Nước Đại Việt ta là áng thiên cổ hùng văn thể hiện niền tự hào, ý chí tự chủ của dân tộc, có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập. Bài Cáo được viết vào đầu xuân năm 1428, sau khi quân ta đại thắng, diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của quân Minh xâm lược. Buộc Vương Thông phải giảng hòa, rút quân về nước.
Mục lục bài viết
1. Phương thức biểu đạt chính của bài Nước Đại Việt ta là gì?
A. Tự sự.
B. Miêu tả.
C. Biểu cảm.
D. Nghị luận.
Đáp án: D
2. Tìm hiểu tác phẩm Nước Đại Việt ta:
Thể loại: Văn bản thuộc thể loại: cáo.
Xuất xứ và hoàn cảnh: Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô. Đại cáo bình Ngô có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào thánh Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428).
Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
Bố cục đoạn trích Nước Đại Việt ta
+ Phần 1 (Từ đầu đến …nào cũng có): Khẳng định Đại Việt là một quốc gia độc lập, tự chủ tự cường.
+ Phần 2 (Phần còn lại): Những thất bại thảm hại của giặc ngoại xâm khi xâm lược nước ta.
Giá trị nội dung: Đoạn trích Nước Đại Việt ta được xem như một bản tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng: Nước ta là đất nước có nền văn hiến, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử…bất kì hành động xâm lước trái đạo lí nào của kẻ thù đều sẽ phải chịu một kết cục thất bại.
Giá trị nghệ thuật: Lí luận chặt chẽ, hợp lí lời lẽ hùng hồn, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương
3. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Nước Đại Việt ta:
* Nêu luận đề chính nghĩa
- Mở đầu bài cáo: Nguyễn Trãi nói với nhân dân về chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
+ “Việc nhân nghĩa…trừ bạo” → Nhân nghĩa: là làm cho dân được sống yên lành, hạnh phúc, muốn lo lắng cho dân yên thì phải tiêu diệt được quân tàn bạo.
+ Nước ta là nước văn hiến, bao đời xưng đế ngang hàng với phương Bắc và triều đại nào cũng có hào kiệt đứng lên trừ bạo để yên dân. Nhưng bọn Ngô luôn xâm lược nước ta cho nên chúng đều phải chịu thất bại, chứng cứ rành rành.
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
→ Ý tứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Cách viết câu văn biền ngẫu có hai vế đối nhau chạy song song, một vế nói về ta, một vế nói về địch → tăng ý nghĩa bình đẳng, ngang hàng giữa hai quốc gia. (Từ Triệu. Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập /Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.)
- Giọng văn: đĩnh đạc, trang trọng, khẳng định mạnh mẽ chính nghĩa của dân tộc, bôc lộ niềm tự hào về truyền thống của Đại Việt, về tư thế của một quốc gia có chủ quyền
- Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi:
+ Không chỉ là lòng yêu thương con người, tôn trọng điều phải
+ Nhân nghĩa là làm cho dân được sống yên lành, hanh phúc trong một nước độc lập hòa binh
+ Nhân nghĩa là diệt trừ lũ xâm lược bạo ngược, hung tàn
- Bọn giặc Minh dựng chiêu bài Nhân nghĩa diệt nhà Hồ phù nhà Trần để sang xâm lược nước ta. → Nguyễn Trãi nói Nhân nghĩa là chống xâm lược để vạch trần luận điều xảo trá của giặc. Phân định rạch ròi Ta là chính nghĩa, Địch là phi nghĩa.
- Lời tuyên bố của Nguyễn Trãi: cũng nhấn mạnh vào 2 yếu tố chủ quyền lãnh thổ và ý chí độc lập và nâng cao hơn 1 bước; nhấn mạnh vào sự ngang hàng, bình đẳng giữa hai quốc gia, vào nền văn hiến của dân tộc (phong tục Bắc Nam cũng khác. Hào kiệt đời nào cũng có).
4. Phân tích Nước Đại Việt ta:
Nguyễn Trãi là một vị anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất, nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Nguyễn Trãi đã từng thay Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” – một áng thiên cổ hùng văn tuyên cáo độc lập dân tộc. Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” thuộc phần đầu của bài cáo, là đoạn trích có vị trí quan trọng – làm tiền đề cho bài cáo.
Năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết bài cáo công bố trước toàn dân Bình Ngô đã thắng lợi. Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” có ý nghĩa như một lời tuyên bố hùng hồn về chủ quyền độc lập nêu lên nguyên lý nhân nghĩa và chân lí về chủ quyền dân tộc thiêng liêng của dân tộc Đại Việt.
Ở hai câu đầu tác giả đưa ra quan niệm “nhân nghĩa” theo Nho giáo:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Theo Nho giáo, “nhân” là lòng thương người, “nghĩa” là hành động hợp lẽ phải, biết làm điều thiện. Nhưng cốt lõi tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi là “yên dân”, hành động nhân nghĩa là “trừ bạo”. “Yên dân” là làm cho dân được sống yên ổn, thái bình. “Trừ bạo là diệt thế lực bạo tàn. Trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, “dân” là con dân nước Đại Việt, “bạo” là quân Minh bạo tàn, “quân điếu phạt” nghĩa là quân Lam Sơn. Như vậy, với Nguyễn Trãi “nhân nghĩa” là yêu nước, chống quân xâm lược Nhưng “nhân nghĩa” không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ giữa người với người mà còn là quan hệ giữa dân tộc và dân tộc. Đây chính là sự phát triển trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi so với nho giáo. Cách mở đề rất cô đọng, ngắn gọn như một câu tục ngữ, một mệnh đề triết học đã nêu bật được ý nghĩa giặc Minh xâm lược nước ta là trái nhân nghĩa, ta đứng lên chống giặc Minh là thuận nhân nghĩa, ta thắng giặc Minh là tất yếu.
Sau khi nêu nguyên lí nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã khẳng định về sự tồn tại độc lập chủ quyền của dân tộc:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương,
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.”
Nguyễn Trãi đưa ra những yếu tố căn bản để xác định chủ quyền: quốc hiệu, nền văn hiến, lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử, nhân tài hào kiệt,… Tác giả đưa yếu tố “văn hiến” lên đầu bởi phong kiến phương Bắc luôn tìm cách phủ nhận nền văn hiến của ta, từ đó phủ nhận tư cách độc lập của ta. Nhưng dân tộc ta vẫn giữ vững bản sắc riêng cho dù nền phong kiến có thay đổi, lịch sử có lúc thăng lúc trầm nhưng văn hiến, phong tục tập quán, nhân tài hào kiệt không bao giờ thay đổi.
Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi còn thể hiện niềm tự hào dân tộc qua từ “đế”. Phong kiến phương Bắc chỉ nước ta là một nước chư hầu, chỉ phong vương cho ta nhưng cách xưng “đế” khẳng định rằng Đại Việt có chủ quyền, ngang hàng với phương Bắc. Để tăng sức thuyết phục, tác giả đã sử dụng những từ ngữ mang tính hiển nhiên, vốn có: “đã lâu, đã chia, cũng khác, cũng có”. Như vậy, nước Đại Việt đã có lịch sử lâu đời và có chiều sâu văn hiến.
Để làm sáng tỏ sức mạnh nhân nghĩa và chân lý về chủ quyền độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đưa ra những dẫn chứng trong lịch sử:
“Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”
Hai chữ “vậy nên” đã diễn đạt một quan hệ nhân quả: kẻ nào xâm phạm đến chính nghĩa sẽ chuốc lấy thất bại. Các dẫn chứng được nêu trong trình tự thời gian, từ Lưu Cung – vua Nam Hán đến Triệu Tiết – tướng nhà Tống đến Toa Đô, Ô Mã Nhi – tướng nhà Nguyên. Cách nêu dẫn chứng linh hoạt, có khi nhấn mạnh thất bại quân giặc, có khi ca ngợi chiến thắng của ta. Lời khẳng định: “Việc xưa xem xét / Chứng cứ còn ghi” một lần nữa nhấn mạnh sức mạnh chính nghĩa là chân lý về độc lập dân tộc không gì thay đổi được.
Bài cáo với lập luận chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm, lời lẽ và thực tiễn, giọng văn hùng hồn. Đoạn trích mở đầu bài “Bình Ngô đại cáo” sáng ngời chính nghĩa được viết bởi trí tuệ sắc sảo của một trái tim yêu nước thương dân. Đoạn văn đã khẳng định tư tưởng nhân nghĩa, lòng tự hào về lịch sử dân tộc của người anh hùng Nguyễn Trãi.
Đoạn văn mở đầu bài “Bình Ngô đại cáo” ngắn gọn, cô đọng, súc tích, là điểm tựa, là nền móng lí luận cho toàn bài. Đoạn văn vừa là lời nghiêm khắc răn dạy vừa mang chiều sâu thấm thía tư tưởng nhân nghĩa cốt lõi của đạo làm người.
THAM KHẢO THÊM: