Vướng mắc về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Các vướng mắc trong quy định và áp dụng pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
Việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện vừa có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân không bị xâm phạm vừa bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự được thuận lợi. Vì vậy, việc khởi kiện vụ án dân sự phải được tiến hành trong thời hiệu khởi kiện. Tùy theo theo việc dân sự mà thời hiệu khởi kiện khác nhau.
Vướng mắc về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
– Hiện nay, các quy định về thời hiệu khởi kiện còn chưa khoa học, chưa thống nhất. Thứ nhất, các quy định này không nằm tập trung ở một văn bản thống nhất mà dàn trải ở rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật lao động, Luật thương mại, Luật hôn nhân gia đình, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự. Đồng thời, việc xác định mốc, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu hiện nay luật cũng quy định khác nhau. Trong pháp luật dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ án dân sự là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; thời hiệu giải quyết việc chia thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Còn trong tranh chấp lao động, thời hiệu khởi kiện là một năm từ ngày mỗi bên tranh chấp thấy rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm… Để khắc phục nhược điểm này, đầu tiên chúng ta nên tập hợp các quy định thời hiệu khởi kiện vào một văn bản thống nhất. Thứ hai, chúng ta nên sửa lại cách tính thời điểm bắt đầu tính hiệu lực sao cho phù hợp. Các mốc bắt đầu nên có quy định lại là tính từ ngày đương sự nhận biết hoặc buộc phải nhận biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như quy định của pháp luật lao động thì hợp lý, khoa học hơn. Bởi cứ tính từ khi quyền và lợi ích bị xâm phạm thì trên thực tế không phải lúc nào người dân cũng nhận biết được quyền lợi của mình bị xâm phạm. Đến khi họ biết để nhờ pháp luật xử lý thì đã hết thời hiệu.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Các quy định về thời hiệu được quy định trong Bộ luật dân sự cũng như quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự là chưa phù hợp với thực tiễn giao dịch và giải quyết tranh chấp. Có ý kiến cho rằng, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự 2 năm như hiện nay là ngắn bởi lẽ hiện nay những giao dịch dân sự diễn ra rất phổ biến và diễn ra trong một thời gian dài. Mặt khác, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự 2 năm và đối với việc dân sự 1 năm mà không tách ra theo từng loại tranh chấp là không hợp lý, ví dụ: tranh chấp về quyền sở hữu, tranh chấp về Hợp đồng thuê nhà hay áp dụng thời hiệu trong trường hợp tuyên bố một người đã chết hay mất tích… có hợp lý hay không. Để giải quyết được những vấn đề này, nên chăng trong Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự chỉ quy định thời hiệu khởi kiện đối với một số vụ việc dân sự nhất định còn những vụ việc khác không nên quy định về thời hiệu khởi kiện.