Phương châm về lượng là gì? Phương châm về chất là gì? Ví dụ?

Khi giao tiếp, cần phải nắm vững và hiểu rõ những phương châm hội thoại để thực hiện thành công cuộc giao tiếp. Tùy vào trường hợp cụ thể, mà người nói có thể vận dụng các phương châm hội thoại này một cách linh hoạt và phù hợp hoàn cảnh.

1. Phương châm hội thoại là gì?

Phương châm hội thoại là các quy định, nguyên tắc bắt buộc mà người tham gia hội thoại cần làm theo và tuân thủ. Trong một cuộc giao tiếp khi đáp ứng đủ các yêu cầu này thì cuộc giao tiếp đó mới được xem là thành công.

Phương châm hội thoại được chia thành 5 loại chính, bao gồm:

– Phương châm về lượng.

– Phương châm về chất.

– Phương châm quan hệ.

– Phương châm cách thức.

– Phương châm lịch sự.

Trong quá trình giao tiếp, người nói cần nắm vững và làm rõ các phương châm hội thoại để thực hiện cuộc giao tiếp thành công, giúp người đối diện sẽ thuận tiện hiểu vấn đề mình nói. Tùy vào từng tình huống hoàn cảnh cụ thể, mà người nói có thể vận dụng các phương châm hội thoại này một cách linh hoạt và cần thiết.

2. Phương châm về lượng là gì?

Phương châm về lượng là trong quá trình giao tiếp, câu cần nói cho đúng nội dung, nội dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của cuộc giao tiếp, số lượng không thiếu, không thừa vừa đủ.

Nội dung phương châm về lượng:

Lượng ở đây được hiểu là số lượng nội dung không thiếu, không thừa, vừa đủ nghĩa giúp người khác hiểu vấn đề mà mình nói.

Trong phương châm về lượng cần lưu ý một số điểm sau:

– Khi giao tiếp không quan trọng nội dung dài hay ngắn nhưng cần phải đầy đủ nội dung cần truyền đạt đến cho người nghe.

– Lời trình bày đưa ra phải có đủ thông tin, phân tích và lập luận chính xác, mang tính thuyết phục trong lời nói để người nghe thấy được sự thuyết phục, thông tin chính xác mà mình trình bày.

3. Ví dụ phương châm về lượng:

Ngữ liệu 1:

Huy: Cậu có biết đá bóng không?

Hoàng: Tớ biết chứ, còn cậu có biết đá bóng không?

Huy: Tớ không. Cậu học đá bóng ở đâu thế?

Hoàng: Học đá bóng ở sân bóng chứ còn ở đâu?

Phân tích ngữ liệu:

Huy hỏi Hoàng học đá bóng ở đâu mục đích là muốn biết địa chỉ cụ thể nơi bạn Hoàng học bóng đá (như là trung tâm huấn luyện thể thao, câu lạc bộ….)

Câu trả lời của Hoàng không đánh trúng mục đích của Huy hỏi vì đương nhiên ai cũng biết đá bóng thì phải đá ở sân bóng. Cách trả lời của Hoàng thừa không cần thiết, trả lời không đúng nội dung.

Nhận xét: Hoàng đã vi phạm phương châm về lượng trong giao tiếp, tức là nói thừa thông tin không cần thiết và nói thiếu thông tin phải trả lời.

Ngữ liệu 2: 

Bố: Thầy giáo đã giao cho con bài tập về nhà ở trong sách bài tập nào thế?

Hưng: Thầy giáo con giao bài tập về nhà trong sách bài tập ạ.

Phân tích ngữ liệu:

Bố hỏi Hưng với mục đích muốn biết Hưng được cô giáo giao bài tập về nhà trong sách bài tập nào (tên sách bài tập cụ thể, tên bài tập cụ thể,…). Trong khi đó Hưng lại không trả lời cụ thể tên sách gì, bài tập số mấy, câu trả lời trên của Hưng chưa đáp ứng được mục đích hỏi của bố, cách trả lời của Hưng là thiếu nội dung.

Nhận xét: Câu trả lời của Hưng đã vi phạm phương châm về lượng trong giao tiếp, tức là câu trả lời của Hưng thiếu nội dung thông tin cần phải trả lời.

Ngữ liệu 3: Sắp tới kỉ niệm Ngày chào mừng nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường yêu cầu mỗi lớp phải chuẩn bị một tiết mục văn nghệ. Thấy vậy, Lan bèn hỏi Quỳnh?

Lan: Cậu có biết nhảy không?

Quỳnh: Tớ biết chứ, thậm chí tớ còn nhảy rất giỏi đó. Tớ sẽ đăng ký tham gia văn nghệ của lớp.

Lan: Cậu học nhảy ở đâu thế Quỳnh?

Quỳnh đáp: Dĩ nhiên là học ở lớp dạy nhảy chứ còn ở đâu nữa.

Phân tích ngữ liệu: Lan hỏi Quỳnh học nhảy ở đâu nhằm mục đích là muốn biết địa chỉ cụ thể nơi mà Quỳnh học nhảy. Câu trả lời của Quỳnh đã không đánh trúng muốn mục đích của Lan hỏi vì đương nhiên ai cũng biết muốn học nhảy thì phải học ở lớp học dạy nhảy. Trong khi đó, Quỳnh đã không chỉ ra được địa điểm mà mình học nhảy là tên lớp dạy nhảy là gì? Địa chỉ cụ thể ở đâu? Cách trả lời của Quỳnh là thừa không cần thiết và không đúng nội dung.

Nhận xét: Câu trả lời của Quỳnh đã vi phạm phương châm về lượng trong giao tiếp, tức là trả lời thiếu thông tin cần phải trả lời và thừa thông tin không cần thiết.

4. Phương châm về chất là gì?

Phương châm về chất là trong quá trình giao tiếp, không nên nói chắc chắn những thông tin mà mình không tin là đúng, chưa xác định được độ chính xác hay không có bằng chứng xác thực.

Chất ở đây được mang ý nghĩa là chất lượng về nội dung, chất lượng trong dẫn chứng, chất lượng trong sự thật và mức độ am hiểu của con người về một vấn đề mình trình bày trong cuộc hội thoại. Để có được cuộc hội thoại thành công thì trước khi nói, con người phải cân nhắc thật kỹ về tính chắc chắn chính xác của các thông tin do chính mình đưa ra.

Trong phương châm về chất cần lưu ý một số điểm sau:

– Trước khi nói hay bình luận về một vấn đề nào đó, cần phải biết chính xác những thông tin mà mình muốn trình bày và kết quả đó phải có bằng chứng xác thực từ những nguồn có uy tín. Để chắc chắn rằng nguồn dữ liệu, thông tin đó mà mình đưa ra là chính xác. Bên cạnh đó, có thể căn cứ trên nguồn dữ liệu, thông tin đó để đặt vấn đề, nghiên cứu và đi sâu vào nội dung cuộc hội thoại.

– Không nên phát biểu và khẳng định những thông tin mà mình không biết là có đúng hay không. Không nói khi chưa có một cơ sở nào xác thực nguồn dữ liệu, thông tin đó là đúng.

– Dùng để phê phán những người hay nói khoác loác, ba hoa, phóng đại khi thông tin được đưa ra mà không xác thực kiểm chứng.

– Tất cả thông tin khi muốn người khác tin đó là đúng sự thật, cần phải đưa ra dẫn chứng cụ thể nhằm xác định độ chính xác nguồn thông tin cũng như đảm bảo uy tín trong hội thoại mà mình tham gia.

5. Ví dụ phương châm về chất:

Ngữ liệu 1: Hai anh em Giang và Sơn rủ nhau vào quán ăn cơm để ăn bữa trưa. Chủ quán dọn cơm trứng vịt lộn muối cho họ ăn. Thấy thế, Sơn liền hỏi Giang rằng:

– Cùng là trứng vịt mà sao quả trứng vịt này lại mặn vậy anh nhỉ?

– Giang: Chú hỏi tôi thế người ta cười cho đấy. Quả trứng vịt muối thôi mà chú cũng không biết.

– Sơn đáp: Thế quả trứng vịt muối ở đâu ra? Người anh ra vẻ thông thạo và am hiểu biết liền đáp:

– Chú mày kém thật! Có thế mà cũng không biết. Quả trứng vịt muối là từ con vịt muối đẻ ra chứ sao.

Phân tích ngữ liệu: Do thiếu hiểu biết nhưng Giang đã tỏ ra là mình có hiểu biết trả lời những điều mà mình không biết là có đúng hay không, nhưng Giang vẫn nói ” quả trứng vịt muối là do con vịt muối đẻ” trong khi không có một nguồn cơ sở nào xác định là đúng, thông tin này là vô lý thiếu tính xác định. Chính vì thế mà câu truyện gây cười.

Nhận xét: Câu nói của Giang đã vi phạm phương châm về chất trong giao tiếp.
Ngữ liệu 2:

Một ngày nọ, có hai chàng trai đi qua một khu vườn trồng bí ngô. Một anh trông thấy một quả bí rất to, liền kêu lên:

– Chà ! Nhìn kìa, quả bí kia to quá !

Anh bạn còn lại có tính hay nói khoác, cười mà đáp rằng:

– Thế thì đã lấy làm gì to. Tôi đã từng thấy những quả bí ngô khác to hơn nhiều. Có một lần, tôi đã tận mắt trông thấy một quả bí ngô to bằng cả cái nhà ở bên kia kìa.

Anh chàng liền kia nói ngay:

– Thế thì đã lấy gì làm lạ. Tôi còn nhớ, một hôm tôi đã trông thấy một cái nồi đồng to bằng cả cái đình làng ta kia kìa.

Anh chàng nói khoác loác ngạc nhiên liền hỏi:

– Cái nồi đống đấy dùng để làm gì mà to như vậy ?

Anh chàng kia giải thích rằng:

– À! Cái nồi đồng ấy dùng để luộc quả bí ngô mà anh vừa nói ấy mà.

Anh chàng nói khoác loác biết người bạn kia đang chế nhạo mình bèn nói sang chuyện khác.

Phân tích ngữ liệu:  Thông tin mà hai anh chàng nói: “quả bí to bằng cả cái nhà và cái nồi đồng to bằng cả cái đình làng” được cho là thiếu tính xác thực và vô lý, không có một nguồn cơ sở nào xác định điều hai anh chàng nói đấy là đúng. Do tính nói ba hoa, khoác loác của hai anh chàng nên họ mới nói những thông tin mà họ đưa ra không được xác thực, kiểm chứng.

Nhận xét: Hai anh chàng trong câu truyện trên đã vi phạm phương châm về chất trong giao tiếp. Từ đó, phê phán tính ba hoa, khoác loác của hai anh chàng.
    5 / 5 ( 1 bình chọn )