Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của những mặt hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Vậy phí bảo vệ môi trường có phải chịu thuế giá trị gia tăng hay không?
Mục lục bài viết
1. Phí bảo vệ môi trường có phải chịu thuế giá trị gia tăng hay không?
1.1. Phí bảo vệ môi trường:
Phí bảo vệ môi trường chính là một khoản tiền mà cá nhân, tổ chức xả thải ra môi trường hoặc cá nhân, tổ chức làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường thì phải nộp nhằm cơ bản bù đắp các chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp những dịch vụ cho hoạt động bảo vệ, xây dựng, bảo dưỡng môi trường.
Đây được xem là một khoản thu bắt buộc đối với những cá nhân, pháp nhân được hưởng một lợi ích hoặc sử dụng một dịch vụ môi trường nào đó.
1.2. Phí bảo vệ môi trường có phải chịu thuế giá trị gia tăng hay không?
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế giá tri gia tăng 2008 quy định đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam trừ các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng mà pháp luật quy định. Đối chiếu với các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá tri gia tăng 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng 2016 thì phí bảo vệ môi trường không thuộc các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, vì thế phí bảo vệ môi trường phải chịu thuế giá tri gia tăng theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, đã có 4 khoản phí bảo vệ môi trường đang được thực hiện như sau:
Thứ nhất, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: được thực hiện từ năm 2003 với mục tiêu là giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra, sử dụng nguồn nước sạch một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Quy định về loại phí này được thể hiện trong Nghị định 53/2020/NĐ-CP, đối tượng chịu loại phí bao gồm có:
– Nước thải công nghiệp (nước thải từ các nhà máy, địa điểm, cơ sở sản xuất, chế biến của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật, bao gồm có:
+ Cơ sở sản xuất, chế biến: Nông sản, lâm sản, thủy sản, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá.
+ Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại theo các quy định pháp luật về chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
+ Cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc diện phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.
+ Cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề.
+ Cơ sở: Thuộc da, tái chế da, dệt, nhuộm, may mặc.
+ Cơ sở: Khai thác, chế biến khoáng sản.
+ Cơ sở sản xuất: Giấy, bột giấy, nhựa, cao su; linh kiện, thiết bị điện, điện tử.
+ Cơ sở: Cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng.
+ Cơ sở: Sơ chế phế liệu, phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu, xử lý chất thải.
+ Cơ sở: Hóa chất cơ bản, phân bón, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ gia dụng.
+ Nhà máy cấp nước sạch, nhà máy điện.
+ Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu đô thị.
+ Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cảng cá, khu công nghệ cao và các khu khác.
+ Cơ sở sản xuất, chế biến khác có phát sinh nước thải từ hoạt động sản xuất, chế biến.
– Nước thải sinh hoạt, bao gồm:
+ Hộ gia đình, cá nhân.
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác, trừ những cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức này.
+ Cơ sở: Rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy.
+ Cơ sở khám, chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Thứ hai, phí bảo vệ môi trường đối với các chất thải rắn: được thực hiện từ năm 2007, phí thu đối với loại chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hoặc các hoạt động khác. Ngoài phí bảo vệ môi trường đối với các chất thải rắn, hiện nay còn đang áp dụng thu “phí vệ sinh” là một khoản thu nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ cho chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại địa phương.
Thứ ba, phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác khoáng sản: được thực hiện từ năm 2006, thu vào những hoạt động khai thác khoáng sản gồm có khoáng sản kim loại và khoáng sản phi kim loại. Số tiền thu từ phí bảo vệ môi trường được dùng cho các mục đích hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.
Thứ tư, phí xăng dầu: đang thu đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazút, dầu mỡ nhờn. Số tiền thu từ phí xăng dầu được phân bổ cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
2. Mức thuế suất giá trị gia tăng phí bảo vệ môi trường:
Căn cứ vào quy định tại khoản 2 và 3 Điều 8 Luật giá trị gia tăng và các đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng từ mức thuế suất 10% xuống 8% được quy định tại Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng thì hàng hóa đó có thể sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 5% hoặc hoặc 8% hoặc 10% tùy thuộc cụ thể vào việc hàng hóa đó là hàng hóa gì. Theo đó:
2.1. Mức thuế suất 5%:
Áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ sau đây:
– Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
– Phân bón; quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
– Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác;
– Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp;
– Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa qua chế biến;
– Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
– Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến;
– Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;
– Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác mà được sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;
– Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp;
– Thiết bị, dụng cụ y tế; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh;
– Sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
– Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập;
– Hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
– Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ:
+ Sách xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành;
+ Sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học – kỹ thuật;
+ Sách in bằng chữ dân tộc thiểu số;
+ Tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử;
+ Tiền, in tiền.
Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
2.2. Mức thuế suất 8%:
– Áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không thuộc quy định nêu trên.
– Áp dụng đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó được qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra).
– Áp dụng đối với các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra đối với mặt hàng là than khai thác bán ra.
– Mức thuế suất này được ược áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
2.3. Thuế suất 10%:
– Kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể là khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất (ví dụ như than cứng và than non; dầu thô khai thác; dầu mỏ và dầu thu được từ khoáng bitum, ở dạng thô;…).
– Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (ví dụ như xăng các loại).
– Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
– Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thuế giá trị gia tăng 2008;
– Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
– Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013;
– Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016;
– Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.