Pháp luật lao động Việt Nam có những quy định về phụ cấp dành riêng cho các đối tượng đặc biệt sinh hoạt và làm việc tại những nơi có chi phí sinh hoạt cao hơn bình quân cả nước, gọi là phụ cấp đắt đỏ. Vậy phụ cấp đắt đỏ là gì? Quy định của pháp luật về khoản phụ cấp này ra sao?
Mục lục bài viết
1. Phụ cấp là gì?
Phụ cấp có thể hiểu là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương. Ngoài ra, phụ cấp còn có thể là các khoản bổ sung khác như tiền ăn ca, tiền xăng xe, tiền điện thoại,…
Phụ cấp tiếng Anh là “Allowance”.
2. Phụ cấp đắt đỏ là gì?
Phụ cấp đắt đỏ là Phụ cấp áp dụng đơn vị công nhân, viên chức làm việc ở những nơi có chỉ số giá sinh hoạt (lương thực thực phẩm, dịch vụ) cao hơn chỉ số giá sinh hoạt bình quân chung của cả nước từ 10% trở lên.
Phụ cấp đắt đỏ có 5 mức: 0,1; 0,15; 0,2; 0,25 và 0,3 so với mức lương tối thiểu.
Phụ cấp đắt đỏ tiếng Anh là “Cost-of-living allowance”
3. Quy định của pháp luật về trợ cấp đắt đỏ:
Nguyên tắc xác định
– Phụ cấp đắt đỏ được xác định đối với những nơi có giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ so với bình quân chung của cả nước cao hơn từ 10% trở lên.
– Chỉ số giá sinh hoạt được tính theo khu vực thành thị, nông thôn ở từng tỉnh, thành phố do Tổng cục Thống kê công bố.
– Danh mục và cơ cấu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ để tính chỉ số giá sinh hoạt phải theo quy định thống nhất của Tổng cục Thống kê.
– Phạm vi xác định mức phụ cấp đắt đỏ là huyện, thị xã phù hợp với chỉ số giá sinh hoạt do tổng cục Thống kê công bố.
Đối tượng áp dụng
Phụ cấp đắt đỏ áp dụng đối với các đối tượng hưởng lương, hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương, bao gồm:
– Cán bộ giữ chức vụ bầu cử Nhà nước, Đảng, Đoàn thể;
– Công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, kể cả lao động hợp đồng;
– Cán bộ, công nhân viên làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể;
– Công nhân, viên chức làm việc trong các doanh nghiệp;
– Sĩ quan và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang;
– Những người nghỉ hưu;
– Những Người nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương;
– Thương binh, bệnh binh hưởng hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương.
Mức trả phụ cấp đắt đỏ
Phụ cấp đắt đỏ gồm 5 mức: 0,1; 0,15; 0,20; 0,25 và 0,30 so với mức lương tối thiểu được quy định như sau:
Chỉ số giá sinh hoạt tại nơi có chỉ số cao hơn bình quân chung cả nước | Hệ số | Mức phụ cấp thực hiện từ 1 – 4 – 1993 |
Từ 10% đến dưới 15% | 0,10 | 7.200đ |
Từ 15% đến dưới 20% | 0,15 | 10.800đ |
Từ 20% đến dưới 25% | 0,20 | 14.400đ |
Từ 25% đến dưới 30% | 0,25 | 18.000đ |
Từ 30% trở lên | 0,30 | 21.600đ |
Cách trả phụ cấp đắt đỏ
– Phụ cấp đắt đỏ được trả theo nơi làm việc đối với người tại chức; nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng thay lương đối với người nghỉ hưu và người hưởng trợ cấp có tính chất lương.
– Phụ cấp đắt đỏ được tính trả cùng kỳ lương, trợ cấp hàng tháng thay lương.
– Đối với đối tượng hưởng lương và trợ cấp thay lương do ngân sách Nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với doanh nghiệp, phụ cấp đắt đỏ được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.
– Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp đắt đỏ theo mức quy định ở nơi đến công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng. Nếu nơi mới không có phụ cấp đắt đỏ thì thôi không hưởng phụ cấp ở nơi cũ trước khi đi.
Thẩm quyền thực hiện
– Tổng cục thống kê phối hợp với Bộ tài chính hướng dẫn phương pháp, tổ chức việc điều tra và tính chỉ số giá sinh hoạt để phục vụ yêu cầu xác định mức phụ cấp đắt đỏ.
– Hàng quý Tổng cục Thống kê thông báo chỉ số giá sinh hoạt từng khu vực (thành thị, nông thôn) của các tỉnh thành phố.
– Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng quý căn cứ vào thông báo của tổng cục Thống kê về chỉ số giá sinh hoạt tính cho khu vực thành thị, nông thôn của địa phương mình đề nghị liên Bộ duyệt mức phụ cấp đắt đỏ gồm các nội dung sau:
+ Nơi và mức phụ cấp đắt đỏ đề nghị;
+ Tổng số đối tượng được hưởng; quỹ phụ cấp đắt đỏ (trong đó tính riêng cho đối tượng hưởng lương, hưởng trợ cấp do ngân sách Nhà nước trả).
4. Các loại phụ cấp khác:
Trong doanh nghiệp, luật dành cho người lao động luôn luôn được chú trọng. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lương thưởng, phụ cấp thì chắc chắn không thể bỏ qua trong mối quan tâm của chính bản thân người lao động vì nó vốn là quyền lợi mà họ được nhận.
Đa số chúng ta sẽ muốn biết ngoài lương cơ bản ở công việc, chức danh của mình có được hưởng khoản phụ cấp thêm nào hay không? Điều này đòi hỏi người lao động cần phải có hiểu biết rõ hơn về các loại phụ cấp có trong doanh nghiệp.
Các loại phụ cấp được áp dụng trong doanh nghiệp bao gồm:
– Phụ cấp nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại:
Áp dụng cho những người lao động đang làm trong các khu vực và môi trường hơi bụi bặm, ô nhiễm và độc hại, Phụ cấp độc hại, nặng nhọc và nguy hiểm với mức độ cao hơn thì phụ cấp này được thưởng thêm cho những người có công việc, điều kiện cực kì độc hại và nguy hiểm cao.
– Phụ cấp trách nhiệm:
Đây là loại phụ cấp mà ta sẽ tìm hiểu và làm rõ nhất, phụ cấp này dành cho những người trong mọi công việc có tinh thần làm việc và trách nhiệm cao giúp cho công việc được hoàn thành một cách xuất sắc, thường thường với những người có trình độ chuyên môn, kĩ thuật cao hay bằng cấp chứng chỉ cao thì sẽ được nhận loại phụ cấp này.
– Phụ cấp thu hút:
Với những ngành nghề mà tại địa phương hay khu vực nào tại những vùng kinh tế mới đó thiếu nhân sự, không tuyển mộ được và loại phụ cấp này được thêm vào để thu hút thêm nhân lực về cho công ty, doanh nghiệp
– Phụ cấp đặc biệt:
Loại phụ cấp này thường được có với những người lao động có điều kiện sống và sinh hoạt khó khăn tại những vùng hải đảo, xa đất liền hay ở vùng biên giới.
– Phụ cấp chức vụ, chức danh:
Phụ cấp này đơn giản sẽ được cộng thêm với những người có chức vụ cao hơn đồng thời cũng đòi hỏi năng lực quản lí cao hơn với những người khác cùng công ty như là tổ trưởng, trưởng phòng, giám đốc,…
– Phụ cấp thâm niên:
Phụ cấp này dành cho người lao động có thời gian làm việc đã lâu, hệ số lương đã lên tới mức quá đa và không thể nào lên cao được nữa mà vẫn còn tuổi lao động thì thay vào đó mỗi tháng sẽ được trả thêm một khoản tiền được gọi là phụ cấp thâm niên.
– Phụ cấp khu vực:
Gần giống với phụ cấp đặc biệt thì loại phụ cấp này áp dụng với các đối tượng ở vùng xa xôi hẻo lánh, khí hậu xấu, khó khăn về kinh tế, đường đi giao thông không thuận lợi và kém phát triển.
Ngoài ra còn có những khoản phụ cấp khác sẽ được người sử dụng lao động ghi rõ ràng thành một mục riêng ở trong hợp đồng lao động khi ký kết. Các phụ cấp thường thấy như tiền thưởng năng suất công việc, thưởng sáng kiến, phụ cấp ăn trưa đi lại, phụ cấp nhà ở, điện thoại, lương tháng thứ 13. Đây đều là những khoản phụ cấp cơ bản mà đa số người lao động được hưởng và hầu hết các doanh nghiệp, công ty đều áp dụng.
5. Phụ cấp đắt đỏ có phải thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ tại khoản 2, Điều 2,
Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
+ Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
+ Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
+ Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
+ Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
+ Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi,
+ Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
+ Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
+ Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
+ Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
+ Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
Như vậy, theo căn cứ nêu trên, phụ cấp đắt đỏ là phần thu nhập có chịu thuế thu nhập cá nhân.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Thông tư số 24-LB/TT;
– Thông tư 111/2013/TT-BTC.