Theo quan niệm của lễ giáo phong kiến, chồng được coi là người chủ gia đình, còn người vợ thì phải có đủ tứ đức: công (chăm chỉ, cần cù), dung (duyên dáng), ngôn (ăn nói dịu dàng), hạnh (nết na), đồng thời, phải tuân theo nguyên tắc tam tòng.
Việc kết hôn có hiệu lực sẽ là căn cứ để phát sinh các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng về mặt nhân thân và tài sản.
1. Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng:
Theo quan niệm của lễ giáo phong kiến thì chồng được coi là người chủ gia đình (gia trưởng), còn người vợ thì phải có đủ tứ đức: công chăm chỉ, cần cù), dung (duyên dáng), ngôn (ăn nói dịu dàng), hạnh (nết na) và tuân theo nguyên tắc tam tòng: tại gia tòng phụ (ở nhà theo cha); xuất giá tòng phu (lấy chồng theo chồng), phu tử tòng tử (chồng chết theo con). Điều này đã tạo nên tâm lý chung trong xã hội phong kiến về sự phụ thuộc của người phụ nữ vào gia đình, đặc biệt là sự phụ thuộc vào người chồng. Tuy vậy, tục lệ Việt Nam vẫn dành cho người vợ một vị trí quan trọng trong gia đình, giữa vợ và chồng có những quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Điều này cũng được phản ánh trong pháp luật phong kiến thời Lê, Nguyễn.
* Nghĩa vụ cùng chung sống (đồng cư):
Theo chế độ phụ hệ thì người vợ phải ở nhà chồng (xuất giá tòng phu). Theo tinh thần và nội dung Điều 321 QTHL, người vợ phải có nghĩa vụ về ở với chồng tại địa điểm do cha mẹ chồng và người chồng lựa chọn, vì bất cứ lý do gì mà tự tiện bỏ nhà chồng ra đi sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Trái lại, pháp luật nhà Nguyễn đã quy định một số trường hợp như sau:
Trường hợp chiêu tế dưỡng lão: khi cha mẹ nhà vợ không có con trai, thường mời chàng rể ở gửi rể để trông nom tuổi già. Tuy nhiên, chàng rể không được chọn để lập tự. Khi cha mẹ vợ chết, người tộc trưởng bên nhà vợ phải chọn người thừa tự để phụng tự như luật định (Điều 94 HVLL).
Trường hợp nghĩa tế: là trường hợp chàng rể nghèo được cha mẹ vợ nuôi, nếu chàng rể được cha mẹ vợ quý trọng thì người nào được lập tự không thể đuổi người nghĩa tế đi được và người này cũng được hưởng một phần gia tài (Điều 76 HVLL)
Trường hợp chàng rể ở làm việc tại nhà cha mẹ vợ để lấy công trừ vào những phí tổn trong việc cưới xin mà họ không lo liệu được.
Tuy nhiên, Điều 94 HVLL cũng quy định: Nếu chỉ có một con trai duy nhất thì không được gửi rể.
Nếu cha mẹ chồng có cho phép ăn riêng, thì chỗ ở của vợ chồng bao giờ cũng do chồng chọn. Điều 321 QTHL quy định người đàn bà tự ý bỏ nhà chồng ra đi thì phải chịu những hình phạt nghiêm khắc; bị xử tội đồ làm xuy thất tì (làm nô tỳ phục dịch ở nhà bếp). Nếu bỏ đi lấy chồng khác thì bị xử tội đồ làm thung thất tỳ (phục dịch nhà xay lúa, giã gạo). Điều 108 HVLL cũng quy định phạt 100 trượng người đàn bà bỏ trốn nhà chồng, nếu trốn đi sau đó cải giá thì bị phạt tội giảo giam hậu, người chồng có quyền tùy ý gả hay bán Vợ cho người khác. Tuy nhiên điều luật này sao chép luật Mãn Thanh nên không được tục lệ Việt Nam tuân theo.
Ngược lại, người chồng cũng phải có nghĩa vụ này, tuy có nới rộng hơn. Với tư cách là người gia trưởng, người chủ trong gia đình, người chồng càng phải có trách nhiệm với vợ con. Đây là quy định đặc biệt không thể tìm thấy trong các văn bản cổ luật ngoài triều Lê. Cụ thể, theo Điều 308 QTHL quy định: Chồng bỏ lửng vợ 5 tháng thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn một năm. Vì luật quan phải đi xa thì không theo luật này... . Hoặc theo Điều 309, nếu người chồng vì quá say đắm nàng hầu mà thờ ơ với vợ và nếu bị vợ thưa lên quan, thì bị xử tội biếm.
Điều 108 Lệ 2 HVLL quy định: Nếu người chồng mất tích hoặc bỏ trốn 3 năm không về thì người vợ được trình quan xin phép cải giá và nhà vợ không phải hoàn lại đồ sính lễ.
Như vậy, có thể thấy điểm tiến bộ ở cả hai bộ luật này đó là đều có quy định hình phạt nghiêm khắc đối với việc người chồng bỏ phí gia đình, không thực hiện nghĩa vụ giúp đỡ vợ nuôi con cái và ngược lại vợ cũng có nghĩa vụ giúp đỡ chồng. Nghĩa vụ đồng cư không chỉ thể hiện mối quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng mà nó còn là một biện pháp để đạt được đến các mục đích của hôn nhân. Hôn nhân dưới thời Lê và thời Nguyễn nhằm mục đích chính là sinh con để nối dõi tông đường và thờ phụng tổ tiên; Hôn nhân còn có các mục đích thiêng liêng khác như sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau đòi hỏi vợ chồng phải cùng nhau chung sống mới có thể đạt được các mục đích đó. Hay nói cách khác nghĩa vụ đồng cư chỉ có ý nghĩa khi nó được cả hai vợ chồng cùng thực hiện.
* Nghĩa vụ tòng phu (nghĩa vụ tuân thủ, phục tùng chồng): Nghĩa vụ này được đặt ra đối với người vợ. Chữ Tòng phu trong câu Xuất giá tòng phu hiểu một cách đơn giản nhất là theo chồng. Theo quan niệm của Nho giáo, người phụ nữ một khi đã có chồng thì mọi sự phải theo chồng, phục tùng chồng và gia đình chồng. Trong QTHL và HVLL không có điều khoản nào quy định cụ thể về nghĩa vụ này nhưng qua tinh thần của các điều luật đã thể hiện nghĩa vụ người vợ phải theo chồng, vâng lời chồng và tôn trọng mọi quyết định của chồng. Sự phục tùng không cho phép người vợ đánh chồng, tố cáo chồng, có nghĩa vụ để tang chồng và các thành viên trong gia đình nhà chồng. Nghĩa vụ này được thể hiện qua ba phương diện sau:
– Người vợ không được phép đánh chồng hoặc đánh mắng họ hàng nhà chồng
Phục tùng chồng người vợ phải tôn trọng chồng và đối xử hiếu thuận, không có hành vi xúc phạm đến những bậc bề trên cũng như anh em, họ hàng nhà chồng. Vì thế chỉ cần đánh chồng dù chưa thương tích cũng bị xử phạt rất nặng.
Điều 481 QTHL quy định:
Vợ đánh chồng thì xử đi châu ngoài, đánh bị thương, què gãy thì lưu đi châu xa, điền sản phải trả lại cho chồng (chồng cáo quan mới bắt tội). Vợ lẽ mà phạm tội trên thì xử nặng hơn một bậc. Đánh chết thì phải tội giảo.
Hành vi đánh chửi bậc tôn trưởng nhà chồng cũng bị xử phạt rất nặng. Điều 483 quy định:
Vợ đánh chửi những bậc tôn trường nhà chồng từ hành cơ thân trở xuống, ty ma trở lên, thì xử nhẹ hơn tội đánh chồng một bậc (tội nhẹ thì nặng hơn tội đánh người thường một bậc). Vợ lẽ phạm tội trên thì không được giảm ... Đánh chết con cháu của anh em chồng thì phải lưu đi châu ngoài, cố ý giết thì xử tội giảo.
Tuy nhiên, trong trường hợp người chồng đánh vợ bị thương thì hình phạt đối với người chồng sẽ nhẹ hơn đánh người ngoài ba bậc, tiền đền mạng được bớt ba phần. Cố ý giết vợ thì được giảm tội một bậc, nếu có tội mà chồng đánh không may bị chết thì sẽ xử khác, ngộ sát thì không phải tội. Đánh chết vợ là bất mục nhưng với hành vi đó của người chồng bị xử nhẹ hơn hẳn so với hành vi của người vợ. Vì theo đạo đức Nho giáo, người chồng có quyền dạy bảo người vợ trong vai trò người gia trưởng, ngược lại người vợ phải vâng lời chồng, không được phép chống đối lại chồng.
HVLL cũng quy định trường hợp vợ đánh chồng dù chưa thương tích vẫn bị phạt 100 trượng, đánh bị thương trở lên đều xử nặng hơn tội Đánh gây thương tích người thường 3 mức. Nếu thiếp đánh chồng thì đều bị xử phạt nặng hơn vợ một mức (Chồng tố cáo mới bắt tội) (Quy định tại Điều 284 HVLL). Hành vi đánh ông bà, cha mẹ chồng thì đều xử trảm, nếu giết chết thì đều xử lăng trì (Điều 288 HVLL). Hành vi đánh các thành viên khác thì tội nhẹ hơn đánh chồng và ông bà cha mẹ chồng nhưng các chế tài thì vẫn nghiêm khắc (Điều 289 HVLL). HVLL còn quy định người vợ không được phép mắng chồng (chỉ đặt ra đối với người vợ lẽ), ông bà, cha mẹ hay thân thuộc khác của chồng. Các hành vi này đều bị xử rất nghiêm khắc. Ngược lại, Điều 284 HVLL cũng quy định trường hợp người chồng đánh vợ bị thương thì người vợ không được tự ý dứt bỏ chồng mà phải thẩm vấn hai vợ chồng xem có thuận tình ly dị mới cho ly dị. Bên cạnh đó, Điều 288 HVLL cũng không cho phép gia đình chồng có quyền xâm phạm đến thân thể của người vợ. Ông bà, cha mẹ là những bậc bề trên có quyền dạy bảo khi con dâu trong nhà không phải phép, nhưng lạm dụng quá mức quyền này thì sẽ bị trừng phạt. Quy định này đã phần nào bảo vệ quyền lợi của người vợ trong gia đình phong kiến và đây cũng là điểm mới hơn so với QTHL.
– Người vợ không được tố cáo chồng và gia đình chồng (Điều 504 QTHL và Điều 306 HVLL)
Nghĩa vụ tòng phu đặt ra cho người vợ bổn phận hết lòng vì chồng và gia đình chồng. Hành vi tố cáo chồng và gia đình chồng đã làm mất đi ơn nghĩa sâu nặng trong gia đình. Nhất là khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội thì điều đó là trái với luân lý, không thể chấp nhận bởi vì với tư cách người chủ trong gia đình, người chồng bị tố cáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, quyền lợi của gia đình về mọi phương diện.
Điều 504 QTHL minh thị:
Hành vi tố chồng của người vợ là phạm tội bất mục – một trong mười tội ác, bị xử tội lưu đi châu sa. Tố cáo ông bà ngoại, cha mẹ và ông bà cha mẹ về bậc tôn trưởng vào hàng cơ thân của chồng dẫu việc có thật cũng phải tội biếm hay tội đồ; Nếu là tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ, thì cho phép tố cáo. Nếu là vu cáo thì xử theo tội đã vu và tăng lên một bậc.
Điều 306 HVLL cũng quy định:
Phàm con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ, thể thiếp tố cáo chồng hoặc tố cáo ông bà, cha mẹ chồng (tuy đúng thực cũng) xử phạt 100 trượng, đồ 3 năm. Nếu như vu cáo thì xử giảo.
Đối với các thành viên khác người vợ cũng không được tố cáo tuy tội có nhẹ hơn nhưng điều đó cũng làm mất đi tình nghĩa tôn quý của gia đình.
– Người vợ có nghĩa vụ để tang chồng và thành viên trong gia đình chồng.
Nghĩa vụ tòng phu phát sinh từ khi người con gái bước chân vào nhà chồng làm dâu cho đến khi chồng chết đi nghĩa vụ này vẫn chưa chấm dứt. Khi chồng chết, người vợ phải có nghĩa vụ để tang chồng trong 3 năm và phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Theo Khoản 9 Điều 2 QTHL và HVLL đều quy định, nếu người vợ vi phạm nghĩa vụ này sẽ bị khép vào tội bất nghĩa và chế tài đặt ra tại Điều 317 QTHL: Người nào đang có tang cha mẹ hoặc tang chồng mà lại lấy chồng hoặc cưới vợ thì xử tội đồ, QTHL không quy định nghĩa vụ chồng để tang vợ. Hoàng Việt lệ cũng quy định: Phàm (trai, gái) có tang cha, mẹ và (vợ, thiếp cư tang chồng mà tự bản thân (chủ không lo việc cưới gả, thì bị xử phạt 100 trượng.
Tuy nhiên HVLL quy định người chồng phải để tang vợ trong thời gian 1 năm và để tang cha mẹ vợ 3 tháng. Tuy không đặt ra những quy định nghiêm ngặt như đối với người vợ trong thời gian này, nhưng đã thể hiện được mối quan hệ qua lại trong mối quan hệ vợ chồng mà QTHL không đề cập đến.
Sự phục tùng chồng buộc người vợ phải thực hiện đầy đủ, trọn vẹn các nghĩa vụ đối với thành viên trong gia đình chồng như chính chồng. Người vợ phải tôn trọng, đối xử có hiếu, có nghĩa vụ với những bậc bề trên của chồng cũng như anh em, họ hàng nhà chồng, con riêng của chồng... mà không được có những hành vi xúc phạm. Tất cả đều nhằm mục đích xác lập trật tự và giữ gìn sự hòa thuận trong gia đình. Sự hòa thuận đó phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử của người vợ, do đó pháp luật có rất nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ điều chỉnh cư xử của người vợ.
* Nghĩa vụ chung thủy
Mục đích chính của hôn nhân trong gia đình phong kiến là để nối dõi tông đường nên chế độ đa thể được pháp luật thời Lê và thời Nguyễn thừa nhận và bảo vệ. Điều đó đã dẫn đến một hệ quả là nghĩa vụ chung thủy được đặt ra đối với người vợ mà không đòi hỏi người chồng phải thực hiện. Xã hội phong kiến cho phép người chồng có quyền lấy nhiều vợ (chế độ đa thê), người chồng không những có quyền lấy thêm một hoặc nhiều vợ lẽ mà còn được phép lấy thêm nàng hầu. Ngược lại, Người đàn bà dù là vợ cả, vợ lẽ hay nàng hầu nếu không chung thủy với chồng đều bị pháp luật trừng trị nghiêm ngặt.
Người vợ phải tuyệt đối chung thủy với chồng, nếu vi phạm nghĩa vụ này thì không những bị coi là là một trong bảy duyên cớ (thất xuất) để người chồng bắt buộc phải ly hôn, mà còn phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Theo khoản cuối Điều 401 QTHL quy định vợ cả hay vợ lẽ thông gian đều bị phạt tội lưu, điền sản của họ phải chuyển sang cho người chồng. Điều 332 HVLL quy định: Phạm hòa gian bị phạt 80 trượng, có chồng phạt 90 trượng, điều gian (có hay không chồng phạt 100 trượng. Ngoài ra người chồng còn có quyền gả bán vợ cho người khác trừ người đã thông gian cùng vợ mình. Sự thủy chung của người vợ là nhằm đảm bảo con sinh ra mang huyết thống của người chồng, không làm ảnh hưởng đến vấn đề nối dõi tông đường.
Như vậy, quy định nghĩa vụ thủy chung của người vợ, nhà làm luật đã thể hiện quan điểm bảo vệ sự ổn định, trật tự trong gia đình, giữ gìn sự hòa thuận trong gia đình ở một mức độ nhất định.
2. Về chế độ tài sản của vợ chồng:
Theo pháp luật phong kiến Việt Nam, tài sản trong gia đình bao gồm cả động sản và bất động sản, nhưng trong đó điền sản được coi là tài sản chủ yếu, là vật thiêng liêng, là cơ sở để hiểu mối quan hệ qua lại giữa các thành viên trong gia đình, vị trí của họ trong các mối quan hệ thân tộc và rộng hơn là mối quan hệ về họ hàng thân thích.
Qua nghiên cứu trong QTHL và HVLL có thể kết luận rằng tài sản gia đình trong xã hội phong kiến Việt Nam gồm 3 loại:
1. Tài sản của người chồng được thừa kế từ gia đình chồng (phú điền sản);
2. Tài sản của người vợ được thừa kế từ gia đình vợ (thể điền sản);
3. Tài sản chung do hai vợ chồng cùng kiếm được trong thời kỳ hôn nhân (tần tảo điền sản).
Mặc dù QTHL không trực tiếp đề cập đến việc quản lý tài sản trong gia đình, những quy định tại các Điều 374, 375, 376 QTHL đã gián tiếp thừa nhận năng lực bình đẳng của vợ chồng trong việc quản lý tài sản gia đình. Với tư cách người chủ gia đình, người chồng có quyền quản lý và sử dụng tài sản của gia đình nhưng phải xuất phát từ lợi ích gia đình, nếu làm tổn hại đến tài sản gia đình thì người vợ có quyền phản đối. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng trong quan hệ tài sản của vợ chồng theo quy định của QTHL thể hiện ở chỗ trong trường hợp người chồng chết trước, nếu người vợ lấy chồng khác thì người vợ mất quyền hưởng hoa lợi từ tài sản của người chồng đã chết, nhưng ngược lại, nếu người vợ chết trước thì mặc dù người chồng lấy vợ khác, nhưng vẫn được hưởng hoa lợi từ tài sản của người vợ đã chết. Sở dĩ có sự khác nhau này là do phong tục chi phối, khi đi lấy chồng người con gái về nhà người chồng ở và trở thành một thành viên trong gia đình nhà chồng. Khi chồng chết, người vợ lại đi lấy chồng khác thì bị coi là ra khỏi nhà chồng, không còn là thành viên trong gia đình chồng nữa nên không có quyền hưởng các quyền lợi đối với tài sản của chồng.
Trong HVLL chưa có các quy định về tài sản riêng của vợ chồng, người vợ vẫn phải phụ thuộc vào người chồng và gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, trong trường chồng chết, nếu là vợ quan chức thì được hưởng một phần lương bổng của chồng.