Bốc dỡ hàng hóa là hoạt động được thực hiện sau khi tàu thuyền đã hoàn thành xong thủ tục nhập cảng. Vậy hành vi tự ý bốc dỡ hàng hóa khi chưa hoàn thành thủ tục vào càng bị xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phạt tự ý bốc dỡ hàng khi chưa hoàn thành thủ tục vào cảng:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi tự tiện bốc dỡ hàng hóa khi chưa làm thủ tục vào cảng theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 142/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải (sau được bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng) , có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về vấn đề bảo đảm an toàn hàng hải, bảo đảm an ninh hàng hải và an ninh trật tự trong phạm vi hoạt động khai thác cảng biển. Theo đó thì các đối tượng có hành vi tự tiện bốc dỡ hàng hóa khi chưa hoàn thành thủ tục vào cảng sẽ bị xử phạt với mức tiền cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Sử dụng người lao động không có giấy phép hoặc sử dụng người lao động không có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Không thông báo kịp thời cho cảng vụ hàng hải về các sự cố và các tai nạn có liên quan xảy ra trên thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hàng hải và an ninh hàng hải, và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ô nhiễm môi trường tại cảng biển theo quy định của pháp luật;
+ Không cung cấp cho cảng vụ hàng hải về số liệu và các loại giấy tờ có liên quan đến độ sâu vùng nước trước cầu cảng định kỳ theo quy định của pháp luật;
+ Không thực hiện nhiệm vụ khảo sát định kỳ theo quy định của pháp luật để có thể công bố thông báo đầy đủ về độ sâu của vùng nước trước cầu cảng và vùng nước khác theo quy định của pháp luật;
+ Thiết bị chiếu sáng tại cầu cảng không hoạt động được hoặc các thiết bị này hoạt động không đúng và không phù hợp với quy chuẩn tiêu chuẩn kĩ thuật theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Cho tàu thuyền vào cảng hoặc cho tàu neo đậu tại các vùng nước cảng biển khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chưa được sự cho phép của cảng vụ hàng hải;
+ Tự ý bốc dỡ hàng hóa khi tàu thuyền chưa hoàn thành xong thủ tục vào cảng theo quy định của pháp luật;
+ Tất cả các loại hệ thống đệm chống va buộc tàu của cầu cảng không đủ hoặc các hệ thống này không đảm bảo an toàn cho các loại tàu thuyền trong quá trình neo đậu;
+ Không có hoặc không làm thủ tục xác nhận hằng năm đối với giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển theo quy định của pháp luật hoặc không thực hiện đầy đủ theo kế hoạch an ninh cảng biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Không cung cấp các thông tin hoặc cung cấp các thông tin tuy nhiên quá trình cung cấp không kịp thời và không chính xác đối với các loại thông tin liên quan đến an ninh hàng hải cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không tổ chức diễn tập hoặc không thực hiện hoạt động kết nối thông tin an ninh hàng hải theo quy định của pháp luật;
+ Không bố trí đầy đủ cán bộ an ninh hàng hải theo quy định của pháp luật tại cảng biển;
+ Bố trí các loại bến phao cho tàu thuyền ra vào hoặc rời cảng biển không đảm bảo thời gian theo kế hoạch điều động tàu thuyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cảng vụ hàng hải hoặc không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật;
+ Không trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng tại cầu cảng theo quy định của pháp luật;
+ Không lưu trữ đầy đủ hồ sơ phục vụ cho quá trình quản lý và vận hành hoặc bảo trì các công trình hàng hải;
+ Không thực hiện thủ tục kiểm định hoặc điều khiển các loại phương tiện và thiết bị xếp dỡ máy móc chuyên dùng trong nội bộ cửa cảng biển mà không được kiểm định đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, người nào có hành vi tự tiện bốc dỡ hàng hóa khi tàu thuyền khi chưa hoàn thành thủ tục vào cảng theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi tự ý bốc dỡ hàng khi chưa hoàn thành thủ tục vào cảng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 60 của Nghị định 142/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải (sau được bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng) , có quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cảng biển của thanh tra, cụ thể như sau:
– Thanh tra viên thuộc Bộ giao thông vận tải, thanh tra viên chuyên ngành hàng hải và những người được xác định là đối tượng giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hàng hải đang trong quá trình thi thành công vụ có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chánh thanh tra Cục hàng hải Việt Nam, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục hàng hải Việt Nam có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị dưới 50.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ giao thông vận tải có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 70.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị dưới 70.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chánh thanh tra Bộ giao thông vận tải có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép và tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Theo như phân tích nêu trên thì hành vi tự tiện bốc dỡ hàng hóa khi chưa thực hiện và chưa hoàn thành thủ tục báo cáo có thể bị phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng. Vì vậy hành vi này sẽ thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra Cục hàng hải Việt Nam hoặc trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục hàng hải Việt Nam.
3. Thời hiệu xử phạt hành vi tự ý bốc dỡ hàng khi chưa hoàn thành thủ tục vào cảng:
Theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 142/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải (sau được bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng), có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là 01 năm, bên cạnh đó, riêng đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng cảng biển, xây dựng cảng cạn, xây dựng công trình hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý giá, quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Như vậy, thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với người tự ý bốc dỡ hàng hóa khi tàu thuyền chưa hoàn thành thủ tục vào cảng được xác định là 01 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 142/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.