Liên minh châu Âu sẽ làm việc với các quốc gia thành viên để xác định các ưu tiên cụ thể tại các quốc gia hoạt động trong thời gian 05 năm; công việc sẽ được hỗ trợ bằng các nguồn lực chính trị và tài chính mạnh mẽ.
Mục lục bài viết
1. Thách thức về nhân quyền đối với Liên minh châu Âu:
Liên minh châu Âu được thành lập dựa trên cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, dân chủ và pháp quyền. Đây là trọng tâm của các hoạt động của nó, cả nội bộ lẫn trong quan hệ của nó với các quốc gia và khu vực khác. EU có lợi ích chiến lược trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo toàn cầu về nhân quyền và dân chủ với mục đích mang lại lợi ích hữu hình cho tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới.
Rất nhiều thành tựu đã đạt được kể từ khi EU thông qua Khung chiến lược của EU về nhân quyền và dân chủ vào năm 2012, hai kế hoạch hành động đầu tiên của EU về nhân quyền và dân chủ (2012 –2014 và 2015 –2019), việc bổ nhiệm đại diện đặc biệt đầu tiên của EU về Nhân quyền (EUSR) vào năm 2012 và kết luận của Hội đồng năm 2019 về dân chủ. EU đã trở nên phối hợp hơn, tích cực hơn, rõ ràng và hiệu quả hơn trong việc tham gia và với các nước thứ ba và tham gia nổi bật hơn cấp độ đa phương; đã hành động chiến lược hơn và sử dụng sức nặng chính trị cũng như những công cụ nhân quyền hiệu quả hơn để giải quyết các vi phạm nhân quyền và thúc đẩy xã hội dân chủ, kiên cường và hòa bình. Nó đã góp phần đạt được tiến bộ đáng kể ở các quốc gia và khu vực nơi nhân quyền đang bị xem nhẹ. Trong các diễn đàn về nhân quyền của Liên hợp quốc, EU đã đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy các nghị quyết và sáng kiến chuyên đề của từng quốc gia cụ thể bằng cách xây dựng các liên minh xuyên khu vực theo chủ đề (như với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo).
Tuy nhiên, những thách thức trên diện rộng vẫn tồn tại. Nhân quyền và dân chủ đang bị xâm phạm nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các quyền tự do cơ bản, như tự do ngôn luận hoặc hội họp cũng đang bị đe dọa ngày càng tăng. Tác động của những hành vi vi phạm pháp luật mang tính hệ thống, hạn chế không gian dân sự và chính trị càng trở nên trầm trọng hơn khi một số đối tác truyền thống của EU rút lui khỏi hoạt động thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ. Trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, EU vẫn giữ sự kiên định trong việc bảo vệ mạnh mẽ cho nhân quyền và dân chủ. Nhìn chung, bức tranh toàn cầu liên quan đến quyền con người và dân chủ còn lẫn lộn: trong khi đã có những bước phát triển vượt bậc, thì cần phải giải quyết những cản trở chống lại tính phổ biến và không thể phân chia của nhân quyền và những cản trở về dân chủ. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ rất nhanh chóng, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo đang ngày một phổ biến, đem lại rất nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn vô số thách thức. Đồng thời, quyền con người ngày càng gắn bó với các thách thức môi trường toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Do đó, Kế hoạch hành động của EU về nhân quyền và dân chủ giai đoạn 2020 – 2024 xác định các ưu tiên của EU và các quốc gia thành viên trong lĩnh vực này trong quan hệ với tất cả các nước thứ ba trong giai đoạn hiện nay. Nhân quyền và dân chủ sẽ được thúc đẩy một cách nhất quán và chặt chẽ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động đối ngoại của EU.
Trong khuôn khổ do Kế hoạch Hành động đề ra, các Phái đoàn EU sẽ làm việc với các quốc gia thành viên để xác định các ưu tiên cụ thể tại các quốc gia hoạt động trong thời gian 05 năm; công việc sẽ được hỗ trợ bằng các nguồn lực chính trị và tài chính mạnh mẽ. Các chương trình và dự án ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu cũng như các nhiệm vụ và hoạt động của Chính sách An ninh và Quốc phòng chung (CSDP) sẽ góp phần đạt được các mục tiêu.
2. Phương thức thực hiện các nội dung về quyền con người trong chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu:
Để đạt được các mục tiêu sẽ đòi hỏi việc sử dụng có hệ thống và phối hợp đầy đủ các công cụ mà EU sử dụng, bao gồm:
– Đối thoại chính trị, nhân quyền và chính sách ngành với các nước đối tác và các tổ chức khu vực: Đối thoại nhân quyền là một công cụ quan trọng cho phép EU tham gia song phương về quyền con người, tập trung vào các chủ đề như bình đẳng giới, quyền được hưởng đầy đủ của phụ nữ và trẻ em gái, quyền trẻ em, tự do ngôn luận trên môi trường mạng Internet và ngoài đời thực, tra tấn và các cách đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác, hình phạt tử hình, quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, quyền của người khuyết tật và quyền của những người thuộc dân tộc thiểu số. Hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng là phương thức nổi bật trong các cuộc đối thoại về nhân quyền. Các cuộc tham vấn với xã hội dân sự được thực hiện trước các cuộc đối thoại về nhân quyền. Các cuộc hội thảo dành riêng cho xã hội dân sự diễn ra liên tục với nhiều cuộc đối thoại về nhân quyền.
– Các phái đoàn đối thoại và giám sát để thực hiện chương trình ưu đãi tổng quát của EU (GSP);
– Các công cụ địa lý và chuyên đề theo khuôn khổ tài chính đa kỳ 2021–2027 (các dự án và chương trình sắp xếp cụ thể sẽ phụ thuộc vào bối cảnh);
– Chiến lược quốc gia về nhân quyền và dân chủ: Các chiến lược này được chuẩn bị bởi các phái đoàn của EU và các quốc gia thành viên, sau khi tham vấn chặt chẽ với những bên đối thoại có liên quan dựa trên phân tích về chính trị và hoạt động về tình hình nhân quyền ở một quốc gia nhất định. EU xác định các ưu tiên mang tính chiến lược chính cho hành động của mình về nhân quyền và dân chủ, xác định các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn chính, đồng thời đề ra các hành động cụ thể để thúc đẩy quyền con người và dân chủ ở một quốc gia cụ thể. 128 chiến lược quốc gia giai đoạn 2016–2020 vẫn đang được thực hiện. Trong số các chiến lược này, pháp quyền là chiến lược được ưu tiên nhất, tiếp theo là quyền và dân chủ của phụ nữ. Các chiến lược này và báo cáo thực hiện hàng năm của chúng tạo thành một công cụ thiết yếu trong việc đảm bảo tính nhất quán của chính sách và chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao và các cuộc đối thoại chính trị.
– Các hành động tại các diễn đàn nhân quyền đa phương và khu vực: Các nghị quyết chuyên đề và địa lý do EU lãnh đạo giải quyết một loạt các vấn đề nhân quyền, ủng hộ các nghị quyết liên quan khác, các tuyên bố và can thiệp của EU, tham gia vào các hoạt động tương tác đối thoại, tranh luận công khai và họp giao ban, các sự kiện ủng hộ nhân quyền và dân chủ;
– Lên tiếng vì nhân quyền và dân chủ: Các hoạt động ngoại giao và truyền thông công khai, các chiến dịch nâng cao nhận thức, các tuyên bố công khai và các bài nghiên cứu lên án các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, đồng thời công nhận các bước được thực hiện để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền;
– Quan sát các phiên tòa xét xử những người bảo vệ nhân quyền;
– 13 hướng dẫn về nhân quyền của EU: Các Hướng dẫn được cập nhật thường xuyên và là một công cụ thiết thực khi thực hiện các ưu tiên nhân quyền của EU ở cấp độ địa phương. Trong nửa đầu năm 2019, EU đã thông qua Hướng dẫn nhân quyền về không phân biệt đối xử trong hoạt động đối ngoại [26], Hướng dẫn nhân quyền về an ninh nước sạch và vệ sinh [27]. Trong nửa cuối năm 2019, EU đã thông qua Hướng dẫn sửa đổi về Chính sách của Liên minh Châu Âu đối với các nước thứ ba về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người [19]. Ngoài ra còn thông qua các Hướng dẫn sau đây:
- Hướng dẫn của Liên minh Châu Âu về thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em – Không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau (EU Guidelines on the Promotion and Protection of the Rights of the Child – Leave no Child Behind – 2017)
- Hướng dẫn nhận quyền của Liên minh Châu Âu về tự do ngôn luận trong môi trường mạng Internet và ngoài đời thực (EU Human Rights Guidelines on Freedom of Expression Online and Offline – 2014)
- Hướng dẫn của EU về thúc đẩy và bảo vệ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (EU Guidelines on the Promotion and Protection of Freedom of Religion or Belief – 2013)
- Hướng dẫn thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, người chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) (Guidelines to promote and protect the enjoyment of all human rights by lesbian, gay, bisexual, transgender and intersex (LGBTI) persons – 2013)
- Hướng dẫn của EU về hình phạt tử hình, sửa đổi và bổ sung năm 2013 (EU Guidelines on the Death Penalty: revised and updated version 2013)
- Hướng dẫn của EU về thúc đẩy tuân thủ Luật nhân đạo quốc tế (EU Guidelines on promoting compliance with International Humanitarian Law – 2009)
- Hướng dẫn của EU về đối thoại nhân quyền với các quốc gia thứ ba, cập nhật năm 2008 (EU Guidelines on human rights dialogues with third countries – update 2008)
- Hướng dẫn của EU về trẻ em và xung đột vũ trang (ỆU Guidelines on Children and Armed Conflict – 2008)
- Đảm bảo sự bảo vệ – Hướng dẫn của EU về những người bảo vệ nhân quyền (Ensuring protection – EU Guidelines on Human Rights Defenders – 2008)
- Hướng dẫn của EU về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử với họ (EU Guidelines on violence against women and girls and combating all forms of discrimination against them – 2008).
– Quan sát bầu cử và theo dõi cuộc bầu cử;
– Đối thoại thường xuyên với xã hội dân sự, các tổ chức nhân quyền và khu vực kinh doanh;
– Hợp tác và phối hợp với các tổ chức nhân quyền đa phương và các cơ quan hiệp ước nhân quyền của Liên hợp quốc.
– Công cụ Dân chủ và Nhân quyền Châu Âu (EIDHR): Năm 2019, Công cụ Dân chủ và Nhân quyền Châu Âu tiếp tục chứng tỏ là công cụ tài chính duy nhất ở cả cấp độ EU và cấp độ quốc tế để thúc đẩy, hỗ trợ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới. Dựa trên thế mạnh chính của mình, khả năng hoạt động mà không cần sự đồng ý của Chính phủ quốc gia sở tại và phạm vi toàn cầu, EIDHR tiếp tục tập trung vào các vấn đề nhạy cảm và các trường hợp khó khăn, sử dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo và hợp tác trực tiếp với các tổ chức xã hội dân sự bị cô lập, bị gạt ra ngoài lề xã hội.
– Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất cho công cụ của các đối tác: Vào năm 2019, dự án thí điểm “Hỗ trợ chính sách nhân quyền” đã được khởi động với ngân sách 1 triệu euro trong thời gian 18 tháng. Hành động này củng cố việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các thông lệ tốt nhất của các quốc gia thứ ba, đồng thời thúc đẩy các nguyên tắc và giá trị chung của EU và quốc tế. Dự án dựa trên ba mục tiêu chính:
(i) Đảm bảo việc chấp hành nội dung của các cuộc đối thoại chính trị và nhân quyền với các nước đối tác;
(i) Góp phần tập hợp các kinh nghiệm từ EU và các nước đối tác để thúc đẩy các hành động thực tiễn đáng nhân rộng về nhân quyền;
(iii) Hỗ trợ và tăng cường giám sát các cam kết của các bên được thụ hưởng GSP+/EBA theo 07 Công ước nhân quyền cốt lõi của GSP.
Như vậy, bằng việc xác định nhân quyền có vị trí hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình, Liên minh châu Âu cam kết ủng hộ dân chủ và nhân quyền trong các quan hệ đối ngoại, phù hợp với các nguyên tắc sáng lập về tự do, dân chủ và tôn trọng các quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền. EU tìm cách lồng ghép các mối quan tâm về nhân quyền vào tất cả các chính sách và chương trình của mình và có các công cụ chính sách nhân quyền khác nhau cho các hành động cụ thể – bao gồm tài trợ cho các dự án cụ thể thông qua các công cụ tài chính của mình. Liên minh châu Âu đã đặt ra các nguyên tắc, mục tiêu và nội dụng ưu tiên về quyền con người trong chính sách đối ngoại của mình, thông qua Khung chiến lược về Nhân quyền và Dân chủ, các kế hoạch hành động và sử dụng có hệ thống, phối hợp đầy đủ các công cụ để thực hiện hiệu quả trong từng giai đoạn cụ thể.