Từ khi nước ta thực hiện cơ chế mở cửa, hội nhập quốc tế thì hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương với các nước cũng phát triển. Các phương thức thanh toán chứng từ ra đời được sử dụng ngày một phổ biến với hình thức muôn màu muôn vẻ. Cùng tìm hiểu phát hành thương phiếu là gì?
Mục lục bài viết
1. Phát hành thương phiếu là gì?
1.1. Thương phiếu là gì?
Thương phiếu là chứng chỉ có giá ghi nhận lệnh yêu cầu thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định trong một thời gian nhất định.
Thương phiếu có thể được phân loại như sau:
Dựa trên cơ sở người lập, thương phiếu gồm 2 hình thức:
+ Hối phiếu: là chứng chỉ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng. Trong hối phiếu được phân loại như sau:
1. Hối phiếu đòi nợ: là giấy tờ có giá do người kí phát lập, yêu cầu người bị kí phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.
2. Hối phiếu nhận nợ: là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng
Hối phiếu được phát hành phù hợp với luật của địa phương nơi hối phiếu được phát hành.
Hối phiếu cần đảm bảo những nội dung sau:
– Tiêu đề: Cụm từ “Hối phiếu đòi nợ” được ghi trên mặt trước của hối phiếu đòi nợ hoặc “Hối phiếu nhận nợ” được ghi trên mặt trước của hối phiếu nhận nợ.
– Yêu cầu thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định: Số tiền phải ghi rõ ràng, đơn giản, đúng tập quán quốc tế, được ghi cả bằng số và bằng chữ. Khi số tiền trên hối phiếu được ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì số tiền ghi bằng chữ có giá trị thanh toán.
Trong trường hợp số tiền trên hối phiếu được ghi hai lần trở lên bằng chữ hoặc bằng số và có sự khác nhau thì số tiền có giá trị nhỏ nhất được ghi bằng chữ có giá trị thanh toán.
– Thời hạn thanh toán: Thời hạn thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu đòi nợ sẽ được thanh toán ngay khi xuất trình;
– Địa điểm thanh toán: Địa điểm thanh toán không được ghi trên hối phiếu thì hối phiếu sẽ được thanh toán tại địa chỉ của người bị kí phát (đối với hối phiếu đòi nợ) hoặc người phát hành (đối với hối phiếu nhận nợ).
– Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân, địa chỉ của người bị kí phát (đối với hối phiếu đòi nợ)
– Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người kí phát (đối với hối phiếu đòi nợ) hoặc người phát hành (đối với hối phiếu nhận nợ) chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu đòi nợ theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu đòi nợ cho người cầm giữ;
– Địa điểm và ngày kí phát: Địa điểm kí phát không được ghi cụ thể trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu đòi nợ được coi là kí phát tại địa chỉ của người kí phát (đối với hối phiếu đòi nợ) hoặc địa chỉ của người phát hành (đối với hối phiếu nhận nợ).
– Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân, địa chỉ và chữ kí của người kí phát hoặc người phát hành.
+ Lệnh phiếu: là chứng chỉ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.
Nội dung của lệnh phiếu cần đảm bảo những nội dung sau:
– Từ “Lệnh phiếu” được ghi trên mặt trước của lệnh phiếu;
– Cam kết chi trả không điều kiện một số tiền xác định;
– Thời hạn thanh toán lệnh phiếu;
– Địa điểm thanh toán lệnh phiếu;
– Tên và địa chỉ của người thụ hưởng;
– Địa điểm và ngày kí phát hành;
– Tên, địa chỉ và chữ kí của người phát hành.
Dựa trên phương thức chuyển nhượng, thương phiếu gồm 3 hình thức:
+ Thương phiếu vô danh: là loại thương phiếu không ghi rõ tên người thụ hưởng.
+ Thương phiếu đích danh: là loại thương phiếu có ghi tên người thụ hưởng.
+ Thương phiếu ký danh: là loại thương phiếu có ghi tên người thụ hưởng và có quyền chuyển nhượng.
1.2. Phát hành thương phiếu là gì?
Phát hành thương phiếu là việc lập, ký và chuyển giao thương phiếu lần đầu của người ký phát hoặc người phát hành cho người thụ hưởng.
Khi nào doanh nghiệp phát hành thương phiếu?
Thương phiếu được phát hành trong 1 khoảng thời gian ngắn. Chúng được coi là khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Nó xảy ra khi doanh nghiệp cần ngay 1 số tiền lớn để chi cho sản xuất. Vậy tại sao họ lại không đi vay ngân hàng? Như các bạn đã biết, thủ tục của vay vốn trong ngân hàng rất lằng nhằng, tốn thời gian. Vì thế khi cầm được tiền trên tay có khi doanh nghiệp đã đi đến bước phá sản. Cho nên việc phát hành thương phiếu cực kỳ có lợi.
2. Chủ thể có quyền phát hành thương phiếu:
Người phát hành là người lập và ký phát hành lệnh phiếu. Theo quy định của Pháp lệnh thì:
– Người ký phát, người phát hành quy định phải là các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và hợp tác xã.
– Tổ chức tín dụng không phải là người ký phát, người phát hành.
3. Hình thức phát hành thương phiếu:
Thương phiếu được phát hành theo hình thức chiết khấu, tức là được bán với giá thấp hơn mệnh giá. Chênh lệch giữa giá mua và mệnh giá thương phiếu chính là thu nhập của người sở hữu thương phiếu.
Thương phiếu phải được lập trên mẫu in sẵn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thương phiếu phải được lập bằng tiếng Việt.
Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài, thương phiếu phải được lập bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Việc sử dụng các hình thức thông tin điện tử trong quan hệ thương phiếu được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
4. Kỳ hạn phát hành thương phiếu:
Thời hạn thanh toán thương phiếu cụ thể do người thụ hưởng và người ký phát hoặc người phát hành xác định theo một trong các thời hạn sau đây:
– Ngay khi xuất trình.
– Sau một thời hạn nhất định kể từ ngày hối phiếu được chấp nhận.
– Sau một thời hạn nhất định kể từ ngày ký phát hành.
– Thanh toán vào một ngày xác định cụ thể.
Thời hạn thanh toán thương phiếu, thời hạn truy đòi và thời hạn khởi kiện khi có tranh chấp về quan hệ thương phiếu được tính cả ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần; nếu ngày cuối cùng của thời hạn trùng vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần thì được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.
5. Mục đích phát hành thương phiếu:
– Bổ sung nguồn vốn ngắn hạn cho các nhu cầu vốn lưu động có tính chất mùa vụ.
– Tài trợ bắc cầu: tài trợ bắc cầu được hiểu việc huy động vốn sở hữu hay nợ ngắn hạn trong thời gian 6 – 18 tháng của một đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng hay phát hành tư nhân dự kiến, nhằm “bắc cầu” cho công ty đến với đợt huy động vốn tiếp theo.
Ví dụ: Giả sử một công ty cần có nguồn tiền dài hạn để xây dựng một nhà máy hay mua thiết bị. Thay vì huy động nguồn tiền dài hạn ngay tức thời, công ty có thể trì hoãn việc huy động này cho đến khi nào tình hình thị trường vốn thuận lợi hơn. Nguồn tiền huy động được thông qua phát hành thương phiếu được sử dụng cho đến khi công ty bán ra các chứng khoán dài hạn hơn. Thương phiếu đôi khi đóng vai trò tài trợ bắc cầu để tài trợ cho một công ty đi mua lại một công ty khác.
6. Ưu điểm của thương phiếu là gì?
Thứ nhất, tính thanh khoản cao.
Doanh nghiệp cho phát hành thương phiếu bởi chúng có khả năng thanh khoản cao, tức mức độ huy động tiền mặt của nhà kinh doanh đối với người tiêu dùng cực kỳ lớn.
Bên cạnh việc có thể đem thương phiếu đi cầm cố tại ngân hàng, doanh nghiệp cũng có thể tái chiết khấu hoặc cầm cố một cách dễ dàng. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của loại thanh toán này.
Thứ hai, có tính đảm bảo chắc chắn.
Như đã nói ở trên, chỉ có những doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm lớn mới được phát hành thương phiếu. Vì thế những người sở hữu loại chứng từ có giá này sẽ không lo bị mất tiền.
Thứ ba, giúp ngân hàng kiểm soát tiền tệ.
Có thể nói, tiền bị cất trữ sẽ được coi như là tiền chết. Chúng chỉ mang đúng nghĩa là tiền tệ khi được xoay chuyển trong lưu thông. Điều này có nghĩa là tiền phải được đem đi đầu tư. Các ngân hàng nhà nước thường cố gắng huy động nguồn tiền nhàn rỗi của người dân bằng cách tăng lãi suất tiền gửi. Điều này sẽ tránh được những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra như lạm phát,…
7. Thực trạng thương phiếu ở Việt Nam:
– Thương phiếu chủ yếu được dùng trong thanh toán quốc tế
Từ năm 1954 – 1999, thương phiếu chỉ được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Các doanh nghiệp Việt Nam khi phát hành hồi phiếu đòi tiền thương nhân hoặc ngân hàng nước ngoài mặc nhiên áp dụng Luật thống nhất về hối phiếu ULB_1930.
Với chính sách mở cửa, Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta cũng được đổi mới. Trong hoạt động thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hối phiếu trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ, nhờ thu trong các
Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng hối phiếu với tư cách là người bị ký phát khi nhập khẩu hàng hóa và là người thụ hưởng khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, còn kỳ phiếu chưa thấy được sử dụng.
Các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành giao dịch thông qua các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ doanh số thanh toán có sử dụng thương phiếu (thanh toán bằng L/C và nhờ thu) chiếm đa phần, khoảng trên 80% tổng doanh số thanh toán quốc tế ở hầu hết các ngân hàng thương mại.
– Thương phiếu ít được sử dụng trong thương mại nội địa
Trước đây, Việt Nam xây dựng nền kinh tế theo học thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa nên không thừa nhận sự tồn tại của tín dụng thương mại và thương phiếu – công cụ của tín dụng thương mại không ra đời.
Trên thực tế, trong nội địa khi mua bán hàng trả tiền ngay của các doanh nghiệp thường sử dụng công cụ hóa đơn thương mại để đòi tiền. Còn khi bán hàng trả chậm, việc thu tiền trong tương lai thường được thực hiện dưới hình thức người bán trực tiếp ghi sổ nợ người mua và việc thu tiền về sau dựa trên cơ sở sự tin cậy làm đảm bảo.
Còn về kỳ phiếu, hiện tại thị trường kỳ phiếu chủ yếu do ngân hàng phát hành và chủ yếu phát hành kỳ phiếu với thời hạn ngắn nhằm huy động tiền gửi của người dân, ít dùng trong thương mại.