Quan điểm đổi mới quản lý Nhà nước về hiệp hội Việt Nam hiện nay dựa trên cơ sở sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về tự do hiệp hội.
Từ góc nhìn của lý thuyết về vốn xã hội và các tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế về tự do hiệp hội, cũng như từ thực tiễn Việt Nam, có thể xác định những quan điểm cơ bản trong việc nâng cao quản lý nhà nước về hội ở nước ta hiện nay như sau:
1. Đổi mới quản lý nhà nước về hội cần dựa trên nhận thức rõ ràng và sâu sắc về tính tất yếu khách quan và vai trò quan trọng của hội trong xã hội hiện đại và trong điều kiện của nước ta hiện nay:
Như đã đề cập ở Chương 1, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính tất yếu khách quan và vai trò quan trọng của hội trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đối mặt với cạnh tranh địa chính trị gay gắt trên thế giới của nước ta hiện nay, việc thống nhất quan điểm trong nhận thức về tính khách quan và vai trò quan trọng của các hội là hết sức cần thiết, cấp thiết. Nhận thức này là cơ sở khoa học để xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước hợp lý, hiệu quả hơn đối với các hội phù hợp với giai đoạn xây dựng và phát triển mới của đất nước.
Không chỉ vậy, đổi mới nhận thức về về tính khách quan và vai trò quan trọng của các hội ở Việt Nam hiện nay còn để đáp ứng nhu cầu về sự đồng thuận xã hội mà ngày càng trở nên không thể thiếu được đối với sự phát triển của xã hội hiện đại. Xã hội hiện đại không chấp nhận một nhóm xã hội nhất định có thể thay mặt cho toàn bộ xã hội vốn đa dạng và không thuần nhất quyết định những vấn đề của chính họ. Xã hội hiện đại, theo phân tích của nhiều nhà tương lai học, mặc dù cần sự thống nhất chung để phát triển, nhưng sự thống nhất đó lại không thể được tạo ra chỉ từ phía trên xuống, tức là từ phía các nhà quản trị, mà phải từ chính cơ sở, từ chính những người đã và đang làm ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội từ rất nhiều khu vực khác nhau. Xã hội càng phát triển cao thì sự đồng thuận xã hội, những ý tưởng về quản lý xã hội lại càng phải bắt đầu từ dưới lên, từ những người trực tiếp nhất với công việc lao động. Về phương diện này, các nhà quản trị xã hội đơn thuần cùng vài trăm vị đại biểu lập pháp đã không thể có đủ tri thức để làm được việc này nếu không chịu lắng nghe và tập hợp được toàn bộ các ý tưởng được bắt đầu từ phía các cá nhân, các nhóm xã hội thông qua vai trò biểu đạt và phản biện của các tổ chức hội. Ở đây, tiếng nói của các hội, hết sức đa dạng đã giúp các nhà quản lý công việc quan trọng này. Đây là một yếu tố khách quan đối với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Hiện nay, mặc dù khung pháp lý hiện hành của Việt Nam có cấu trúc khá toàn diện nhưng nó vẫn còn nhiều quy định chưa hợp lý, khắt khe, gây khó khăn cho việc thành lập và hoạt động của các hội. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của các hội trong đời sống xã hội và với sự phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thống nhất quan điểm về vai trò khách quan và tầm quan trọng của các hội sẽ là cơ sở khoa học cần thiết cho việc sửa đổi khung pháp lý, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp để các hoạt động của các hội hoạt động tích cực đóng góp cho sự phát triển đất nước.
2. Đổi mới quản lý nhà nước về hội cần đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội:
Trên thực tế, nhiều hội ở Việt Nam từ lâu đã được thành lập bởi Đảng Cộng sản và tất cả đều hoạt động trong khuôn khổ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số không nhỏ các tổ chức hội được nhà nước tài trợ toàn bộ hoặc một phần (về biên chế, trụ sở, phương tiện, kinh phí...) để thực hiện các nhiệm vụ do Đảng hoặc Nhà nước giao phó. Bởi vậy, các hoạt động thường xuyên của các hội nói trên đã được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý rất chặt chẽ của Nhà nước.
Xét chung, có thể nói rằng, các tổ chức hội ở Việt Nam về cơ bản vẫn là những thiết chế có định hướng chính trị lành mạnh, gắn bó với Đảng, Nhà nước, Dân tộc và Tổ quốc. Đây là yếu tố thuận lợi quan trọng đối với công tác lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý hành chính của Nhà nước về các tổ chức hội trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.
Tuy nhiên sự biến đổi mạnh mẽ của đất nước trong những năm gần đây đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với công tác lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý hành chính của Nhà nước về các tổ chức hội. Bài học quan trọng về công tác lãnh đạo của Đảng đối với các hội trong thời gian qua là phải đảm bảo được sự hài hoà giữa tính định hướng chính trị của Đảng với tính sáng tạo trong hoạt động của các hội. Hai vấn đề này có mối quan hệ biện chứng gắn bó, là nền tảng quan trọng cho sự đổi mới các hoạt động của hội cũng như đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hội.
Những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ trên chính là ở chỗ, những định hướng chính trị của Đảng phải xuất phát từ chính tâm tư nguyện vọng của mỗi người dân thông qua những diễn đàn của các hội. Đảng phải sâu sát với những hoạt động của hội. Để thực hiện điều đó, Đảng không làm thay công việc của chính quyền, lại càng không trực tiếp can thiệp, làm thay cho các công việc hoạt động của các hội. Ở đây, Đảng phải có chính sách tạo dựng và khuyến khích sự gắn kết, đồng thuận giữa chính quyền và các tổ chức hội. Trong bối cảnh đó, không nên xem hội là “sân sau” của chính quyền, mà cần nhìn nhận hội như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những: “ tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bảo vệ quyền của dân, liên lạc mật thiết với nhân dân với chính phủ“.
3. Đổi mới quản lý nhà nước về hội cần bảo đảm sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về tự do hiệp hội:
Như đã đề cập ở Chương 1, tự do hiệp hội là một quyền con người cơ bản được ghi nhận trong rất nhiều văn bản pháp luật quốc tế, trong đó hầu hết các văn bản này Việt Nam đã tham gia và có nghĩa vụ thực hiện.
Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế hết sức sâu rộng, việc tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm tiêu chuẩn về tự do hiệp hội, là hết sức quan trọng. Điều này giống như việc phải chấp nhận các “luật chơi” để có thể tham gia “sân chơi” toàn cầu hoá.
Vì vậy, quản lý nhà nước về hội, bên cạnh việc phải tính đến những yêu cầu đặc thù về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, thì phải triệt để tôn trọng và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do hiệp hội. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc tùy tiện, duy ý chí bỏ qua các tiêu chuẩn quốc tế về tự do hiệp hội hiện nay có thể gây ra những hậu quả tức thì và nặng nề cho Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao
4. Đổi mới quản lý nhà nước về hội cần thay đổi tư duy về đối tượng và phương thức quản lý:
Như đã phân tích ở Chương 2, tư duy quản lý nhà nước về hội ở nước ta hiện nay vẫn nặng về “kiểm soát”, chưa phải là “hợp tác”, “thúc đẩy hoạt động của hội, chưa xem hội là “đối tác” mà cơ bản vẫn mặc định hội là “đối thủ tiềm tàng” của Nhà nước . Tư duy quản lý như vậy dẫn đến những quy định pháp luật khắt khe, phức tạp, phiền hà, làm hạn chế hoạt động và sự phát triển của các hội.
Để đổi mới quản lý nhà nước về hội, cần đổi mới tư duy quản lý theo hướng tôn trọng, bảo vệ, tạo điều kiện để các hội thành lập, hoạt động, tham gia đóng góp vào các hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng và đất nước. Cần phải coi việc tăng cường tự do hiệp hội như là một trong những ưu tiên trong chính sách tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân hiện nay.
Để thực hiện điều đó, tự do hiệp hội nên được quan niệm như là một quyền dân sự, một dạng tự do hợp đồng của các cá nhân, chủ yếu do luật dân sự điều chỉnh. Cách tiếp cận này sẽ giúp tối thiểu hoá các thủ tục hành chính cho việc cấp phép thành lập các hội .
Về mặt pháp lý, để hoạt động của các hội được thuận tiện, cũng là để tôn trọng quyền tự do hiệp hội, các quy định về gây quỹ, nhận tài trợ, về triển khai các hoạt động (nhất là hội thảo, tập huấn), có hoặc không liên quan đến nước ngoài, nên được điều chỉnh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của các hội.
Việc xây dựng Luật về hội cần tiếp cận theo hướng thể hiện được tinh thần tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do hiệp hội của người dân, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các loại hình tổ chức hội cũng như trong tương quan so sánh với các loại hình tổ chức khác như các doanh nghiệp. Để phù hợp với các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, các quy định về thủ tục đăng ký thành lập và hoạt động của hội (hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận) không nên phức tạp hơn các quy định tương tự dành cho khối doanh nghiệp hoạt động vì mục | tiêu lợi nhuận).