Trong các mối quan hệ lao động, quan hệ lao động tập thể đóng vai trò quan trọng trong việc cử đại diện nhằm thỏa thuận quyền và lợi ích chung của tập thể lao động với người sử dụng lao động. Tại Việt Nam, tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện cho tập thể người lao động.
Mục lục bài viết
1. Quan hệ lao động tập thể là gì?
Quan hệ lao động tập thể là quan hệ giữa đại diện lao động với đại diện sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động nhằm xác lập sự cân bằng lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động.
Quan hệ lao động tiếng Anh là: “Collective labor relations”.
2. Nội dung của quan hệ lao động tập thể:
Quan hệ giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động là một loại “quan hệ công nghiệp được luật lao động của các nước trên thế giới điều chỉnh. Quan hệ này được thiết lập và thực hiện với mục đích để tiến hành một số các hành vi mà quan hệ lao động không giải quyết được như: Kí kết thoả ước lao động tập thể, thoả hiệp ở cấp độ doanh nghiệp hoặc cấp cao hơn…
Ngoài ra, trong sâu xa, việc thiết lập và vận hành quan hệ này còn biểu hiện một trong những hiện tượng vốn tồn tại trong quá trình lao động, đó là người lao động muốn dùng sức mạnh cua tập thể lao động của mình để đối chọi với sức mạnh về kinh tế và quyền điều khiến của người dụng lao động.
Các bên tham gia quan hệ gồm một bên là tập thể lao động và một bên là người sử dụng lao động.
Tập thế lao động là tập hợp có tổ chức của người lao động cùng làm việc cho một người sử dụng lao động hoặc trong một bộ phận thuộc cơ cầu tổ chức của người sử dụng lao động. Tập thể lao động là một tập hợp người lao động ở những cấp độ khác nhau, có thể ở cấp doanh nghiệp cấp ngành, cấp dưới doanh nghiệp được hình thành tự nhiên trong từng phạm vi nhất định đó. Mặc dù luôn có tính tổ chức nhưng tập thể lao động đôi không cần có sự cho phép hay xác nhận của công quyền hoặc sự cho phép của người sử dụng lao động, không cần một quyết định thành lập. Người lao động cũng không phải tiến hành các thủ tục, các nghi lễ chính thức để thành lập tập thể lao động của mình. Tính tự nhiên chính là một trong những đặc điểm của tập thể lao động đã được pháp luật thừa nhận.
Trong quan hệ với người sử dụng lao động, tập thể lao động thực hiện quyền, nghĩa vụ thông qua người đại diện theo pháp luật là tổ chức công đoàn. Ban chấp hành công đoàn các cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luât lao động, Luật công đoàn và các văn khác có liên quan.
3. Thỏa ước lao động tập thể:
Khái niệm
Căn cứ tại Điều 75
– Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.
– Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.
– Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Nội dung của thỏa ước lao động tập thể
Nội dung của thỏa ước lao động không được trái với quy định của pháp luật và có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật. Nội dung của thỏa ước lao động phải được thông dựa và sự thỏa thuận của tập thể lao động, người sử dụng lao động. Nội dung của thỏa ước lao động tập thể gồm nội dung sau:
– Quy định về việc làm và bảo đảm việc làm: Trong suốt thời gian quan hệ lao động thì người sử dụng phải đảm bảo việc làm cho người lao động; các biện pháp bảo đảm công việc; các trường hợp chấm dứt
– Tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương: Quy định thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật; tiền lương tối thiểu; lương tháng, lương ngày; xét năng lương trước thời hạn, xét nâng bậc lương; các loại phụ cấp lương; nguyên tắc trả lương, thời gian trả lương hàng tháng; thanh toán tiền nghỉ hàng năm, tiền đi lại ; tiền lương trả cho giờ làm thêm; các tiền thưởng và các nguyên tắc chi thưởng…
– An toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động: tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; phương tiện cung cấp phòng hộ cho người lao động; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ; khám sức khỏe định kỳ….
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: các quy định về thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; thời giờ nghỉ ngơi; ngày nghỉ hàng tuần, ngày hàng năm; nghỉ phép, ngày nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương; ngày nghỉ lễ, tết hưởng nguyên lương….
– Bảo hiểm xã hội: các quy định mức đóng chế độ bảo hiểm xã hội; trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, có quy định về mua bảo hiểm tai nạn 24/24 cho người lao động…
4. Lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể:
– Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
– Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Thỏa ước lao động tập thể ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành.
– Đối với thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, đối tượng lấy ý kiến bao gồm toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng. Chỉ những doanh nghiệp có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành mới tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.
– Thời gian, địa điểm và cách thức lấy ý kiến biểu quyết đối với dự thảo thỏa ước lao động tập thể do tổ chức đại diện người lao động quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tham gia thương lượng. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động lấy ý kiến biểu quyết về dự thảo thỏa ước.
– Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.
– Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.
– Thỏa ước lao động tập thể phải được gửi cho mỗi bên ký kết và cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thì từng người sử dụng lao động và từng tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thỏa ước phải được nhận 01 bản.
– Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho người lao động của mình biết.
5. Hiệu lực và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể:
– Ngày có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể do các bên thỏa thuận và được ghi trong thỏa ước. Trường hợp các bên không thỏa thuận ngày có hiệu lực thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Thỏa ước lao động tập thể sau khi có hiệu lực phải được các bên tôn trọng thực hiện.
– Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với người sử dụng lao động và toàn bộ người lao động của doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp có hiệu lực áp dụng đối với toàn bộ người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp tham gia thỏa ước lao động tập thể.
– Thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.
Thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp
– Người sử dụng lao động, người lao động, bao gồm cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực.
– Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể. Quy định của người sử dụng lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của thỏa ước lao động tập thể.
– Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể
– Thỏa ước lao động tập thể chỉ được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận tự nguyện của các bên, thông qua thương lượng tập thể.
Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được thực hiện như việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
– Trường hợp quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật lao động 2019.