Hình thức kinh doanh nhượng quyền hiện nay đang được các nhà đầu tư khai thác khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước khi chủ đầu tư muốn kinh doanh nhượng quyền thì phải tìm hiểu kỹ về các chi phí nhượng quyền để đảm bảo được vấn đề cân đối tài chính. Vậy phí nhượng quyền là gì? Chi phí nhượng quyền thương hiệu?
Mục lục bài viết
1. Phí nhượng quyền là gì?
Nhượng quyền thương hiệu chính là một thuật ngữ để nói về một hình thức kinh doanh của những cá nhân hay những tổ chức nào đó mà được phép dùng thương hiệu của một sản phẩm hay dịch vụ của bên nhượng quyền nhằm để kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên với điều kiện là bên được nhượng phải đồng ý các thỏa thuận của bên nhượng lại thương hiệu.
Mô hình nhượng quyền thương hiệu tương đối là phổ biến trong thời gian gần đây, nhượng quyền thương hiệu đã phát triển lên thành hoạt động tích hợp các công việc từ marketing, cho đến hoạt động kinh doanh và hoạt động phân phối.
Về hình thức kinh doanh nhượng quyền, sẽ có 2 nhóm chính sẽ tham gia vào hình thức kinh doanh nhượng quyền đó chính là bên bán hay cho thuê (franchisor: những cá nhân hoặc những doanh nghiệp thực hiện cho thuê quyền kinh doanh, bao gồm có cả thương hiệu và hệ thống sản xuất) và bên mua hay thuê (franchisee: những người thuê lại quyền đó).
Những quyền kinh doanh đó sẽ được bên bán (hay còn gọi là franchisor) thực hiện bán cho bên mua (hay còn gọi là franchisee) để họ thu về một khoản tiền ban đầu, được gọi là phí gia nhập hay là Phí nhượng quyền (tên tiếng anh là franchise fee). Số tiền này sẽ phải giao ngay sau khi hợp đồng giữa hai bên đã được ký kết.
2. Chi phí nhượng quyền thương hiệu:
Những phí nhượng quyền ban đầu chỉ bao gồm có quyền sử dụng tên và sử dụng hệ thống sản xuất, điều hành và đôi khi bao gồm có cả việc đào tạo theo chế độ, đào tạo theo những thủ tục, tài liệu hướng dẫn, và theo một số chi tiết phụ trợ khác. Phí này không bao gồm những thứ như sau: những tài sản cố định, bàn ghế, bất động sản…
Ngoài các phí nhượng quyền, bên mua còn phải có nghĩa vụ trả một loại phí khác đó là Phí thành viên (tên tiếng anh là royalty fees) hay các khoản thanh toán khác theo đúng thỏa thuận để tiếp tục kinh doanh. Phần chi phí này sẽ thường được trích ra từ tổng doanh thu bán hàng, nhưng nó cũng có thể là một khoản xác định. Tất cả các điều khoản này sẽ phải được quy định rõ ràng trong hợp đồng nhượng quyền. Phí này được sử dụng nhằm mục đích duy trì những loại dịch vụ tư vấn và dịch vụ hỗ trợ mà bên bán sẽ phải cung cấp cho bên mua. Bên bán họ cũng có thể cung cấp nguyên vật liệu trực tiếp cho bên mua.
Ngân sách dành cho quảng cáo sẽ được chi trả định kỳ. Khoản tiền này sẽ thường được đưa vào tài khoản chung nhằm để sử dụng vào chiến dịch quảng cáo hay chương trình khuyến mãi của cả hệ thống trên phạm vi địa phương hay trên toàn quốc.
Mỗi thương hiệu thì sẽ có quy định về chi phí nhượng quyền là khác nhau vì thế chi phí nhượng quyền thương hiệu sẽ không có một có số nào cụ thể, nhưng nó sẽ thường dao động từ vài trăm triệu cho đến tỷ đồng tùy thuộc vào thời gian và tên thương hiệu, độ nổi tiếng và uy tín của thương hiệu. Các thương hiệu trà sữa hiện nay đang được ưu tiên việc nhượng quyền thương hiệu trên thị trường nhằm dễ dàng tạo độ phủ cho nhãn hiệu của mình, nhưng thông thường những thương hiệu co độ “nổi” thì chi phí nhượng quyền thì lại không rẻ.
Ví dụ như nhượng quyền của cửa hàng trà sữa TC:
Thương hiệu trà sữa TC có phí nhượng quyền dao động từ: 160 – 300 triệu đồng/3 năm tùy từng khu vực và theo chiến lược hoạt động của TC .
Cụ thể như sau:
– 160 triệu đồng/3 năm cho các khu vực thuộc tỉnh
– 200 triệu đồng/3 năm cho khu vực là TPHCM, Đà Nẵng, Nha trang, Huế, Hội An, Hải Phòng, Cần Thơ
– 300 triệu đồng/3 năm cho khu vực ở Hà Nội
– Phí giám sát tư vấn là: 30 triệu đồng/năm
– Chi phí về nguyên liệu (bắt buộc lấy của TC ): Đơn hàng đầu tiên sẽ ở mức là 195 triệu đồng (chưa gồm VAT). Đối với các đơn hàng tiếp theo thì đại lý tự lên tùy tình hình kinh doanh.
– Chi phí về máy móc, thiết bị, phần mềm (máy pha chế, máy dự trữ nguyên liệu,..) là 130 triệu đồng
– Những khoản chi phí khác và chi phí nhân công
3. Ưu điểm và hạn chế khi kinh doanh nhượng quyền:
3.1. Ưu điểm khi kinh doanh nhượng quyền:
– Đảm bảo được chất lượng: Việc kinh doanh nhượng quyền sẽ không chỉ có một hoặc là hai cửa hàng mà nó có thể lên tới hàng chục,hàng trăm cửa hàng khác nhau. Chính vì vậy mà việc kinh doanh nhượng quyền với các thương hiệu đã được tính toán, xây dựng từ trước sẽ đảm bảo được sự minh bạch cũng như là chất lượng đối với những người tiêu dùng. Các cửa hàng nhận nhượng quyền sẽ được giám sát khá chặt chẽ và gắt gao từ khâu chuẩn bị cho đến ở quá trình hoạt động, bởi vì chỉ một mắt xích lỏng lẻo thôi thì một cơ sở sẽ gặp trục trặc dẫn đến ảnh hưởng toàn bộ đến chuỗi thương hiệu.
– Định vị thương hiệu sẵn có: đối với bên nhận thương hiệu sang nhượng là một điều khá thuận lợi, bởi vì bên nhận quyền sẽ không phải tốn thời gian, tiền bạc để định hình thương hiệu của mình trên thị trường nữa. Mà thay vào đó họ sẽ chỉ cần tập trung để phát triển vào bên trong như phát triển về cách quản lý vận hành sao cho có một bộ máy tổ chức tốt để phát triển doanh nghiệp.
– Hệ thống quy mô khá bài bản: Những quy trình để vận hành kinh doanh, một quy trình tuyển chọn nhân viên đều đã được hệ thống hóa về một quy chuẩn nhất định. Vì thế đã có một khung xương sẵn có thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để chủ doanh nghiệp phân bổ xuống những cơ sở nhận nhượng quyền. Điều này sẽ giúp cho hệ thống quy mô bài bản và là một yếu tố giúp cho việc quản lý dễ dàng hơn và khi có gặp sự cố thì có thể khắc phục luôn được vì đã có những nguyên tắc được đặt ra ngay từ đầu.
– Hệ thống đào tạo bài bản: Một điều nữa là khi sử dụng phương thức nhượng quyền thương hiệu thì sẽ được hưởng toàn bộ những quy trình, chương trình đào tạo nhân viên bài bản. Những đặc quyền của chương trình đào tạo từ A-Z cũng như các thông tin về thương hiệu và tất cả mọi thứ sẽ được trình bày một cách bài bản và chuyên nghiệp. Chính những hệ thống đào tạo này sẽ giúp cho có được đội ngũ được training có một chất lượng tốt và sẽ được nhận biết tốt về thương hiệu vừa được nhượng.
– Sự hỗ trợ đắc lực chính từ chủ nhượng quyền: Chủ nhượng quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện hỗ trợ tối đa cho các bên nhận nhượng quyền. Từ việc pháp lý, thiết kế, trình bày cho đến các chiến lược marketing, tất cả mọi thứ đều được hỗ trợ tối đa từ phía đối tác.
3.2. Nhược điểm của kinh doanh nhượng quyền:
– Không thể có toàn quyền điều hành thương hiệu: Đối với những bên sử dụng phương thức nhượng quyền thương hiệu thì họ sẽ không thể sở hữu thương hiệu này, mà họ chỉ được phép thực hiện kinh doanh dưới tên thương hiệu của người khác. Vì thế, nếu họ không đáp ứng được những quy chuẩn, quy định mà bên cung ứng đưa ra thì rất có thể hợp đồng nhượng quyền sẽ bị chấm dứt và mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn đối với họ.
– Cạnh tranh trong chuỗi: Sẽ không chỉ có riêng một hoặc hai nhà đầu tư sử dụng phương thức này mà sẽ có rất nhiều người muốn nhượng quyền thương hiệu. Vấn đề cạnh tranh trong chuỗi là điều rất gay gắt vì để nhằm đạt được doanh thu mà chủ nhượng quyền đề ra cho họ.
– Thiếu tính sáng tạo: những người nhận nhượng quyền phải làm theo những quy định, quy chuẩn được đặt ra từ đối tác cho những người nhận nhượng quyền là điều chắc chắn. Gần như mọi hoạch định, kế hoạch đã được định sẵn cho họ. Các chính sách, quy định sẽ được đưa từ trên xuống dưới và chính vì thế mà họ dường như không thể sáng tạo cách quản lý và vận hành kinh doanh và đây chính là điều tù túng trong phương thức nhượng quyền.