Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị, VKS phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, gửi quyết định kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị.
Mục lục bài viết
1. Quyết định kháng nghị phúc thẩm theo thủ tục tố tụng hình sự:
Kháng nghị phải đáp ứng được điều kiện về hình thức và phải được thực hiện theo thủ tục do pháp luật quy định.
Hình thức của kháng nghị phúc thẩm là phương thức theo quy định của pháp luật thể hiện nội dung của kháng nghị. Kháng nghị phải được thể hiện dưới hình thức văn bản do người có thẩm quyền ban hành để Toà án cấp phúc thẩm xem xét nội dung của kháng nghị.
Quyết định kháng nghị được xây dựng theo Mẫu số 15/XP ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ–VKS ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSNDTC. Nội dung của Quyết định kháng nghị quy định tại khoản 2 Điều 336 BLTTHS năm 2015 gồm: Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị; Tên của VKS ra quyết định kháng nghị; Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm; Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của VKS; Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị.
Quyết định kháng nghị phải phân tích, thể hiện rõ những vi phạm pháp luật của bản án, quyết định về đánh giá chứng cứ, về vận dụng chính sách pháp luật hoặc về áp dụng thủ tục tố tụng là căn cứ kháng nghị phúc thẩm như: Áp dụng không đúng điều khoản của BLHS, áp dụng không đúng tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS; kết luận của bản án hoặc quyết định sơ thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án hay có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng .... Đối với vụ án có đồng phạm hoặc vụ án có nhiều bị cáo bị kháng nghị, phải phân tích vai trò thực hiện tội phạm, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS và đặc điểm nhân thân của từng bị cáo; đánh giá một cách toàn diện các tình tiết được sử dụng làm căn cứ quyết định hình phạt để đề xuất việc xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Quyết định kháng nghị phải nêu rõ phạm vi kháng nghị: Kháng nghị một phần hay toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm, nếu là kháng nghị một phần thì đó là phần nào, nội dung nào. Kháng nghị có thể theo hướng tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong BLTTHS chưa quy định như thế nào là trường hợp kháng nghị theo hướng tăng năng và trường hợp nào là kháng nghị theo hướng giảm nhẹ. Có thể hiểu kháng nghị theo hướng tăng nặng là kháng nghị theo hướng: chuyển sang tội danh khác nặng hơn, chuyển sang loại hình phạt khác nặng hơn, giữ nguyên loại hình phạt nhưng đề nghị tăng mức phạt cụ thể, chuyển từ án treo sang tù có thời hạn, chuyển từ vô tội sang có tội, chuyển từ miễn trách nhiệm hình sự sang không miễn trách nhiệm hình sự và tăng mức bồi thường thiệt hại đối cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan. Đồng thời có thể hiểu kháng nghị theo hướng giảm nhẹ là kháng nghị theo hướng: chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn, chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn, giảm nhẹ hình phạt, chuyển từ án tù có thời hạn sang án treo, chuyển từ có tội sang vô tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự và giảm mức bồi thường thiệt hại cho các chủ thể có nghĩa vụ bồi thường. Kháng nghị cũng có thể theo hướng đề nghị xử bị cáo không có tội hoặc đề nghị xử bị cáo có tội. Quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án cũng cần được thể hiện rõ trong bản kháng nghị (sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc để xét xử lại, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án).
Thủ tục của kháng nghị phúc thẩm là cách thức theo quy định của pháp luật để thực hiện việc kháng nghị. Sau khi ban hành kháng nghị, chủ thể thực hiện việc kháng nghị phải tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục có như vậy mới đảm bảo được tính hợp pháp của kháng nghị. Toà án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm tiếp nhận kháng nghị, kiểm tra các điều kiện hợp pháp của kháng nghị, thông báo việc kháng nghị, chuyển kháng kháng nghị và hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.
BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể thủ tục kháng nghị phúc thẩm tại một điều luật cụ thể. Tuy nhiên, tại điều 32 Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có quy định:
Khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS cấp mình để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu quá thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới phát hiện vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có tình tiết mới thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm kèm theo các tài liệu có liên quan như bản án, quyết định sơ thẩm, biên bản phiên tòa. Khi nhận được đề nghị kháng nghị của
Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát cấp trên xem xét rút hồ sơ vụ án, phân công Kiểm sát viên nghiên cứu để báo cáo Viện trưởng xem xét việc kháng nghị (nếu có căn cứ). Sau khi quyết định việc kháng nghị, Viện kiểm sát cấp trên trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyết định kháng nghị của VKS được gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 338 BLTTHS: “Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị, Viện kiểm sát phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, gửi quyết định kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị”. Trường hợp kháng nghị trên một cấp thì kháng nghị đó được gửi cho VKS cấp sơ thẩm. Quyết định kháng nghị của VKS cấp dưới phải được gửi đến VKS cấp trên trực tiếp. Kháng nghị cùng cấp của VKS tỉnh phải được gửi cho VKSND cấp cao. Kháng nghị của VKSND cấp cao phải được gửi cho VKSND tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự).
2. Hậu quả của kháng nghị:
Theo quy định tại Điều 339 BLTTHS năm 2015, những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành; khi có kháng nghị đối với toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp khi có kháng nghị phúc thẩm của VKS thì những phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị chưa được đưa ra thi hành mà phải trừ các trường hợp bản án, quyết định được thi hành ngay mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật theo Điều 363 BLTTHS đó là trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị. Hình phạt cảnh cáo được thi hành ngay tại phiên tòa.
3. Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị:
BLTTHS năm 2015 quy định cho VKS quyền kháng nghị, đồng thời cũng quy định cho VKS được bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị nhằm tạo điều kiện để VKS nghiên cứu, cân nhắc, đảm bảo kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật và có chất lượng. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị được quy định tại Điều 342 BLTTHS năm 2015.
Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, VKS ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị và việc thay đổi, bổ sung kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm, các đơn vị có liên quan như quy định về gửi kháng nghị.
Trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 337 BLTTHS năm 2015 thì VKS đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dụng kháng nghị đối với phần hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng nghị theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 337 của BLTTHS năm 2015, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm VKS đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Quy định này nhằm đảm bảo chất lượng kháng nghị, tránh tình trạng thay đổi, bổ sung kháng nghị một cách tùy tiện cũng như đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, tuy nhiên việc không quy định VKS cấp trên có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị vô hình trung dẫn tới việc thiếu chủ động và tính tự quyết của VKS cấp trên trực tiếp, bởi lẽ, tại phiên tòa phúc thẩm có thể sẽ có những diễn biến khác so với chiều hướng kháng nghị ban đầu mà VKS cùng cấp sơ thẩm đã không thể dự liệu hết được trong kháng nghị của mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 342 BLTTHS năm 2015, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm VKS ra quyết định kháng nghị hoặc VKS cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Trong trường hợp VKS đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị nhưng sau đó có kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.
Khi VKS đã kháng nghị mà rút toàn bộ kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Nếu việc rút kháng nghị trước khi mở phiên toà thì thẩm phán chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tại phiên toà, kiểm sát viên rút kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Đối với trường hợp rút một phần kháng nghị trước khi hoặc bắt đầu phiên toà phúc thẩm, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ xem xét phần kháng nghị không được rút, trừ những trường hợp cần thiết có thể xem xét những phần khác của bản án không bị kháng nghị (kể cả những phần VKS đã rút).
Việc bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị trước khi mở phiên toà phải do Viện trưởng VKS quyết định; tại phiên tòa, do kiểm sát viên thực hành quyền công quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Như vậy, theo các quy định trên việc rút kháng nghị có thể thực hiện bất cứ lúc nào, VKS có quyền rút một phần hay toàn bộ kháng nghị. VKS cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị của VKS cấp dưới.