Ở Việt Nam, từ lâu trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đã được quy định trong lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh tế và hành chính. Tuy nhiên, pháp nhân thương mại khi phạm tội mới được bổ sung và hoàn thiện để đấu tranh phòng, chống tội phạm và hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng tìm hiểu Pháp nhân thương mại phạm tội.
Mục lục bài viết
1. Pháp nhân thương mại phạm tội là gì?
Trước hết, ta cần tách riêng thành hai khái niệm cụ thể là pháp nhân thương mại và tội phạm.
Pháp nhân thương mại là gì?
Theo Điều 75 Luật Dân sự 2015, Pháp nhân thương mại được giải nghĩa là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể, Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự 2015;
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tội phạm là gi?
Cùng với đó, Điều 8
Pháp nhân thương mại phạm tội là gi?
Như vậy, định nghĩa pháp nhân thương mại phạm tội dưới góc độ khoa học hình sự có thể hiểu là là chủ thể pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể được Bộ luật Hình sự ghi nhận, bảo vệ mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Nó có thể gây tổn hại đến nền kinh tế và sự an toàn của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay chính phủ quốc gia nào đó. Thường các hoạt động tội phạm này thông qua các dạng như lũng đoạn về giá cả, trốn thuế hay sản xuất các sản phẩm dịch vụ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe, tính mạng của các đối tượng tiêu dùng.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định mới về kiểu tội phạm là pháp nhân thương mại: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Có thể thấy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam, quy định về cơ sở trách nhiệm hình sự đối với PNTM đã được ghi nhận, đồng thời đây chính là “tuyên bố” mang tính nền tảng, tiền đề để các nhà làm luật quy định những vấn đề khác trong nội dung TNHS đối với pháp nhân. Nhấn mạnh hơn, về vấn đề này, rõ ràng “hành vi, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân. Như vậy, lý thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm được các nhà lập pháp Việt Nam quy định là cơ sở quy định TNHS của PNTM” .
2. Nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
– Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
– Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;
– Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
– Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, cần lưu ý, kể cả Pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng có thể bị truy cứu Trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Cụ thể, tại Điều 6 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung 2017) có quy định về hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
– Pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
– Pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.
3. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
Theo quy định về pháp nhân thương mại thì mọi doanh nghiệp đều là pháp nhân thương mại (ngoài ra còn bao gồm các tổ chức kinh tế có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận). Do đó, chủ thể không phải là con người, nên các hình phạt đối với pháp nhân thương mại cũng không thể như con người được. Nhà nước chỉ có thể đóng cửa một công ty; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một doanh nghiệp; cấm doanh nghiệp kinh doanh hoặc phạt tiền đối với một doanh nghiệp, chứ không thể bỏ tù hoặc cải tạo không giam giữ đối với một công ty hay một doanh nghiệp.
Vì vậy, Nhà nước đã đề ra hình phạt đối với pháp nhân thương mại cũng chủ yếu nhằm tạo ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật. Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung 2017) có quy định về các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:
“1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.”
Như vậy, Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt sau:
3.1. Đối với hình phạt chính bao gồm:
Phạt tiền đối với pháp nhân thương mại:
Được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng. Nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại là hình phạt chính thì không được áp dụng hình phạt này là hình phạt bổ sung nữa.
Tuy nhiên, nếu Tòa án áp dụng hình phạt khác (không phải là tiền) là hình phạt chính thì có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại. Nếu Tòa án áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại là phạt tiền thì phải căn cứ vào khung hình phạt tiền đối với tội phạm mà pháp nhân thương mại bị kết án để xác định mức tiền phạt cụ thể.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn:
Là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
Căn cứ vào nội dung quy định trên thì pháp nhân thương mại có thể bị Tòa án đình chỉ hoạt động một hoặc một một số lĩnh vực chứ không đình chỉ toàn bộ hoạt động và các lĩnh vực này pháp nhân thương mại có khả năng khắc phục.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn:
Được hiểu là chấm dứt hoàn toàn hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây nên những thiệt hại hoặc chủ thể này có khả năng thực tế gây thiệt hại nghiêm trọng có ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Ví dụ như, liên quan đến tính mạng của nhiều người, gây ra những sự cố môi trường như ô nhiễm môi trường…
Cũng tương tự như trường hợp đình chỉ hoạt động có thời hạn được trình bày ở trên, về nhiệm vụ quyền hạn theo chức năng trong trường hợp pháp nhân thương mại chỉ phạm tội có liên quan đến một hoặc một số lĩnh vực, Tòa án chỉ được phép đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong một hoặc một vài lĩnh vực chứ không được phép đình chỉ toàn bộ những lĩnh vực.
Khi áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn có nghĩa là bắt buộc phải chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, Tòa án cần có căn cứ rõ ràng vào thiệt hại pháp nhân thương mại gây ra hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến các lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
3.2. Đối với hình phạt bổ sung bao gồm:
– Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định:
Cùng với hình phạt chính theo quy định của pháp luật, Tòa án có thể áp dụng hình phạt bổ sung, bao gồm cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực khi nhận thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục hoạt động kinh doanh buôn bán trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc xã hội.
Khi đó, Tòa án phải nói rõ trong bản án là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nào, chứ không thể tuyên chung chung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được. Cho dù Tòa án có áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn hay đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực thì việc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định cũng chỉ tối đa trong thời hạn từ 1 năm đến 3 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không được cấm vĩnh viễn với lí do đây là hình phạt bổ sung đi kèm với hình phạt chính.
– Cấm huy động vốn:
Trong trường hợp nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội thì Tòa án áp dụng đây là hình phạt bổ sung. Các hình thức cấm huy động vốn theo quy định bao gồm:
+ Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư;
+ Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng;
+ Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
+ Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
Như vậy Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn như trên. Điều kiện quy định thời hạn cấm huy động vốn cũng chỉ từ 1 năm đến 3 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, vì đây là hình phạt bổ sung.
– Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính:
Tòa án được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung theo quy định của pháp luật. Theo đó, Tòa án không áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền.
Trường hợp nếu đã áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền thì không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Mức phạt tiền đối với loại chủ thể này cũng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả.
Tuy nhiên, không được thấp hơn 50.000.000 đồng (tương tự như đối với hình phạt chính). Cũng tương tự như đối với người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội thì với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
*Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017);