Theo quan điểm thuần túy pháp lý của các nhà làm luật tư sản, hôn nhân thực chất là một hợp đồng, một khế ước do hai bên nam nữ thỏa thuận, xác lập trên nguyên tắc tự do, tự nguyện.
Theo quan điểm thuần túy pháp lý của các nhà làm luật tư sản, hôn nhân thực chất là một hợp đồng, một khế ước do hai bên nam nữ thỏa thuận, xác lập trên nguyên tắc tự do, tự nguyện. Các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được phát sinh và thực hiện trong thời kỳ hôn nhân cũng giống như các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đó. Vì vậy, pháp luật cho phép trước khi kết hôn, hai bên được quyền tự do kí kết hôn ước ( hay còn gọi là khế ước) miễn sao không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội ( trật tự công cộng).
Chế độ tài sản ước định có phù hợp với đời sống và tâm lý của con người Việt Nam hay không? Đối với người Việt Nam, hôn nhân là tổng hợp những quan hệ quan trọng nhất của cuộc sống, con người gắn chặt với gia đình, phẩm chất và giá trị của từng người phụ thuộc rất nhiều vào hôn nhân và gia đình của họ. Do đó, trong các vấn đề hôn nhân và tài sản, con người Việt Nam thường đề cao lợi ích chung của gia đình hơn là lợi ích cá nhân.
Theo ý kiến chủ quan của cá nhân nhóm tôi, Luật hôn nhân và gia đình có thể có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của đất nước.
Một là, tiếp tục thừa nhận chế độ tài sản pháp định về quyền sở hữu chung của vợ chồng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay và các quy định mới về quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự, cần có những quy định chi tiết, cụ thể hơn về nguồn gốc, phạm vi, nguyên tắc đăng ký quyền sở hữu tài sản chung cũng như nghĩa vụ và quyền hạn của vợ chồng trong chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung trong gia đình.
Hai là, trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc công nhận quyền có tài sản riêng của một bên vợ chồng là cần thiết. Song, bên cạnh tính pháp định trong việc xác định những tài sản vợ chồng có quyền sở hữu riêng ( tài sản vợ chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân), nhà làm luật nên công nhận việc thỏa thuận dưới hình thức hôn ước của hai vợ chồng xác định sở hữu chung hay riêng đối với tài sản của một bên có trước khi kết hôn hoặc được thừa kế, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; cần quy định điều kiện pháp lý cụ thể xác định tính hợp pháp của thỏa thuận. Trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận hoặc có nhưng thỏa thuận đó không được chấp nhận, việc xác định tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung hay chưa phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy sẽ giúp cho đương sự thấy rõ những nghĩa vụ và quyền của mình đối với tài sản trong gia đình đồng thời tạo thuận lợi cho các cơ quan tư pháp giải quyết tốt tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng.
Việc luật hôn nhân và gia đình chỉ quy định một số chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản pháp định có một số hạn chế:
Thứ nhất, quy định của luật hiện hành không đảm bảo quyền tự định đoạt chủ sở hữu tài sản được quy định trong hiến pháp và bộ luật dân sự: tự do ý chí-tự do thỏa thuận. Về nguyên tắc, mỗi cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, việc chỉ áp dụng một chế độ hôn sản pháp định cho tất cả các trường hợp không đáp ứng được nhu cầu, ý chí của một số cặp vợ chồng. Thực tế, có những trường hợp mà hai người kết hôn muốn tách cả tài sản mà mỗi bên trước khi kết hôn cũng như trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung; ngược lại, có những trường hợp người kết hôn có nhiều tài sản riêng có nguồn gốc từ gia đình mình, có con riêng hoặc vì lý do kinh doanh riêng nên muốn thực hiện một chế độ tách riêng tài sản và thỏa thuận với nhau về việc đóng góp cho đời sống của gia đình.
Thứ ba, trong trường hợp ly hôn, việc áp dụng chế độ hôn sản pháp định dễ gây ra nhiều xung động trong gia đình ( về công bằng trong việc tài sản chung, riêng; công sức người làm ra tiền…)
Chính từ những hạn chế trên nên dự thảo luật hôn nhân và gia đình hiện nay có trên 30 điều( tăng khá nhiều so với luật hiện hành) , trong đó có khá nhiều quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận.
Tóm lại, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận không phải là một điều lạ đối với xã hội Việt Nam, thậm chí nó đã từng được thực hiện trong một thời gian khá dài( nhất là ở miền Nam). Thực chất, việc duy trì duy nhất một chế độ tài sản của vợ chồng đến nay , phản ánh sư thắng thế của quan điểm lập pháp, chứ không phải hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn kinh tế xã hội. Hơn nữa, xã hội Việt Nam thực ra không quá khác so với các nước trên thế giới, đến mức mà chúng ta phải có một cách tổ chức các quan hệ tài sản của vợ chồng theo các riêng biệt như vậy. Do đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam cần thay đổi lại phương thức tổ chức các chế độ tài sản của vợ chồng, theo hướng thừa nhận quyền tự do của vợ và chồng trong việc lựa chọn chế độ tài sản áp dụng.