Các tác phẩm phái sinh đã quá quen thuộc đối với chúng ta, nhất là những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta nhắc đến và bàn luận về cách thức tạo ra một tác phẩm phái sinh, chúng ta thông thường sẽ nhắc đến việc cải biên hoặc chuyển thể mà sẽ quên không đề cập đến việc phóng tác.
Mục lục bài viết
1. Phóng tác là gì?
Tác phẩm phóng tác được hiểu cơ bản là tác phẩm phái sinh đã được dùng để nhằm mô phỏng theo nội dung của một tác phẩm đã có từ trước đó, chuyển tác phẩm từ thể loại này sang một thể loại khác. Phóng tác nhằm mục đích để có thể tạo ra một tác phẩm khác mà hình thức thể hiện của tác phẩm đó không giống với hình thức thể hiện của tác phẩm ban đầu được tạo ra.
Tác phẩm phóng tác thông thường thì sẽ ngắn hơn so với tác phẩm ban đầu nhưng những tác phẩm phóng tác được tạo ra sẽ vẫn là một tác phẩm đem đến cho các đối tượng người đọc một thế giới nghệ thuật trọn vẹn hơn, các tác phẩm phóng tác đem đến những hứng thú mới chứ không chỉ đơn thuần là một bản tóm tắt và nó sẽ không làm mất đi sự hứng thú của độc giả đối với tác phẩm.
Khi phóng tác một tác phẩm, các chủ thể là những tác giả sẽ cần phải có sự nghiên cứu, tìm tòi và lựa chọn tỉ mỉ để các tác giả sẽ có thể đưa ra một tác phẩm mới ngắn gọn, hàm tích hơn nhưng tác phẩm phóng tác đó vẫn đảm bảo được là một tác phẩm mới có đầy đủ các nội dung cốt truyện ở tác phẩm ban đầu và tác phẩm phóng tác tạo được sự quan tâm đối với người đọc.
Về mặt lý thuyết thì ta nhận thấy, một tác phẩm khi phóng tác sẽ có sự lặp lại cấu trúc, bản chất của tác phẩm nguyên mẫu, tuy nhiên, tác phẩm phóng tác trên thực tế sẽ có sự thay đổi về việc sắp xếp các yếu tố, các nhân vật so với tác phẩm gốc để nhằm mục đích có thể tạo nên sự khác biệt nhưng vẫn giữ nguyên được cốt truyện ban đầu ở tác phẩm gốc.
2. Mối quan hệ giữa tác phẩm gốc và tác phẩm phóng tác:
Chúng ta nhận thấy rằng, giữa tác phẩm gốc và tác phẩm phóng tác có những mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh trên thực tế sẽ có liên quan đến việc bảo hộ tác phẩm gốc, mối quan hệ này được thể hiện cụ thể như sau:
– Các tác phẩm phái sinh trên thực tế sẽ chỉ được hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã tồn tại. Quyền cho làm tác phẩm phái sinh thuộc nhóm quyền tài sản đối với tác phẩm, quyền tài sản đối với tác phẩm này được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20
– Hình thức thể hiện tác phẩm phóng tác phải khác biệt hoàn toàn hoặc từng phần so với tác phẩm gốc. Pháp luật quyền tác giả không bảo hộ đối với nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của các ý tưởng. Mặt khác, tác phẩm phái sinh sẽ không phải và không được là bản sao của tác phẩm gốc. Chính vì thế, ta nhận thấy, trong nhiều trường hợp hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh sẽ cần phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.
– Tác phẩm phái sinh theo quy định sẽ phải do chủ thể là tác giả tự mình sáng tạo nên mà tác giả đó sẽ không sao chép từ những tác phẩm khác hoặc tác phẩm của chính mình, các tác phẩm phái sinh của tác giả sẽ cần phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì tác phẩm phái sinh đó sẽ phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên ranh giới giữa tác phẩm phái sinh và xâm phạm quyền tác giả trên thực tế cũng là rất khó nhận biết.
– Về dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh, dấu ấn của tác phẩm gốc sẽ cần phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh, có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng sẽ cần phải có những sự liên tưởng cụ thể đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện cụ thể thông qua nội dung của tác phẩm gốc. Pháp luật quyền tác giả cũng sẽ không bảo hộ nội dung của tác phẩm, chính vì thế mà sự liên tưởng về nội dung giữa tác phẩm phái sinh với tác phẩm gốc không làm mất đi tính nguyên gốc của các tác phẩm phái sinh.
3. Đặc điểm của phóng tác:
Tác phẩm phóng tác có những đặc điểm cơ bản sau đây:
– Việc phóng tác sẽ tạo ra một tác phẩm phóng tác. Tác phẩm phóng tác được hiểu cơ bản là tác phẩm được tạo ra dựa trên một tác phẩm sẵn có nhưng tác phẩm phóng tác đó sẽ có sự sáng tạo nhất định về nội dung, hình thức, ngôn ngữ,… của tác phẩm đó.
– Chủ thể là người phóng tác là tác giả phóng tác, tác giả phóng tác sẽ được hưởng quyền tác giả kể từ khi tác phẩm phái sinh được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa thực hiện việc đăng ký đối với tác phẩm đó.
– Việc phóng tác thể hiện sự kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, bên cạnh đó nó cũng sẽ tiếp thu những giá trị mới. Vì vậy, phóng tác tác phẩm sẽ giúp hấp dẫn nhiều thế hệ bạn đọc hơn, từ đó có thể giúp tác phẩm gốc được biết đến rộng rãi hơn.
4. Quyền của tác giả đối với tác phẩm phóng tác:
Dưới đây là quyền của tác giả đối với tác phẩm phóng tác của mình:
– Chủ thể là người phóng tác cũng sẽ trở thành tác giả của phần phóng tác và người phóng tác sẽ được hưởng quyền tác giả. Việc phóng tác tác phẩm sẽ cần phải được sự đồng ý của chủ thể là tác giả, của chủ sở hữu tác phẩm gốc và người phóng tác phải trả thù lao cho tác giả, cho chủ sở hữu tác phẩm. Trong tác phẩm phóng tác thì cũng sẽ cần phải ghi tên của tác giả và tên bản gốc tác phẩm đó.
– Tác phẩm phóng tác thuộc đối tượng bảo hộ quyền tác giả, theo đó tác giả sẽ có quyền về nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình phóng tác. Cụ thể như sau:
+ Quyền nhân thân theo Luật sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền cơ bản sau đây: Quyền đặt tên cho tác phẩm; có quyền đứng tên thật hoặc là bút danh trên tác phẩm; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác được công bố tác phẩm đó; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
+ Quyền tài sản đối với tác phẩm phóng tác bao gồm các quyền cơ bản sau đây: Quyền được làm tác phẩm phái sinh; quyền biểu diễn tác phẩm đó trước công chúng; quyền được sao chép tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng những phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử; quyền cho thuê bản gốc hay bản sao tác phẩm điện ảnh.
Như vậy, tác giả đối của tác phẩm phóng tác sẽ có các quyền được nêu cụ thể bên trên đối với tác phẩm phóng tác của mình. Các quyền này được pháp luật bảo vệ và được pháp luật quy định cụ thể.
5. Tìm hiểu về bảo hộ đối với tác phẩm phóng tác:
Điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm phóng tác
– Các tác phẩm phóng tác theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ chỉ được bảo hộ nếu như các tác phẩm đó không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
– Các tác phẩm phóng tác phải do các chủ thể là những tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm phóng tác:
– Đối với quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm phóng tác được bảo hộ vô thời hạn theo quy định tại Điều 27
– Đối với thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản đối với tác phẩm phóng tác thì sẽ tùy thuộc vào loại hình tác phẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
+ Các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ theo quy định cụ thể là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Còn đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ của các tác phẩm này sẽ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình. Và, đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm sẽ được tính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
+ Tác phẩm không thuộc loại hình được nêu cụ thể bên trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; còn trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
– Pháp luật quy định thời hạn bảo hộ tác phẩm sẽ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Việc bảo hộ tác phẩm nói chung và bảo hộ đối với tác phẩm phóng tác nói riêng có những ý nghĩa và vai trò quan trọng thực tiễn. Việc ban hành các quy định nêu trên giúp đảm bảo quyền và những lợi ích hợp pháp của các tác giả.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.