Hoạt động chứng minh là hoạt động cốt lõi trong hoạt động tố tụng hình sự. vậy theo quy định, phương tiện chứng minh trong tố tụng hình sự là gì?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là chứng minh trong tố tụng hình sự?
Chứng minh trong hoạt động tố tụng hình sự được hiểu là cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm chứng mình gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thu thập những tình tiết khách quan liên quan đến tội phạm theo một trình tự, thủ tục luật định để kết luận về các tình tiết nhằm giải quyết vụ án một các chính xác, đúng đắn.
Quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự là một hoạt động mang tính tư duy logic và thực tiễn. Nội dung của quá trình chính là thu thập, kiểm tra và đánh giá các thông tin, tư liệu liên quan và có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự. Các hoạt động này thông nhất và có sự liên kết với nhau, bổ trở cho nhau để tìm ra được sự thật khách quan của một vụ án.
Theo đó, các đối tượng chứng minh trong tố tụng hình sự bao gồm:
– Yếu tố mặt khách quan của tội phạm: chính là hành vi phạm tội.
– Yếu tố mặt chủ quan của tội phạm: là yếu tố lỗi.
– Yếu tố chủ thể của tội phạm: là dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự cũng như độ tuổi.
2. Phương tiện chứng minh trong tố tụng hình sự là gì?
Phương tiện chứng minh trong tố tụng hình sự bao gồm:
– Vật chứng:
Căn cứ Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, vật chứng được hiểu là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, mang dấu vết tội phạm, là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác mang giá trị chứng minh tội phạm cũng như người phạm tội. Hoặc bên cạnh đó, vật chứng còn có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
– Lời khai trong vụ án hình sự được coi là một nguồn chứng cứ để chứng minh rất quan trọng trong tố tụng hình sự. Cơ quan điều tra bằng nghiệp vụ của mình sẽ lấy lời khai của các đối tượng sau phục vụ cho quá trình điều tra, gồm:
+ Lời khai của người làm chứng:
Người làm chứng sẽ trình bày những gì mình biết về nguồn tin tội phạm, về vụ án cũng như nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, các quan hệ giữa người làm chứng và người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi điều tra viên đặt ra.
+ Lời khai của bị hại:
Bị hại trong vụ án hình sự phải tường trình lại đầy đủ các thông tin về tội phạm, về vụ án cũng như quan hệ với người bị buộc tội như thế nào.
Điều tra viên đặt ra các câu hỏi, bị hại có trách nhiệm trả lời những câu hỏi đó.
+ Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự:
Trong vụ án hình sự cũng sẽ có nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, khi đó họ sẽ trình bày với cơ quan điều tra các tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.
+ Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người mà chính quyền lợi bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ án hoặc có nghĩa vụ liên quan, khi đó họ trình bày đầy đủ các tình tiết liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
+ Lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ:
Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ sẽ phải trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.
+ Lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm:
Khi điều tra viên yêu cầu lên lấy lời khai, người tố giác, báo tin về tội phạm phải có trách nhiệm trình bày đầy đủ các tình tiết liên quan đến việc họ tố giác, báo tin về tội phạm.
+ Lời khai của người chứng kiến:
Người chứng kiến phải trình bày lại đầy đủ các tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng.
+ Lời khai của bị can, bị cáo:
Bị can, bị cáo là người trong cuộc, họ phải trình bày các tình tiết của vụ án sao cho chi tiết, đầy đủ.
Nếu như phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án thì lời nhận tội của bị can, bị cáo mới có thể được coi là chứng cứ.
– Kết luận giám định:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, kết luận giám định chính là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập với mục đích để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định.
Những cá nhân, cơ quan, tổ chức ra kết luận giám định phải chịu trách nhiệm về những văn bản kết luận đó.
– Biên bản và các tài liệu khác.
Đây cũng là một trong những phương tiện góp phần để chứng minh tội phạm trong hoạt động tố tụng hình sự. Các biên bản và tài liệu khác có thể kể đến như kết luận định giá tài sản, hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận của bệnh viện,….
3. Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự:
Căn cứ quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp nhằm mục đích xác thực các tình tiết, sự thật khách quan của vụ án sao cho toàn diện nhất và đầy đủ nhất, cụ thể xác định rõ các chứng cứ có tội và chứng cứ vô tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ của người bị buộc tội.
Về phía người bị buộc tội có quyền được chứng minh mình vô tội theo quy định nhưng không bắt buộc.
Theo quy định trên, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án sẽ phải có trách nhiệm chứng minh một người là có tội dựa trên những chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án. Tuy nhiên, theo mỗi giai đoạn tố tụng, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cơ quan là khác nhau.
3.1. Trách nhiệm của cơ quan điều tra:
Cơ quan điều tra thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong giai đoạn khởi tố và điều tra vụ án hình sự. Ban đầu sẽ là giai đoạn khởi tố vụ án hình sự khi cơ quan điều tra nhận được nguồn tin về tội phạm, trách nhiệm của cơ quan điều tra là xác định có sự việc xảy ra hay không, nếu có sự việc xảy ra phải xem xét sự việc đó có hay không có dấu hiệu tôi phạm.
Khi thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án.
Tiếp đến là giai đoạn điều tra, sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Đây chính là cơ sở cho việc giải quyết vụ án.
Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dung các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
3.2. Trách nhiệm chứng minh của Viện kiểm sát:
Chủ thể thực hiện nghĩa vụ chứng minh của Viện kiểm sát là Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên. Các giai đoạn mà Viện kiểm sát có trách nhiệm chứng minh gồm;
+ Tại giai đoạn khởi tố vụ án: Viện kiểm sát phải đảm bảo tất cả tội phạm sẽ phải được phát hiện và bị khởi tố theo đúng quy định.
+ Tại giai đoạn điều tra: Viện kiểm sát tham gia hoạt động điều tra và trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra như lấy lời khai.
+ Tại giai đoạn truy tố: Viện kiểm sát ra các quyết định như quyết định truy tố bị can, quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án sau khi nhận và xem xét các tài liệu mà cơ quan điều tra chuyển sang.
+ Tại giai đoạn xét xử: trách nhiệm của Viện kiểm sát là đọc cáo trạng, tham gia xét hỏi, tranh luận và thực hiện việc luận tội đối với bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
3.3. Trách nhiệm chứng minh của Tòa án:
Phạm vi của Tòa án chứng minh là có hay không hành vi phạm tội xảy ra? Ai là người thực hiện hành vi phạm tội đó? Có lỗi hay không? Lỗi vô ý hay lỗi cố ý? Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự hay không? Mục đích, động cơ phạm tội là gì? Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.