Khái quát về gói thầu dịch vụ tư vấn? Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với gói thầu dịch vụ tư vấn?
Hồ sơ dự thầu sau khi được gửi cho bên mời thầu sẽ được các bên thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu để xem xét có lựa chọn nhà thầu hay không. Vậy phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với gói thầu dịch vụ tư vấn được luật đấu thầu và các văn bản liên quan quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu các vấn đề liên quan để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về gói thầu dịch vụ tư vấn?
Theo Khoản 8 Điều 4 Luật đấu thầu 2013 gói thầu dịch vụ tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm các hoạt động sau:
+ Lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc: đây là một trong những hoạt động nhằm mục đích thực hiện các hoạt động liên quan đến báo cáo quy hoạch phát triển kiến trúc của công trình xây dựng;
+ Khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường: công trình xây dựng luôn phải được xem xét về khía cạnh tác động môi trường, do đó mà xuất hiện nhu cầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình đối với môi trường;
+ Khảo sát, lập thiết kế, dự toán: mỗi công trình đề cần phải có trước dự toán để tính toán trước về công trình nên rất cần đến hoạt động khảo sát, lập thiết kế, dự toán;
+ Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu: gói thầu dịch vụ bao gồm một trong những hoạt động lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu để các nhà thầu tham gia gói thầu;
+ Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất: là một trong những dịch vụ tư vấn thực hiện đánh giá các hồ sơ để xét duyệt các nhà thầu trúng thầu;
+ Thẩm tra, thẩm định: các dịch vụ thẩm tra thẩm định trong quá trình thi công công trình theo quy định về Luật đấu thầu;
+ Giám sát: giám sát thi công công trình là một trong những gói thầu dịch vụ tư vấn nhằm mục đích giám sát công trình;
+ Quản lý dự án: quản lý dự án là một trong những gói thầu dịch vụ tư vấn nhằm mục đích quản lý dự án theoq uy định;
+ Thu xếp tài chính: thu xếp tài chính là việc tính toán và kiểm sát tài chính của công trình là một trong những gói thầu dịch vụ tư vấn;
+ Kiểm toán, đào tạo, chuyển giao công nghệ: đây là một trong những dịch vụ tư vấn được thực hiện trong quá trình thi công công trình.
+ Các dịch vụ tư vấn khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Gói thầu theo quy định của Luật đấu thầu được hiểu là một phần của dự án, trong một số trường hợp đặc biệt gói thầu là toàn bộ dự án; theo quy định của Luật đấu thầu thì gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần đối với mua sắm thường xuyên. Như vậy, gói thầu dịch vụ tư vấn bao gồm các dịch vụ vừa nêu trên, là một phần của dự án tư vấn.
Luật đấu thầu quy định về điều kiện ưu đãi trong đấu thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn đối với đối với đấu thầu quốc tế và đấu thầu trong nước như sau:
Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn bao gồm:
– Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh;
– Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
Khi nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu thì sẽ được hưởng ưu đã khi tham gia đấu thầu quốc tế.
Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn bao gồm:
– Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới;
– Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật;
– Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ.
Đối với những nhà thầu này, dựa trên số lao động nữ giới, số lao động là thương binh, người khuyết tật, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ sẽ được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước.
2. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với gói thầu dịch vụ tư vấn?
Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được quy định tại Điều 40 Luật đấu thầu 2013 như sau:
– Đối với nhà thầu tư vấn là tổ chức thì áp dụng một trong các phương pháp sau đây:
+ Phương pháp giá thấp nhất được áp dụng đối với các gói thầu tư vấn đơn giản: cụ thể đối với phương pháp này, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được áp dụng là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.
Lưu ý đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì các bên sẽ căn cứ vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) và lấy giá dự thầu này để làm căn cứ. Nhà thầu có giá thấp nhất được xếp thứ nhất;
+ Phương pháp giá cố định:
Đối tượng áp dụng phương pháp giá cố định này được áp dụng đối với các gói thầu tư vấn đơn giản, chi phí thực hiện gói thầu được xác định cụ thể và cố định trong hồ sơ mời thầu.
Theo đó thì tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.
Lưu ý đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) không vượt chi phí thực hiện gói thầu thì căn cứ điểm kỹ thuật để tiến hành thực hiện so sánh, xếp hạng các hồ sơ dự thầu này. Nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất được xếp thứ nhất;
+ Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá được áp dụng đối với gói thầu tư vấn:
Đây là phương pháp kết hợp giữa cả hai phương pháp vừa nêu trên. Theo đó thì phương pháp này chú trọng tới cả chất lượng và chi phí thực hiện gói thầu.
Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu theo phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá được áp dụng đối với gói thầu tư vấn là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp. Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp phải bảo đảm nguyên tắc tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 70% đến 80%, điểm về giá từ 20% đến 30% tổng số điểm của thang điểm tổng hợp, tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%. Với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá được áp dụng đối với gói thầu tư vấn thì nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp thứ nhất;
+ Phương pháp dựa trên kỹ thuật:
Đối tượng áp dụng phương pháp dựa trên kỹ thuật này được áp dụng đối với gói thầu tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù.
Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.
Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu không thấp hơn 80% tổng số điểm về kỹ thuật. Nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng điểm kỹ thuật tối thiểu theo quy định và đạt điểm kỹ thuật cao nhất được xếp thứ nhất và được mời đến mở hồ sơ đề xuất tài chính làm cơ sở để thương thảo hợp đồng.
– Đối với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật quy định vừa nêu thì sử dụng phương pháp chấm điểm. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật, trừ trường hợp áp dụng phương pháp dựa trên kỹ thuật được áp dụng đối với gói thầu tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù.
– Đối với nhà thầu tư vấn là cá nhân, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu là tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học, đề xuất kỹ thuật. Đối với nhà thầu có hồ sơ lý lịch khoa học, đề xuất kỹ thuật tốt nhất và đáp ứng yêu cầu của điều khoản tham chiếu được xếp thứ nhất.
Như vậy, qua phân tích trên có thể thấy, đối với gói thầu dịch vụ tư vấn thì tùy thuộc vào từng gói thầu mà sẽ áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu riêng để phù hợp với tiêu chuẩn của gói thầu. Với mỗi phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu sẽ có tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ riêng để đánh giá hồ sơ sự thầu. Dựa vào các tiêu chuẩn này, khi hồ sơ dự thầu đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ được duyệt hồ sơ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về các nội dung phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu với gói thầu dịch vụ tư vấn cũng như các nội dung liên quan khác.