Các ngành nghề phi nông nghiệp, các làng nghề, nhất là các làng nghề thủ công luôn đóng một vai trò cực kì quan trọng trong tiến trình phát triển của mình. Vậy phi nông nghiệp là gì? Danh mục các ngành nghề phi nông nghiệp gồm những ngành nghề nào?
Mục lục bài viết
1. Phi nông nghiệp là gì?
Phi nông nghiệp là những hoạt động kinh tế không thuộc các dạng hoạt động nông nghiệp có tính chất nguyên thủy như trồng chọt, chăn nuôi, đánh bắt, săn bắn,… Nói cách khác, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp trong nông thôn là các hoạt động tạo ra thu nhập không thuộc vào dạng hoạt động nông nghiệp nguyên thủy.
Theo Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg của Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 24/11/2000 về Phát triển hoạt động phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn có xác định rằng các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn được coi là tất cả các hoạt động công nghiệp, các ngành thủ công nghiệp nhỏ và vừa, các dịch vụ sản xuất và đời sống được thực hiện ở khu vực nông thôn, sử dụng các nguồn lực tại địa phương (lao động, đất đai, nguyên vật liệu) và có liên hệ mật thiết với việc phát triển đời sống nông thôn.
Những định nghĩa trên đây tuy đã xác định rõ bản chất của các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, nhưng trên thực tế khi xác định một đối tượng thuộc hoạt động nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp cũng có nhiều khó khăn. Nhiều lao động tham gia đồng thời vào nhiều hoạt động khác nhau, vừa làm nông nghiệp và làm tiểu thủ công nghiệp, vừa làm nông nghiệp vừa đi làm thuê, buôn bán, hoặt trong thời gian này làm nông nghiệp, nhưng thời gian khác lại đi buôn bán hoặc làm thuê,… Chính vì lẽ đó, ranh giới giữa hoạt động kinh tế phi nông nghiệp và hoạt động kinh tế thuần túy nông nghiệp là tuơng đối khó xác định.
2. Danh mục ngành nghề phi nông nghiệp:
Trên thực tế, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn thường bao gồm các loại hình sau:
* Làng nghề
– Năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 quy định nội dung và các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Theo đó, Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau. Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời. Cũng theo Thông tư nói trên, các tiêu chí dùng để công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được quy định như sau: Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt 03 tiêu chí sau: (a) nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; (b) nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; (c) nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
– Làng nghề được công nhận phải đạt 03 tiêu chí sau: (a) có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; (b) hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; (c) chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Làng nghề truyền thống được công nhận phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống theo quy định tại Thông tư này. Đối với những làng chưa đạt tiêu chí công nhận làng nghề (theo tiêu chí (a) và (b) trên đây) nhưng có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận theo quy định của Thông tư này thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống.
* Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp
Ngoài hình thức làng nghề, các hoạt động phi nông nghiệp còn bao gồm các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ,… phục vụ nông nghiệp. Các ngành này bao gồm:
– Sản xuất tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ ở nông thôn; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề ở nông thôn.
– Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
– Xây dựng, vận tải trong nội bỗ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn, nông lâm thủ sản. Các hoạt động này có thể do các hộ gia đình, cá nhân, các tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh,… thực hiện.
3. Vai trò của các ngành nghề phi nông nghiệp:
Hoạt động kinh tế phi nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của các hộ gia đình cũng như đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và quốc gia.
– Hoạt động kinh tế phi nông nghiệp có vai trò và tác dụng nhiều mặt trong công cuộc phát triển nông thôn, đô thị hóa nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của cư dân nông thôn, trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, ổn định xã hội, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xây dựng xã hội, đời sống và con người ở nông thôn.
– Phát triển hoạt động kinh tế phi nông nghiệp sẽ thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong nông nghiệp. Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu muốn có nguồn hàng ổn định và nguyên liệu chất lượng cao, sẽ phải tập trung sản xuất nguyên liệu và nông sản thô, cung cấp cho nông dân dịch vụ đồng bộ hình thành sản xuất quy mô. Đó là một cơ chế lợi ích mở ra con đường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công cụ hiện đại để sản xuất chuyên môn hóa, tạo ra nhu cầu với khoa học kỹ thuật mới.
– Phát triển các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp không chỉ là phát triển kinh tế theo ý nghĩa thông thường, mà còn là phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc trong tăng trưởng kinh tế: Trong làng nghề, đã tồn tại từ lâu đời các ngành nghề truyền thống rất đặc biệt, gắn với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh sảo của các nghệ nhân được lưu truyền từ hàng trăm năm nay đang được gìn giữ, kế thừa, khôi phục.
– Các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hoá giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế những đặc trưng văn hoá, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi làng nghề, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch: Đã có nhiều khu du lịch kết hợp với làng nghề, hình thành những làng nghề du lịch, những điểm và các tuyến du lịch làng nghề, tạo ra những sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn. Khách du lịch được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm tiểu thủ công thể hiện bản sắc của từng dân tộc. Nhiều vấn đề về bảo tồn không gian làng nghề, kết hợp du lịch làng nghề với quần thể kiến trúc địa phương (đền, chùa, miếu,…), mở mang đường giao thông, khắc phục ô nhiễm môi trường,… cũng đang được các làng nghề chú trọng xử lý.
4. Thực trạng phát triển nghề phi nông nghiệp ở nước ta hiện nay:
4.1. Những thành tựu đạt được:
Công cuộc cải cách kinh tế Việt Nam được khởi xướng từ giữa những năm 1980 đã và đang mang lại những thay đổi căn bản trong kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Các chính sách giao đất cho nông dân, loại bỏ những rào cản buôn bán trao đổi hàng hóa, khuyến khích đầu tư vào phát triển kinh tế tư nhân đã tạo đà cho sự phát triển của kinh tế nông nghiệp và tiếp theo đó là sự phát triển các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Những năm qua, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đời sống của các hộ gia đình cũng như đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và quốc gia trong giai đoạn đầu của sự phát triển nhất trong các vùng nông thôn lạc hậu.
Hoạt động phi nông nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho nông dân và trên thực tế, hoạt động này góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong khu vực nông thôn.
4.2. Những vấn đề tồn tại cần giải quyết:
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng hoạt động kinh tế phi nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Một là, nhận thức về phát triển các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp còn hạn chế, cùng với trình độ phát triển kinh tế nông thôn còn thấp, phân công lao động chưa rõ ràng, nên hầu hết các hộ gia đình nên hoạt động phi nông nghiệp thường đan xen vào các hoạt động nông nghiệp, phân tán trong các hộ gia định và thường mang lại những khoản thu nhập phụ trợ
Hai là, thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đây đang là một khó khăn lớn của hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Mặc dù, Chính phủ đã quy định hoạt động đầu tư và làm hàng xuất khẩu được vay vốn tín dụng đầu tư và vốn tín dụng xuất khẩu, CIEM, Trung tâm Thông tin – Tư liệu 28 nhưng thực tế, hầu hết các đơn vị không vay được vốn bởi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và cơ sở sản xuất phi nông nghiệp làm hàng xuất khẩu chủ yếu xuất ủy thác qua các công ty xuất nhập khẩu địa phương hoặc ngành hàng. Một số đơn vị tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi nhưng số tiền vay được rất ít
Ba là, khó khăn về thị trường tiêu thụ, chậm đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên thị trường của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh tế phi nông nghiệp bị thu hẹp, không tìm kiếm được đơn hàng mới, nhiều đơn hàng đã ký nay buộc phải hủy bỏ hoặc bị dãn tiến độ vì khách hàng không có khả năng thanh toán…. Sức tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng giảm sút nặng nề. Các sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nhức nhối, không ít làng nghề trong thời gian qua đã dần thoát ly sản xuất nông nghiệp, nay lại phải cố gắng quay về với nghề nông “truyền thống”.
Bốn là, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp chịu nhiều áp lực từ vấn đề lao động – việc làm. Theo đánh giá của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho thấy, hiện có rất nhiều doanh nghiệp làng nghề đang phải cầm cự hoặc đang thoi thóp, đi cùng với đó là nguy cơ hàng triệu lao động tại các làng nghề có thể mất việc làm. Đó là những lao động chủ yếu làm trong các ngành nghề thủ công như gốm sứ, mộc, gỗ, mây tre đan Không có việc làm, không có thu nhập, đời sống gia đình sẽ khó khăn, sức mua sẽ giảm… ảnh hưởng đến các mặt hoạt động văn hoá – xã hội, gây áp lực lớn đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Năm là, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đó là: Ô nhiễm không khí do sử dụng các loại nhiên liệu, hóa chất và vật tư trong sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm; Ô nhiễm nguồn nước do nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất; Ô nhiễm môi trường đất do các chất thải rắn gây ra, chủ yếu do các tổ chức sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề chế biến giấy, nhựa, may tre đan, chế biến thực phẩm…. Ô nhiễm tiếng ồn do quá trình sản xuất,… Ô nhiễm môi trường do hoạt động kinh tế phi nông nghiệp gây ra tại khu vực nông thôn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp gây ra các bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của người lao động trong khu vực này mà còn ảnh hưởng lớn tới đời sống và sự phát triển kinh tế, xã hội của cư dân nông thôn nói chung. Hậu quả là xuất hiện các “làng ung thư” và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nghề trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản… Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên tự nhiên bị khai thác bừa bãi cũng dẫn đến tình trạng sụt giảm tính đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
5. Một số kiến nghị về biện pháp phát triển hoạt động nghề phi nông nghiệp:
Một là, thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của phát triển hoạt động kịnh tế phi nông nghiệp. Việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chỉ như vậy mới có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm, giảm thiểu thời gian nông nhàn, từ đó rút ngắn sự chênh lệch về khả năng phát triển kinh tế giữa thành thị và nông thôn, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra.
Hai là, giải quyết nhu cầu về vốn cho hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng nên xem xét điều kiện cho vay theo hiệu quả, doanh số kinh doanh, hoặc xem xét số lượng việc làm được tạo ra trong lĩnh vực hoạt động kinh tế phi nông nghiệp đó. Như vậy, doanh nghiệp tại lĩnh vực này mới tiếp cận được vốn và duy trì việc làm cũng như tạo thêm việc cho người lao động.
Ba là, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh.
Bốn là, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đây là vấn đề cấp bách đối với sự phát triển của hoạt động kinh tế phi nông nghiệp vì hiện nay đang có tình trạng lao động phi nông nghiệp không thiết tha gắn bó với nghề, thanh niên nông thôn không muốn làm việc tại các vùng nông thôn,…
Năm là, phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ ở nông thôn, mở rộng các quan hệ thị trường ở cả đầu vào lẫn đầu ra, nhằm thúc đẩy quan hệ hàng hóa – tiền tệ ở khu vực nông thôn lên một cấp độ mới, phải củng cố và mở rộng hoạt động của khu vực chợ nông thôn, các hợp tác xã mua bán.
Sáu là, có các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, vấn đề cấp bách hiện nay là cải thiện môi trường sống (không khí, nước, đất,…) tại khu vực phi nông nghiệp ở nông thôn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg của Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 24/11/2000 về Phát triển hoạt động phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn.