Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là một trong các loại hình dịch vụ phát triển tốc độ ở nước ta hiện nay. Để quản lý loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô này thì pháp luật đã quy định về việc các phương tiện dùng để kinh doanh vận tải đều phải có phù hiệu xe gắn trên xe.
Mục lục bài viết
1. Phù hiệu xe là gì?
Phù hiệu xe còn có tên gọi khác là tem xe, đây chính là mẫu giấy do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Việt Nam. Phù hiệu xe được chính thức áp dụng tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2015 theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Hiện nay, quy định về phù hiệu xe được thể hiện trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; và các văn bản hướng dẫn nghị định.
Có các loại phù hiệu xe như:
– Phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” được sử dụng đối với xe chạy tuyến cố định;
– Phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” được sử dụng đối với xe trung chuyển;
– Phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” được sử dụng trong trường hợp xe kinh doanh dịch vụ vận tải theo hợp đồng;
– Các loại phù hiệu xe khác như: phù hiệu “XE TAXI”, phù hiệu “XE BUÝT”, phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, phù hiệu “XE TẢI”, những loại phù hiệu này được chia theo loại xe trong dịch vụ kinh doanh vận tải.
2. Quy định về cấp phù hiệu xe tải:
Phù hiệu được cấp cho xe tải có tên gọi là phù hiệu “XE TẢI”. Quy trình cấp phù hiệu “XE TẢI” được tuân theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Chủ thể có thẩm quyền cấp phù hiệu xe đó chính là Sở Giao thông vận tải.
Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu gồm Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Bản sao giấy đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị. Việc nộp hồ sơ này có thể thực hiện bằng cách nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải, nộp qua đường bưu điện hoặc nộp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp xe tải không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì trong hồ sơ đề nghị cần phải xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau:
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét tính hợp pháp, đầy đủ của hồ sơ đề nghị. Trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phù hiệu thông báo cho đơn vị nộp hồ sơ đề nghị biết về những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi. Hoạt động thông báo này có thể thực hiện bằng cách thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hoạt động thông báo này được thực hiện trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan nhận được hồ sơ. Đơn vị kinh doanh hoạt động vận tải bằng xe tải có trách nhiệm bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải trong thời hạn mà Sở Giao thông vận tải cho phép.
Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho các xe tải theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi Sở Giao thông vận tải nhận hồ sơ đúng quy định. Trường hợp từ chối không cấp phù hiệu cho xe tải, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải có đề nghị biết, trong văn bản trả lời này phải nêu rõ lý do.
Khi thực hiện hoạt động cấp phù hiệu cho xe tải, thì Sở Giao thông vận tải có phải tiến hành cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời thực hiện kiểm tra và chỉ cấp phù hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của xe tải yêu cầu cấp phù hiệu đã đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu.
Cơ quan cấp phù hiệu xe thực hiện việc xử lý hồ sơ và cấp phù hiệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan cấp kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các xe ô tô để đảm bảo phương tiện đủ điều kiện kinh doanh vận tải trên hệ thống Đăng kiểm Việt Nam;
Tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định về việc cơ quan cấp kiểm tra thông tin về tình trạng của phương tiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải và hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện cấp phù hiệu cho xe tải trong một số trường hợp cụ thể. Trường hợp nếu xe tải chưa có trên hệ thống thì cơ quan thực hiện cấp phù hiệu theo trình tự trên.
Trường hợp nếu thông tin về xe tải đã có trên hệ thống, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ do đơn vị kinh doanh vận tải nộp thực hiện gửi thông tin qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở Giao thông vận tải đang quản lý xe tải để đề nghị xác nhận và gỡ bỏ xe tải khỏi hệ thống. Sở Giao thông vận tải nhận được đề nghị phải trả lời và thực hiện gỡ thông tin xe tải ra khỏi hệ thống. Nếu Sở Giao thông vận tải đang quản lý xe tải không trường hợp không đồng ý gỡ thông tin của xe tải thì cơ quan này phải nêu rõ lý do tại sao không gỡ bỏ thông tin. Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu sau khi thông tin xe tải được gỡ bỏ khỏi hệ thống.
Phù hiệu xe tải có giá trị 07 năm hoặc có giá trị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải và phù hiệu xe không quá niên hạn sử dụng của phương tiện. Phù hiệu xe tải được cấp lại khi hết hạn, khi bị mất hoặc bị hư hỏng, khi thay đổi chủ sở hữu phương tiện hoặc thay đổi đơn vị kinh doanh vận tải. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp lại phù hiệu thực hiện theo quy trình trên. Thời hạn của phù hiệu được cấp lại theo quy định. Trường hợp cấp lại phù hiệu khi hết hạn, đơn vị kinh doanh vận tải được đề nghị cấp lại phù hiệu trong khoảng thời gian 15 ngày tính đến ngày hết hạn phù hiệu.
3. Gắn phù hiệu đối với xe tải:
Tại một thời điểm, mỗi xe tải chỉ được cấp và sử dụng một phù hiệu “XE TẢI”. Xe có phù hiệu “XE TẢI” không được vận chuyển công-ten-nơ. Kích thước tối thiểu của các phù hiệu xe tải là 9 x 10 cm.
Phù hiệu “XE TẢI” được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe tải. Phù hiệu xe tải được cấp có nội dung theo quy định tại Phụ lục số 16 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như sau:
Theo quy định của thông tư thì đường viền xung quanh phù hiệu và chữ “XE TẢI” có phản quang.
– Màu sắc của phù hiệu theo bảng mã màu chuẩn CMYK.
+ Mã màu của chữ “XE TẢI”: C: 85 M: 10 Y: 100 K: 0.
+ Mã màu đường viền xung quanh: C: 85 M: 10 Y: 100 K: 0.
+ Mã màu nền: C: 55 M: 0 Y: 0 K: 0.
– Phông chữ “XE TẢI”: UTM Helvetlns. Phông chữ các nội dung còn lại: Arial.
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
– Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
– Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.