Phụ cấp là một khoản tiền được người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động dựa trên công việc theo hợp đồng lao động hoặc phụ cấp được hưởng theo chế độ cơ quan nhà nước. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về phụ cấp độc hại.
1. Phụ cấp độc hại là gì?
Phụ cấp độc hại là một trong những phụ cấp nhận được nhiều quan tâm của cả người sử dụng lao động và người lao động. Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng chi trả khoản phụ cấp này cho người lao động. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ khi người lao động làm việc trong môi trường độc hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người lao động thì họ sẽ được đơn vị sử dụng lao động chi trả khoản phụ cấp này.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có điều luật hay văn bản nào có quy định về khái niệm phụ cấp độc hại. Dựa trên những quy định về đối tượng, điều kiện hưởng phụ cấp độc hại mà ta có thể hiểu ngắn gọn phụ cấp độc hại như sau: Phụ cấp độc hại được hiểu là khoản phụ cấp mà người sử dụng lao động dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là sự suy giảm khả năng lao động. Đây là khoản phụ cấp áp dụng đối với người lao động làm công việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, và tùy thuộc vào từng đối tượng lao động và từng công việc khác nhau mà khoản phụ cấp sẽ khác nhau.
Việc chi trả phụ cấp độc hại được xem như một khoản tiền bù đắp về tinh thần cũng như sức khỏe cho người lao động khi họ đã cống hiến sức lao động của mình cho đơn vị sử dụng lao động. Đối với từng ngành nghề kinh doanh sẽ có những điều kiện lao động khác nhau, tính chất công việc, mức độ độc hại khác nhau, vì vậy đối tượng và mức phụ cấp chi trả cũng không giống nhau.
2. Cách tính mức phụ cấp độc hại cho người lao động:
Mức chi trả phụ cấp độc hại đối với từng đối tượng sẽ khác nhau vì phải phụ thuộc trực tiếp vào tính chất công việc mà họ làm. Luật Dương gia xin được phân tích cách tính mức phụ cấp độc hại đối với hai nhóm đối tượng chính là: cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng người lao động khác.
2.1 Phụ cấp độc hại đối với cán bộ, công chức, viên chức:
Đối với những khoản tiền phụ cấp độc hại. Thường sẽ được chia thành 4 cấp dành cho người lao động. Cụ thể là cấp 01, cấp 02, cấp 03 và cấp 04. Mỗi cấp sẽ tương ứng với mức lương cơ sở của thời điểm làm việc hiện tại. Điều này đã được quy định trong Thông tư 07/2005/TT-BNV.
Nếu tính lương cơ sở của người lao động trong thời điểm hiện tại. Mức lương cơ sở của người lao động đang ở mức 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, dựa vào mức lương cơ sở của mình, người lao động có thể tự tính mức phụ cấp như sau:
Đối với mức 01, tương đương với hệ số 0,1 sẽ bằng 149.000 đồng/tháng
Đối với mức 02, tương đương với hệ số 0,2 sẽ bằng 298.000 đồng/tháng
Đối với mức 03, tương đương với hệ số 0,3 sẽ bằng 447.000 đồng/tháng
Đối với mức 04, tương đương với hệ số 0,4 sẽ bằng 596.000 đồng/tháng
Khoản phụ cấp này sẽ được tính dựa trên khoảng thời gian thực tế mà người lao động làm việc. Địa điểm làm việc là những nơi có điều kiện độc hại hoặc vô cùng độc hại. Mức phụ cấp này sẽ được người sử dụng lao động trả theo cùng kỳ lương hàng tháng.
Đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thì cách tính để chi trả phụ cấp độc hại sẽ được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc.
2.2 Phụ cấp độc hại đối với người lao động làm trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu:
Đối với đối tượng là người lao động làm trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được hướng dẫn theo
“1. Chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
a) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
b) Công ty rà soát phân loại điều kiện lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, so sánh mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề, công việc với điều kiện lao động bình thường để xác định mức phụ cấp, bảo đảm: Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10%; nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.
c) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày, làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày.”
Như vậy, nếu như đối tượng cán bộ, công chức, viên chức tính phụ cấp độc hại theo mức lương cơ sở thì đối với đối tượng người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì tính phụ cấp trích theo tỷ lệ % so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.
2.3 Đối với những người lao động khác:
Theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về Chế độ nâng lương, phụ cấp và trợ cấp như sau: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động”. Như vậy, đối với chế độ phụ cấp độc hại sẽ được bên người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của người sử dụng lao động.
Để hạn chế việc đơn vị sử dụng lao động chi trả phụ cấp độc hại cho người lao động thấp, không tương xứng với sức lao động mà người lao động bỏ ra nên nhà làm luật cũng có những quy định nhằm khắc phục điểm yếu này.
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 49/2013/NĐ-CP có quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương có ghi nhận như sau: “Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường”.
Điều đó có nghĩa rằng, pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên sự thỏa thuận này phải cao hơn ít nhất 5% đối với công việc hoặc chức danh làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, còn đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, đối với các đối tượng khác nhau thì mức hưởng phụ cấp độc hại cũng khác nhau. Mặt khác, tùy thuộc vào tính chất công việc mà mức hưởng phụ cấp đối với người cùng tính chất công việc cũng khác nhau. Việc nhà làm luật quy định phụ cấp độc hại có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động. Nó được coi là khoản tiền bù đắp lại sức khỏe của người lao động phải làm việc trong những môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, các chế độ khác đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm cũng có những quy định ưu tiên hơn.
Vậy, phụ cấp độc hại có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Căn cứ theo Quyết định 595/BHXH ban hành ngày 14/04/2017 quy định về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế có ghi nhận tại Khoản 2, Điều 6 như sau:
“2.1. Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của
Phụ cấp lương theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
2.2. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.”
Như vậy, căn cứ theo Quyết định 595/BHXH thì phụ cấp độc hại là một trong những khoản bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.