Phong trào Không liên kết ra đời nhằm tập hợp các quốc gia đó lại và hình nên phong trào có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Vậy Phong trào Không liên kết là gì? Bài viết này sẽ tìm hiểu một số vấn đề về phong trào các nước không liên kết.
Mục lục bài viết
1. Phong trào Không liên kết là gì?
Phong trào Không liên kết là một tổ chức quốc tế gồm các quốc gia tự xem mình là không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc lớn nào nhằm đấu tranh cho quyền tự quyết của dân tộc, chống lại chủ nghĩa đế quốc và chế độ thực dân.
Phong trào không liên kết trong Tiếng Anh là “Non-Aligned Movement“, viết tắt là “NAM”.
2. Tìm hiểu về phong trào các nước không liên kết:
2.1. Sự ra đời của Phong trào Không liên kết:
Phong trào không liên kết ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và trong bối cảnh chiến tranh lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Chính sách không liên kết là biểu thị ý chí của các nước độc lập non trẻ Á, Phi, Mỹ La tinh đoàn kết đấu tranh bảo vệ và củng cố độc lập chính trị, từng bước giành độc lập kinh tế, bảo vệ hòa bình thế giới để tồn tại và phát triển.
Với những nét tương đồng với nhau giữa các nước không liên kết như: đều đã bị thực dân đô hộ, kinh tế kém phát triển, cùng chung nguyện vọng muốn có hòa bình ổn định để xây dựng đất nước, thóat khỏi nghèo nàn và lạc hậu,… nên dù mỗi nước có những đặc điểm về văn hóa, tín ngưỡng, chế độ chính trị – xã hội, lợi ích dân tộc khác nhau nhưng các nước này vẫn tập hợp lại thành lực lượng rộng rãi, đoàn kết gắn bó với nhau tạo nên một phong trào có sức ảnh hưởng nhất định. Đó là phong trào không liên kết.
Tháng 3/1947, Thủ tướng Nehru triệu tập tại New Delhi hội nghị Đại biểu các tổ chức và đoàn thể quần chúng, về sau được gọi là Hội nghị về quan hệ châu Á lần thứ nhất.
Tháng 1/1949, theo đề nghị của Miến Điện, Thủ tướng Nehru tổ chức Hội nghị Châu Á lần thứ hai tại New Delhi.
Tháng 4/1954, Thủ tướng 5 nước Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia, Pakistan và Xri Lanca họp tại Colombo để thảo luận các vấn đề quan tâm chung như: chống thực dân và phân biệt chủng tộc, chiến tranh lạnh, vấn đề thử vũ khí hạt nhân và hợp tác kinh tế. Tại đây Thủ tướng Nehru tuyên bố rằng đa số các nước tham dự Hội nghị theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết. Từ “Không liên kết” được sử dụng lần đầu tiên bởi Thủ tướng Ấn Độ Nehru trong bài phát biểu của ông khi ông miêu tả năm nguyên tắc cho quan hệ Trung-Ấn. Khái niệm “không liên kết” được dùng để miêu tả chính sách đối ngoại của của các quốc gia từ chối “không liên kết với” hay “chống lại” bất kỳ khối chính trị nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và theo đuổi đường lối độc lập trong chính trị quốc tế. Không liên kết cũng có thể được định nghĩa là không tham gia liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào trong Chiến tranh Lạnh: khối phương Tây do Mỹ lãnh đạo hay khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đầu. Chính sách không liên kết vì vậy được cho là giúp các quốc gia này không bị vướng vào cuộc xung đột giữa hai khối trong Chiến tranh Lạnh.
Theo đề nghị của Indonesia, 5 nước này quyết định triệu tập một Hội nghị các quốc gia độc lập Châu Á và Châu Phi trong năm 1955. Sau đó 5 nước lại gặp nhau tại Bogor (12/1954) và quyết định Hội nghị Á Phi sẽ họp tại thành phố Bandung của Indonesia từ 18 đến 24/4/1955.
Đến năm 1961, Phong trào chính thức được thành lập tại Bê-ô-grát, Serbia.
2.2. Cơ cấu và nguyên tắc hoạt động của Phong trào Không liên kết:
Nguyên tắc hoạt động
– Tôn trọng quyền cơ bản của con người và tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
– Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.
– Công nhận sự bình đẳng của tất cả chủng tộc và sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ.
– Tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
– Tôn trọng quyền tự vệ một cách đơn độc hoặc tập thể của mỗi quốc gia, thể theo Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
– Tránh các hành động hoặc đe dọa tấn công hoặc sử dụng vũ lực nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự độc lập chính trị của quốc gia khác.
– Giải quyết tất cả các tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
– Tăng cường sự hợp tác và đôi bên cùng có lợi.
– Tôn trọng công lý và các nghĩa vụ quốc tế.
Cơ cấu tổ chức
Phong trào Không liên kết là một loại thể chế quốc tế đặc biệt, là một hiện tượng mới trong luật pháp quốc tế. Nó không phải đơn thuần là một Hội nghị hoặc Diễn đàn Liên chính phủ họp định kỳ, mà cũng không phải là một tổ chức của các nước do một điều ước quốc tế lập ra, có điều lệ rõ ràng và được thể chế hóa chặt chẽ. Mức độ thể chế hóa của phong trào tương đối lỏng lẻo và thể hiện chủ yếu ở tập quán và lề lối hoạt động. Qua thực tiễn hoạt động, đã hình thành một hệ thống tổ chức gồm 3 cấp:
– Hội nghị cấp cao các vị đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các nước không liên kết, thông thường 3 năm họp một lần. Nguyên thủ của nước đăng cai Hội nghị cấp cao trở thành Chủ tịch đương nhiệm và là người phát ngôn của Phong trào.
– Giữa hai kỳ Hội nghị cấp cao, có hội nghị toàn thể các Bộ trưởng Ngoại giao.
– Cơ quan thường trực của Phong trào là Ủy ban phối hợp, thường xuyên hoạt động ở cấp đại sứ – đại diện các nước không liên kết bên cạnh Liên hợp quốc tại New York. Ủy ban phối hợp có thể họp cấp Bộ trưởng khi cần.
Thành viên và quan sát viên
Hiện nay, thành viên của Phong trào Không liên kết đa số ở các nước châu Á, châu Phi và chiếm gần 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc và 55% dân số thế giới. Tính đến nay, Phong trào có 120 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) và 17 quốc gia mang tư cách quan sát viên. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, dẫn đến việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà chỉ trích đã đặt dấu hỏi về mục đích tồn tại và sự vững bền của Phong trào không liên kết. Chính vì vậy Phong trào đã buộc phải tự điều chỉnh mình và đề ra mục tiêu mới trong hệ thống thế giới hiện tại.
Để trở thành thành viên của Phong trào không liên kết, cần đáp ứng những tiêu chuẩn như:
– Là nước có chính sách độc lập.
– Kiên định ủng hộ các phong trào độc lập dân tộc.
– Không là thành viên của bất cứ một liên minh quân sự đa phương nào thành lập trong bối cảnh các cuộc xung đột giữa các cường quốc.
– Nếu một nước có hiệp định quân sự đa phương với một cường quốc, hoặc là thành viên của một hiệp định phòng thủ khu vực thì hiệp định hoặc hiệp ước đó không được ký kết trong bối cảnh những cuộc tranh chấp giữa các cường quốc.
– Nếu một nước đã nhượng căn cứ quân sự cho một nước ngoài, thì sự nhượng đó không được tiến hành trong bối cảnh các cuộc tranh chấp giữa các cường quốc.
3. Quan hệ giữa Việt Nam và Phong trào Không liên kết:
Năm 1955 Việt Nam tham dự Hội nghị Á – Phi ở Bangdung (Indonesia), Hội nghị được nhiều người xem như là tiền thân của Phong trào không liên kết. Tại Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Phong trào Không liên kết.
Từ năm 1970 đến năm 1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam làm quan sát viên (Hội nghị Georgetown, Guyana năm 1972), rồi làm thành viên Phong trào (tại Hội nghị cấp cao IV Angiê, 1973).
Năm 1976 tại Hội nghị cấp cao V (Colombo, Sri Lanca), nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào. Bằng tấm gương sáng và thắng lợi của sự nghiệp chống ngoại xâm, Việt Nam đã sớm gắn bó và có những đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào Không liên kết. Ngay cả khi chưa là thành viên chính thức của phong trào, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước không liên kết và đang phát triển. Sau khi giành độc lập (năm 1945), Việt Nam đã đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc. Từ khi tham gia phong trào, Việt Nam đã tham dự tất cả các Hội nghị Cấp cao và Hội nghị ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia của mình vào phong trào không liên kết, chấp nhận đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của mình. Với những thành tựu đáng kể trong công cuộc đổi mới của mình, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của các nước không liên kết đang phát triển.