Quan điểm và ưu nhược điểm về cách tiếp cận văn hóa theo định nghĩa UNESCO. Bài tập học kỳ môn Đại cương văn hóa Việt Nam 9 điểm.
Quan điểm của bạn về cách tiếp cận văn hóa theo định nghĩa UNESCO. Lấy ví dụ minh họa. Ưu, nhược điểm của cách tiếp cận đó
MỞ ĐẦU
Văn hóa là một vấn đề tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực ra lại hết sức phức tạp, được nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau quan tâm nghiên cứu. Tùy theo hướng tiếp cận khác nhau mà mỗi ngành khoa học, mỗi nhà khoa học có thể đưa ra định nghĩa về văn hóa theo cách hiểu của mình. Tính đến nay đã có hơn 400 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Mỗi định nghĩa đều đưa ra một cách nhìn nhận về văn hóa dựa trên phương pháp tiếp cận văn hóa riêng, UNESCO dựa vào các phương pháp tổng hợp cũng đã đưa ra những định nghĩa riêng về văn hóa. Để hiểu hơn về phương pháp tiếp cận văn hóa của UNESCO, em xin chọn đề tài bài tập học kì số 09: “Quan điểm của bạn về cách tiếp cận văn hóa theo định nghĩa UNESCO. Lấy ví dụ minh họa. Ưu, nhược điểm của cách tiếp cận đó.”
NỘI DUNG
1. Khái niệm về văn hóa.
Chúng ta đều biết rằng, việc xác định (nội hàm và ngoại diên) của một khái niệm phụ thuộc vào những góc độ công việc hay ngững góc độ nghiên cứu khác nhau. Vì thế, một khái niệm thường được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau. Điều đó không có nghĩa là các định nghĩa có thể phủ định nhau, mà ngược lại, chúng có thể bổ xung cho nhau. Bởi vì không có và không thể có một định nghĩa hoàn chỉnh về một sự vật, hiện tượng mà chỉ có thể có một hệ thống các định nghĩa bổ xung và hỗ trợ nhau để làm sáng tỏ sự vật, hiện tượng ấy.
Từ “văn hóa” có rất nhiều định nghĩa. Trong Tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức ( trình độ văn hóa), lối sống ( nếp sống văn hóa); theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn ( vaen hóa Đông Sơn)… Trong khi theo nghĩa rộng thì văn hóa bao gồm tất cả, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống, lao động ,…
Ngay từ giữa thế kỉ XX, năm 1952, hai nhà văn hóa học Hoa Kỳ A. Kroeber và C. Kluckholn đã thống kê được 150 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Ngày nay, số lượng các định nghĩa đó đã tăng lên rất nhiều ( trên 400 định nghĩa). Nhìn chung, có thể phân chia các định nghĩa về văn hóa thành những loại chính đó là: các định nghĩa miêu tả, các định nghĩa lịch sử, các định nghĩa chuẩn mực, các định nghĩa tâm lý học, các định nghĩa cấu trúc, các định nghĩa nguồn gốc và định nghĩa của UNESCO.
2. Một số cách tiếp cận văn hóa thông thường.
Hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa chứng tỏ sự đa dạng, phức tạp và khó đồng thuận, thống nhất trong quá trình đi tìm một khái niệm bao quát về văn hóa. Trong tập hợp những định nghĩa, chúng ta thấy nổi lên một số cách tiếp cận văn hóa cơ bản sau:
Có thể tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp. Cách tiếp cận triết học là phân biệt văn hóa với thế giới tự nhiên, cái gì không phải thuộc về tự nhiên là thuộc về văn hóa, nhưng lại không nêu được văn hóa là cái gì, văn hóa bao gồm những nội dung gì và được biểu hiện ra như thế nào. Tiếp cận văn hóa theo nghĩa hẹp như văn hóa nghệ thuật, tri thức, học vấn… thực hiện được nhiệm vụ xác định văn hóa cụ thể là cái gì, nhưng lại mang tính phiến diện, thiếu bao quát, bởi thống kê các nội dung cụ thể của văn hóa một cách đầy đủ là điều không thể thực hiện được.
Có thể tiếp cận văn hóa theo hệ thống giá trị vật chất và tinh thần hoặc theo những giá trị chuẩn mực của một cộng đồng người nhất định. Con đường này sẽ gặp khó khăn: trong khi văn hóa là những yếu tố tiến bộ, tích cực, thì trong hệ thống giá trị vật chất và tinh thần lại bao gồm cả những mặt tốt và mặt xấu, tích cực và tiêu cực; và trong thực tế có những suy nghĩ, hoạt động của con người đòi hỏi đạt đến trình độ giá trị chuẩn mực, nhưng cũng có nhiều suy nghĩ, hoạt động, ứng xử của họ chỉ thuần túy do thói quen mà thôi.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568