiếp tục tồn tại ngay cả trong trường hợp gia đình không còn tồn tại nữa. Quan hệ nhân thân trong luật hôn nhân và gia đình xuất phát và gắn liền với quan hệ tài sản, đồng thời chiếm vị trí hàng đầu trong toàn bộ hệ thống quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình. Quan hệ tài sản trong hôn nhân và gia đình hoàn toàn không có yếu tố hàng hóa- tiền tệ.
Quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình không áp dụng thời hạn. Tính chất lâu dài bền vững trong quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình được quyết định bởi mục đích của quan hệ đó. Thời hiệu khởi kiện không áp dụng đối với quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình.
Các quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình xuất phát từ sự kiện kết hôn, từ huyết thống hoặc nuôi dưỡng là những sự kiện, trạng thái có tính chất đặc biệt không giống như các hợp đồng, nghĩa vụ dân sự. Do đó, trong quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình thì yếu tố tình cảm gắn bó giữa các chủ thể là yếu tố đặc trưng và trong nhiều trường hợp yếu tố tình cảm đó quyết định việc xác lập, tồn tại hay chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình.
Tóm lại, quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có những nét đặc thù riêng khác với các quan hệ pháp luật khác. Những nét đặc thù, khác biệt của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình thể hiển trên nhiều khía cạnh. Để hiểu rõ đặc điểm của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, cần phải đi làm rõ những nét đặc thù của chúng.
3. Nguyên tắc quy định chế độ hôn nhân và gia đình:
Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình (Khoản 3 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Về cơ bản, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giữ các nguyên tắc của
Cụ thể Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam như sau:
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
4. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình:
Vấn đề bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Về cơ bản, nội dung này được giữ nguyên như quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) nhưng đã được bổ sung các hành vi bị cấm như: Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính; lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi… Đồng thời Điều 5 cũng bổ sung quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình”.
Cụ thể Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Kết luận: Gia đình là tế bào của xã hội. Việc Nhà nước ban hành các quy định cụ thể và chi tiết về quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là một trong những động thái thừa nhận và mong muốn phát huy vai trò của gia đình trong việc phát triển an ninh nhân dân vững mạnh.