"Bức tranh của em gái tôi" là một truyện ngắn cảm động của nhà văn Tạ Duy Anh, khắc họa sâu sắc mối quan hệ giữa hai anh em trong một gia đình. Bài viết dưới đây về Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi sẽ giúp cho các em học sinh hiểu sâu sắc và có cái nhìn trực quan về tác phẩm.
Mục lục bài viết
1. Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi sâu sắc:
“Bức tranh của em gái tôi” là một truyện ngắn đã giành giải nhì trong cuộc thi sáng tác “Tương lai vẫy gọi” do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức vào năm 1988 và được xuất bản trong tập “Con dế ma” của tác giả Tạ Duy Anh. Với ngôn ngữ giản dị và lối kể chuyện tự nhiên, tác phẩm đã mang đến một bài học quý giá về tình cảm giữa anh em ruột thịt trong gia đình.
Câu chuyện xoay quanh hai anh em Kiều Phương, được kể từ góc nhìn của người anh. Kiều Phương là một cô bé năng động, nghịch ngợm với sở thích vẽ tranh. Mối quan hệ giữa hai anh em rất tốt đẹp cho đến khi tài năng hội họa của Kiều Phương được phát hiện. Lúc này, người anh trai bắt đầu cảm thấy thiếu thốn và ghen tị với tài năng của em nên đã đối xử với người em không tốt và thường xuyên cáu gắt. Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra khi bức tranh đạt giải nhất của Kiều Phương lại là chân dung về người anh trai. Đứng trước bức tranh “Anh trai tôi”, người anh đã không khỏi ngỡ ngàng, tự hào và cuối cùng là xấu hổ vì nhận ra tấm lòng nhân hậu của người em.
Câu chuyện được trần thuật với ngôi kể và điểm nhìn của nhân vật người anh trai. Nhờ vào ngôi kể này mà những suy nghĩ, tâm tư của nhân vật được bộc lộ một cách chân thực và sâu sắc. Thông qua các sự kiện chính của câu chuyện, chúng ta có thể thấy được rằng người anh đáng trách nhưng cũng có phần đáng cảm thông. Khi tài năng hội hoa của em gái được phát hiện và được mọi người chú ý, người anh đã ghen tị và có cách cư xử không tốt đối với em. Tài năng của em gái dường như trở thành lý do để người anh phủ nhận chính bản thân mình và có suy nghĩ rằng mình chỉ là một người thừa. Tình cảm anh em cũng vì thế mà trở nên rạn nứt và không còn nguyên vẹn như xưa. Thế nhưng khi đứng trước bức tranh của người em thì người anh đã vô cùng ngỡ ngàng, hãnh diện và cuối cùng là xấu hổ. Rõ ràng, sự ghen tị trong lòng người anh chỉ là tính cách nhất thời và đã được xua tan đi bởi tấm lòng nhân hậu và lương thiện của người em. Cho đến cuối cùng, tình cảm anh em đã chiến thắng những điều nhỏ nhen và toan tính ích kỷ.
Xuyên suốt cả tác phẩm, người đọc còn thấy được vẻ đẹp về tâm hồn và tính cách của nhân vật em gái Kiều Phương. Mặc dù chỉ được tác giả phác họa thông qua một số nét như nghịch ngợm, thích chế màu vẽ, có tài năng hội họa và qua bức tranh “Anh trai tôi”, nhưng chúng ta cũng có thể thấy được rõ ràng vẻ đẹp của nhân vật. Như biết bao đứa trẻ khác, Kiều Phương là một cô bé hiếu động, đáng yêu và trong sáng, biết theo đuổi đam mê của bản thân. Mặc dù có tài năng hội họa, nhưng cô bé không hề kiêu căng, ngạo mạn và vẫn đối xử tốt với người anh. Chính điều này đã khiến cho người anh ghen tị và thường xuyên cáu gắt, nhưng hình ảnh về anh trong lòng của Kiều Phương vẫn nguyên vẹn và tốt đẹp. Chính bởi tình cảm trong sáng, nhân hậu và vị tha ấy đã giúp cho tình cảm anh em chiến thắng những toan tính ích kỷ và nhỏ nhen.
Như vậy, câu chuyện “Bức tranh của em gái tôi” đã thể hiện một bài học sâu sắc về tình cảm anh em đã được ông cha ta thể hiện qua câu ca dao sa:
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
2. Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi ấn tượng:
“Bức tranh của em gái tôi” là một tác phẩm ngắn đoạt giải nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Thiếu niên Tiền phong. Tác giả Tạ Duy Anh, một cây bút trẻ tiêu biểu của văn học thời kỳ đổi mới, đã khéo léo thu hút sự chú ý của độc giả bằng những câu chuyện sâu sắc và gần gũi. Câu chuyện xoay quanh một gia đình có hai anh em: người anh và cô em gái Kiều Phương.
“Bức tranh của em gái tôi” đã mở ra một tình huống hấp dẫn và kịch tính, khắc họa tinh tế tâm lý của nhân vật người anh thông qua lối kể chuyện từ ngôi thứ nhất. Cả hai nhân vật – người anh và Kiều Phương – đều được miêu tả sống động, gần gũi với cuộc sống và tâm hồn trẻ thơ. Tình tiết trong câu chuyện cuốn hút độc giả, dẫn dắt họ qua những diễn biến tâm trạng phong phú và thái độ của người anh qua ba thời điểm quan trọng.
Mở đầu, Tạ Duy Anh đã để cho người anh tự giới thiệu về em gái mình với cái tên có ý để chê bai “Mèo” và thể hiện thái độ “khó chịu” với sự lục lọi của “Mèo”:
“Này, em không để chúng nó yên được à?”
Ban đầu, khi phát hiện thấy em gái thích vẽ và mày mò tự chế tạo màu vẽ, người anh chỉ coi đó là những trò nghịch ngợm của trẻ con và nhìn nó bằng cái nhìn kẻ cả với thái độ coi thường. Qua lời nhận xét của người anh, người đọc thoáng thấy trong suy nghĩ người anh “Mèo thì vẽ vời gì?”.
Câu chuyện tưởng chừng như sẽ không có gì xảy ra cho đến một tình huống bất ngờ, khiến cho kịch tính của câu chuyện bắt đầu từ đây. Tài năng hội họa của Kiều Phương được phát hiện và cũng bởi đó, tâm trạng của người anh bị biến đổi. Trong khi cả bố, mẹ, chú Tiến Lê đều ngạc nhiên, vui mừng, sung sướng thì người anh lại cảm thấy buồn và thất vọng về bản thân vì không tìm thấy ở mình một tài năng nào và cảm thấy mình bị cả nhà quên lãng. Từ đó, người anh nảy sinh thái độ khó chịu, hay gắt gỏng với em gái và không thể thân với em gái như trước nữa. Dẫu vậy, tâm lý tò mò vẫn xui khiến người anh xem trộm những bức tranh của cô em gái, để rồi khi xem xong thì lén trút ra một tiếng thở dài. Phải chăng đó là giây phút đầu tiên người anh cảm phục tài năng của Kiều Phương. Độ căng thẳng của chuyện dường như đã được trùng xuống.
Câu chuyện vẫn ngày càng tiếp tục hấp dẫn người đọc với những bất ngờ liên tiếp mà người anh được chứng kiến khi đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái mình. Người anh nhận ra mình trong bức tranh. Bất ngờ hơn nữa là trong bức tranh ấy, có một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé dường như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của cậu bé không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa. Vì thế, sau cái “giật sững mình” là một diễn biến tâm trạng đầy phức tạp nhưng lại rất dễ hiểu và đúng với nhân vật người anh lúc đó: Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Ngỡ ngàng vì không thể ngờ người em nữa có thể vẽ được bức tranh như thế. Hãnh diện vì mình hiện ra thật đẹp đẽ trong bức tranh của em gái. Và cuối cùng là xấu hổ, bởi vì người anh không những nhận ra được sự yếu kém của mình mà còn thấy mình không xứng đáng được như vậy. Trong giây phút xấu hổ ấy, người anh đã nhận ra một điều sâu sắc: Bức chân dung của mình được vẽ lên bằng “tâm hồn và lòng nhân hậu” của cô em gái. Và đây cũng là lúc nhân vật tự thức tỉnh để hoàn thiện nhân cách của mình.
Cô em gái Kiều Phương với biệt danh là “Mèo” không chỉ hồn nhiên, hiếu động mà còn có tài năng hội họa hiếm có. Đặc biệt, “Mèo” có tình cảm trong sáng và nhân hậu. Đây chính là phẩm chất đáng quý của em. Lòng nhân hậu ấy đã được thể hiện rõ trong bức tranh “Anh trai tôi”. Soi vào bức tranh ấy cũng chính là soi vào tâm hồn trong sáng và nhân hậu của người em gái, đã khiến cho người anh tự nhìn rõ mình hơn để vượt lên được những hạn chế của tính đố kỵ, lòng tự ái và tự ti trong bản thân mình.
Truyện đã đem đến cho mỗi người chúng ta bài học ứng xử trong cuộc sống: cần có thái độ thiện chí, có sự trân trọng và niềm vui thực sự chân thành trước thành công hay tài năng của người khác, ngay cả khi người đó là bạn bè trong lớp hay người thân trong gia đình.
Với cách kể chuyện hấp dẫn, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật tỉnh tế, Tạ Duy Anh đã cuốn hút người đọc vào truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi. Truyện có tác dụng truyền cảm để rồi mỗi người tự rút ra bài học một cách tự nhiên, thấm thía: hãy lấy “nhân hậu” làm tiêu chuẩn để soi sáng cho tâm hồn của chính mình.
3. Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi đặc sắc:
Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của nhà văn Tạ Duy Anh là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về tình cảm gia đình. Truyện đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.
Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” kể về hai nhân vật chính: Người anh và cô em gái Kiều Phương – một cô bé có tài năng hội họa. Giống như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, Kiều Phương là một cô bé nghịch ngợm, hiếu động. Kiều Phương còn có sở thích tự chế màu vẽ, bôi khắp người làm cho mình trở nên lem luốc, không khác gì con mèo nhỏ. Cho nên, người anh đã đặt biệt danh cho cô em gái là “Mèo”. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi chú Tiến Lê, một họa sĩ và là bạn thân của bố Kiều Phương, nhận ra tài năng hội họa ẩn dưới dáng vẻ trẻ con của Kiều Phương. Cả gia đình đi từ ngạc nhiên đến bất ngờ và đổ dồn mọi sự chú ý vào Kiều Phương. Sự thay đổi này đã khiến người anh cảm thấy tự ti, mặc cảm, thậm chí là ghen tị với tài năng của em gái. Chỉ đến khi người anh nhìn thấy bức tranh đạt giải Nhất của Kiều Phương với tiêu đề “Anh trai tôi”, người anh trải qua những cảm xúc lẫn lộn, từ ngỡ ngàng, tự hào và cuối cùng là xấu hổ. Trong bức tranh, Kiều Phương đã vẽ hình ảnh anh trai mình hiện lên thật đẹp đẽ: Một cậu bé ngồi bên cửa sổ, ánh mắt hướng ra bầu trời trong xanh, tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ diệu. Toát lên từ tư thế ngồi và ánh mắt của cậu không chỉ biểu hiện sự suy tư mà còn chứa đựng sự mộng mơ nữa. Khi nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của người em, người anh đã “giật sững người”. Người anh đã tự hỏi chính mình rằng: “Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư?”. Và cũng chính nhờ bức tranh mà người anh đã nhận ra được lỗi lầm của mình.
Truyện được kể lại theo ngôi thứ nhất với điểm nhìn của người anh. Lối kể hồn nhiên này đã góp phần tạo nên tính chân thực của câu chuyện cho người đọc. Đặc biệt, với cách miêu tả rất tinh tế diễn biến tâm lý nhân vật, người đọc như được hóa thân thành nhân vật qua từng câu chữ của tác giả. Ngôn ngữ trong truyện cũng hết sức tự nhiên, góp phần bộc lộ được tình cảm của các nhân vật.
Qua câu chuyện của hai anh em, tác giả đã gợi lên trong người đọc sự suy ngẫm để đi tới nhận thức và hành động đúng đắn trước những tình huống tương tự. Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục nhân cách nhưng không rơi vào giáo huấn khô khan, vì bài học được thể hiện một cách tự nhiên mà sâu sắc qua sự nhận thức của nhân vật chính.
THAM KHẢO THÊM: